MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ đang "đứng ngồi không yên", lo sợ bị vượt mặt chỉ vì 1 thay đổi nhỏ mà Trung Quốc bắt đầu thực hiện cách đây 15 năm

07-09-2021 - 20:02 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ đang "đứng ngồi không yên", lo sợ bị vượt mặt chỉ vì 1 thay đổi nhỏ mà Trung Quốc bắt đầu thực hiện cách đây 15 năm

"Sau nhiều thập kỷ bỏ quên và giảm đầu tư, chúng ta đang bị mất lợi thế cạnh tranh vì nhiều quốc gia, ví dụ như Trung Quốc, đã rót tiền rất mạnh và tập trung vào những ngành nghề, công nghệ mới, khiến chúng ta có nguy cơ bị bỏ lại phía sau", ông Biden phát biểu hồi tháng 6.

Nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã theo đuổi chính sách kinh tế kế hoạch tập trung. Mỹ vui vẻ với điều này và chỉ đứng từ xa theo dõi. Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, trong thời gian gần đây một sự thay đổi nhỏ nhưng quan trọng được Bắc Kinh bắt đầu thực hiện từ gần 15 năm trước đang khiến Washington cảm thấy phải bất an.

Điều Washington lo lắng không chỉ là trong nhiều lĩnh vực Trung Quốc đang đuổi theo sát nút Mỹ bằng cách áp dụng những phương pháp tiếp cận mà Mỹ từng thực hiện. Nếu như trước đây Trung Quốc vẫn đưa ra các kế hoạch 5 năm với những mục tiêu về nông nghiệp và công nghiệp theo kiểu Xô Viết thì giờ các kế hoạch này tập trung vào việc phân bổ trực tiếp các nguồn lực vào nghiên cứu khoa học cơ bản với những ứng dụng thực tiễn trong ngành công nghiệp.

Việc Trung Quốc dành nhiều nguồn lực cho trí tuệ nhân tạo và robotic – những lĩnh vực mà Mỹ từng thống trị - cũng là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Tổng thống Biden đặc biệt chú trọng các chính sách phát triển công nghiệp, mà nổi bật nhất là kế hoạch chi số tiền khổng lồ để củng cố lại lợi thế cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chip.

"Sau nhiều thập kỷ bỏ quên và giảm đầu tư, chúng ta đang bị mất lợi thế cạnh tranh vì nhiều quốc gia, ví dụ như Trung Quốc, đã rót tiền rất mạnh và tập trung vào những ngành nghề, công nghệ mới, khiến chúng ta có nguy cơ bị bỏ lại phía sau", ông Biden phát biểu hồi tháng 6.

Bắc Kinh cũng bắt chước Washington khi thành lập những cơ quan nghiên cứu tương tự các tổ chức của Mỹ, ví dụ như Viện Y tế quốc gia, Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến hay NASA.

"Trung Quốc đang muốn trở thành nền kinh tế thị trường do chính phủ điều hướng đầu tiên trên thế giới", giáo sư Barry Naughton của ĐH California viết trong cuốn sách mới xuất bản của ông.

Mỹ đang đứng ngồi không yên, lo sợ bị vượt mặt chỉ vì 1 thay đổi nhỏ mà Trung Quốc bắt đầu thực hiện cách đây 15 năm - Ảnh 1.

Kế hoạch 5 năm đầu tiên của Trung Quốc được đưa ra năm 1953, dưới thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông. Trong đó đặt ra nhiều dấu mốc đầu tiên của Trung Quốc: sản xuất chiếc xe ô tô đầu tiên, máy bay phản lực đầu tiên và cây cầu hiện đại đầu tiên bắc qua sông Dương Tử. Trong khi đó kế hoạch 5 năm lần thứ 2 được đưa ra năm 1958, được biết đến với cái tên Bước đại nhảy vọt, thể hiện nỗ lực phát triển ngành nông nghiệp và ngành luyện thép một cách thần tốc.

Có thể coi các bản kế hoạch 5 năm là một trong những di sản của Mao Trạch Đông. Trong 1 thời gian dài, những bản kế hoạch này đã giúp Trung Quốc thu hút được hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và trở thành công xưởng thế giới.

Tuy nhiên trong quá khứ chính sách công nghiệp của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế nội địa, đồng thời cũng giúp các tập đoàn nước ngoài hưởng lợi. Sau khi gia nhập WTO năm 2001, các kế hoạch của Bắc Kinh còn có thêm việc giảm thiểu những chính sách quan liêu kiểm soát hoạt động thương mại.

Theo Naughton, chiến lược của Trung Quốc bắt đầu thay đổi từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khi Bắc Kinh mạnh tay chi tiền cho những siêu dự án. Các ví dụ là sản xuất máy bay "made in China" cạnh tranh với Boeing và Airbus hay tự phát triển hệ thống định vị GPS của riêng mình.

Sau khi lên nắm quyền năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy tham vọng thống trị lĩnh vực công nghiệp và khoa học, coi đó là yếu tố đảm bảo cho an ninh Trung Quốc cũng như nâng tầm ảnh hưởng trên thế giới. Các bản kế hoạch cũng nhắm vào những lĩnh vực mang tính toàn cầu hóa cao, ví dụ như sản xuất xe hơi. Những nguồn lực như tiền của chính phủ và môi trường pháp lý được dồn vào hỗ trợ các ý tưởng mới, ví dụ như điện khí hóa.

Gần đây Trung Quốc đã thể hiện thế mạnh trong những lĩnh vực đầy hứa hẹn như máy tính lượng tử, thách thức các quốc gia phương Tây. Nghiên cứu của Naughton chỉ ra "các quỹ đầu tư cho công nghiệp" đã huy động được tổng cộng 1.600 tỷ USD trong thời kỳ từ 2014 đến giữa 2020.

Đối với các học giả Trung Quốc như Justin Yifu Lin, giáo sư ĐH Bắc Kinh và đã từng là chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank, Trung Quốc vẫn không thay đổi triết lý và phương pháp tiếp cận. Thay vào đó chỉ đối tượng nhắm đến là thay đổi. Trước những năm 2000, Trung Quốc không cạnh tranh với Mỹ do đó mục tiêu cũng khác. Trong quá khứ, họ chào đón các bước tiến của Mỹ bởi vì đó cũng là một trong những động lực giúp kinh tế Trung Quốc thăng hoa. Nhưng giờ thì câu chuyện hoàn toàn khác.

38% các tập đoàn đa quốc gia cho biết hoạt động của họ tại Trung Quốc đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các chính sách công nghiệp của Trung Quốc, theo khảo sát được Ủy ban kinh doanh Mỹ-Trung công bố trong tháng 8. Tỷ lệ tăng hơn 3 lần so với thời điểm 2 năm trước.

Chính sách mới của Trung Quốc vẫn chưa thể hiện kết quả rõ ràng và cần thêm thời gian để có kết luận chính xác. Tuy nhiên, chừng đó là đủ để Washington lo lắng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. "Mỹ phải đắn đo liệu có rót tiền ngân sách vào các sáng kiến mà có thể thất bại, nhưng Trung Quốc thì luôn cho rằng đó đều là những sáng tạo đáng giá", Christopher Johnson, chủ tịch công ty tư vấn China Strategies Group, nhận xét.

Tham khảo Wall Street Journal

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên