MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ, châu Âu gửi viện trợ quân sự "khủng" cho Ukraine

13-03-2024 - 09:47 AM | Tài chính quốc tế

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 12-3 tuyên bố sẽ gửi gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine.

Đây là động thái đầu tiên của chính phủ Mỹ trong nhiều tháng, khi nguồn tài trợ bổ sung cho Kiev vẫn bị các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Quốc hội ngăn chặn.

Mỹ, châu Âu gửi viện trợ quân sự

Binh sĩ Ukraine tham gia huấn luyện ở vùng Donetsk - Ukraine đầu tháng 3. Ảnh: Reuters

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay khoản viện trợ này đến từ khoản tiết kiệm chi phí ngoài dự kiến từ các hợp đồng của Lầu Năm Góc và sẽ được sử dụng mua các loại đạn pháo và đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Ông Sullivan cho hay số đạn này cho phép Ukraine sử dụng được trong một thời gian, có thể trong vài tuần.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho rằng gói viện trợ này bao gồm tên lửa phòng không và đạn pháo. Ông nói thêm việc cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua hợp đồng tiết kiệm của Lầu Năm Góc có thể chỉ diễn ra lần này và không phải là cách tài trợ bền vững cho Kiev.

Các quan chức Mỹ cũng đã xem xét các phương án tịch thu khoảng 285 tỉ USD tài sản của Nga bị đóng băng vào năm 2022 và sử dụng số tiền này để thanh toán vũ khí của Ukraine. Thông báo trên được đưa ra khi Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 12-3 để bàn về cách tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sắp đạt được thỏa thuận về quỹ viện trợ quân sự cho Ukraine, mở đường cho khoản viện trợ 5 tỉ euro. Các nhà ngoại giao cho biết nếu không có bất kỳ trục trặc nào vào phút cuối, thỏa thuận này sẽ được các đại sứ từ 27 quốc gia thành viên EU chấp thuận tại cuộc họp ở Brussels trong ngày 13-3.

Đại sứ Đức tại EU Michael Clauss cho biết Đức ủng hộ thỏa hiệp. Ông nói: "Đó là một giải pháp tốt cho Ukraine vì nó cho phép cung cấp viện trợ quân sự song phương, tránh sự chậm trễ quan liêu, như một phần trong nỗ lực của châu Âu".

Theo Xuân Mai

Người Lao động

Trở lên trên