Mỹ công bố mức thuế nhập khẩu 25% đối với các sản phẩm công nghệ Trung Quốc
Sau nhiều cuộc đôi co qua lại trong vài tháng qua, Nhà Trắng dự định sẽ cam kết đặt mức thuế nhập khẩu lên các sản phẩm hàng hoá công nghệ đến từ Trung Quốc, đồng thời thắt chặt các hạn chế đầu tư bởi các công ty Trung Quốc vào các công ty Mỹ.
- 23-05-2018Trung Quốc giảm mạnh thuế nhập khẩu ôtô sau đàm phán với Mỹ
- 19-05-2018Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa sau khi Mỹ từ chối miễn thuế nhập khẩu thép
- 02-04-2018Trung Quốc quyết "phản đòn", tăng thêm 25% thuế nhập khẩu từ Mỹ
Trong một tuyên bố được đăng bởi Nhà Trắng vào sáng nay, chính quyền nói rằng họ sẽ áp đặt thuế 25% lên những hàng hoá công nghệ cao từ Trung Quốc. Tuyên bố được đưa ra sau khi có kết luận của cuộc điều tra Mục 301 của Đại diện thương mại Mỹ về các chính sách sở hữu trí tuệ và các chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ những mặt hàng nào sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế nhập khẩu mới này, và danh sách chính thức sẽ được công bố vào ngày 15 tháng 6. Gói thuế nhập khẩu này khác so với gói thuế nhập khẩu tập trung vào các sản phẩm thép và nhôm được công bố vào đầu năm nay.
Các quy định về hạn chế đầu tư bởi các công ty Trung Quốc sẽ được công bố vào cuối tháng 6. Chính quyền Mỹ cũng sẽ tiếp tục kiện tụng tại Tổ chức Thương mại Thế giới về những vấn đề liên quan đến bảo về quyền sở hữu trí tuệ.
Những công bố mới này có thể vẫn sẽ thay đổi, khi mà các cuộc đàm phán vẫn diễn ra trong nội bộ Nhà Trắng và giữa Mỹ với chính phủ Trung Quốc.
Trong nội bộ Nhà Trắng đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều về cách truy tố Trung Quốc vì những hoạt động công nghiệp của họ. Những nhà tài chính như Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin cho rằng các chính sách cần phải linh hoạt hơn, trong khi những người khác như Đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lightizer và Giám đốc Hội đồng thương mại Nhà Trắng, ông Peter Navarro lại muốn thúc đẩy cách tiếp cận hung hãn hơn với Trung Quốc.
Về phía đối ngoại, Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc đàm phán đa chiều kéo dài về tình trạng thương mại giữa hai nước. Các cuộc đàm phán đề cập đến những vấn đề như việc phê chuẩn sáp nhập Qualcomm với NXP từ phía Hoa Kỳ, và cấp lại giấy phép xuất khẩu công nghệ cho nhà sản xuất ZTE từ phía Trung Quốc. Trong vài tuần tới sẽ tiếp tục có thêm nhiều thông báo, khi mà những cuộc đàm phán này vẫn cứ tiếp diễn.
Đối với các công ty và các start-up công nghệ, sự không chắc chắn và thiếu tính minh bạch về những chính sách thuế nhập khẩu này khiến vấn đề trở nên khó quản lý. Các kế hoạch ra mắt sản phẩm và chuỗi cung ứng đang phải cân nhắc lại, khi mà các chính sách mới cứ liên tục được công bố, khiến cho việc quản lý lịch ra mắt sản phẩm mới trở nên rất khó lường. Mặc dù chẳng ai muốn có thuế nhập khẩu trong ngành công nghệ, sự minh bạch chắc chắn sẽ khiến cho thuế quan trở nên dễ dàng quản lý và đối phó hơn.
Một thách thức khó nhằn hơn nữa chính là sự hạn chế đầu tư. Do các vòng vốn mạo hiểm thường mất một vài tuần để đóng lại, và thời hạn thông báo những hạn chế đầu tư này là vào cuối tháng 6, các nhà sáng lập ở Silicon Valley sẽ ngần ngại không muốn chấp nhận tiền từ Trung Quốc, khi mà họ phải đợi các quy định rõ ràng từ phía Washington. Chính quyền Mỹ sẽ cần phải phát triển một quy tắc rõ ràng, và cho đến khi chúng ta có nhiều thông tin hơn, bất cứ khoản đầu tư nào từ một công ty có liên quan tới Trung Quốc cũng có thể bị cắt vào phút chót.
Tham khảo TechCrunch
Trí thức trẻ