Mỹ có thể sẽ bỏ qua cho Việt Nam trong báo cáo bán niên về thị trường tiền tệ công bố tuần này
ING Groep NV nhận định rằng có khả năng Mỹ sẽ gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ bởi căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đang leo thang. Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan có thể sẽ được bỏ qua.
Hiện tại, có quá nhiều yếu tố để tin vào triển vọng của tài sản rủi ro, thật khó để cho rằng sẽ có điều gì đó cản trở sự tăng điểm của thị trường mới nổi, ít nhất trong những ngày tới, theo tin từ Bloomberg.
Trong tuần vừa rồi, báo cáo thị trường việc làm Mỹ tốt hơn kỳ vọng của giới chuyên gia. Ngoài ra, nhóm các nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới (OPEC+) đã thống nhất kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng. Tất cả những yếu tố trên không khỏi khiến nhiều người tin tưởng vào khả năng kinh tế toàn cầu hồi phục và nhờ vậy giá cả tài sản an toàn sẽ tăng lên.
Chỉ số biến động thị trường tiền tệ do JP Morgan tính toán cho thấy biến động tiền tệ đã có tuần sụt giảm sâu nhất tính từ năm 2011. Thị trường chứng khoán thế giới trong tuần qua đã có tuần tăng trưởng tốt nhất tính từ năm 2011, chỉ số trái phiếu nội địa lên mức cao nhất tính từ đầu tháng 3/2020.
Chuyên gia tư vấn tại Allied Investment Partners PJSC ở Dubai, ông Iyad Abu Hweij, nhận xét: “Dù rằng vẫn còn quá nhiều yếu tố bất ổn từ đại dịch Covid-19 lên lợi nhuận doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn hài lòng với việc nền kinh tế được mở cửa trở lại, doanh nghiệp sẽ có lãi trong năm nay. Xét đến các yếu tố bất ổn, đây có thể là cơ hội cho nhà đầu tư tái cân bằng lại danh mục đầu tư nhằm đảm bảo có một danh mục phù hợp thích ứng với tình hình mới”.
Dù rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ duy trì lãi suất ở mức gần 0% khi các nhà hoạch định chính sách nhóm họp vào ngày thứ Tư, nhà đầu tư chờ đợi dấu hiệu Mỹ sẽ tung ra thêm gói kích thích kinh tế trong bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Các chỉ số kỹ thuật cho thấy triển vọng giá cả của tài sản các nước đang phát triển khá hấp dẫn khi mà đồng USD suy giảm. Chỉ số MSCI của các đồng tiền mới nổi tăng vượt mức trung bình của 100 tuần gần đây và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng tiếp.
Dù vậy sự phục hồi vẫn còn rất mong manh. Vài giờ trước buổi họp của Fed, Trung Quốc cũng sẽ công bố chỉ số giảm phát các nhà máy đi xuống, lạm phát tiêu dùng tiếp tục giảm trong tháng 5/2020. Số liệu công bố vào cuối tuần qua cho thấy rằng xuất khẩu nhiều khả năng sẽ vẫn trì trệ bởi rủi ro đối đầu với Mỹ đe dọa triển vọng của thương mại.
Số liệu tín dụng Trung Quốc có thể được công bố trong tuần này. Những nguồn vốn lớn được kỳ vọng đã hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế.
Nhiều nhà đầu tư trên thị trường đang chờ đợi báo cáo bán niên về thị trường ngoại hối của Bộ Tài chính Mỹ trình Quốc hội Mỹ. Báo cáo này thông thường được công bố vào tháng 5/2020 nhưng năm nay công bố muộn.
Trong báo cáo nhận định của mình, tổ chức ING Groep NV nhận định rằng có khả năng Mỹ sẽ gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ bởi xét đến việc căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đang leo thang. Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan có thể sẽ được bỏ qua trong báo cáo lần này.
Trước đó trong báo cáo vào tháng 1/2020, Mỹ đã kết luận rằng không có nước đối tác thương mại nào của Mỹ, trong đó có Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Tuy nhiên Mỹ có đưa 10 nước trong đó có Việt Nam vào danh sách giám sát về hoạt động tiền tệ. Đây là lần thứ 2 Việt Nam bị đưa vào danh sách giám sát sau khi bị đưa vào lần thứ nhất vào tháng 5/2019.
Trong báo cáo bán niên của mình, Bộ Tài chính Mỹ xem xét lại các nước đối tác thương mại của Mỹ và quyết định liệu các nước này có phải nước thao túng tiền tệ hay không dựa trên các tiêu chí: Thặng dư thương mại 2 chiều với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD trong khoảng thời gian 12 tháng, thặng dư tài khoản vãng lai ít nhất 2% GDP trong 12 tháng, việc các nước can thiệp một chiều mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6/12 tháng, giá trị mua ròng ít nhất 2% GDP trong 12 tháng.
BizLive