MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ đang kéo cả thế giới vào cuộc chiến tranh thương mại toàn diện?

17-06-2018 - 15:54 PM | Tài chính quốc tế

Căng thẳng thương mại giờ đây đã không còn chỉ giới hạn giữa Mỹ và Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã thông báo kế hoạch đánh thuế với nhiều hàng Mỹ để trả đũa.

Việc Tổng thống Trump quyết định áp thuế với thép, nhôm và nay là hàng nhập khẩu Trung Quốc đã khiến phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc, châu Âu, Canada và thậm chí cả Ấn Độ, và như vậy kéo rất nhiều nước đến bên bờ vực của một cuộc chiến tranh thương mại.

Trong ngày thứ Sáu, Tổng thống Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng Trung Quốc bắt đầu từ tháng sau, Bắc Kinh đã phản ứng nhanh lẹ đúng như kỳ vọng của thị trường.

Chỉ 5 tiếng sau khi Mỹ công bố tăng thuế với hàng Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra tuyên bố đánh thuế với quy mô tương đương, đồng thời công bố danh sách cụ thể các loại hàng hóa Mỹ phải chịu thuế cao hơn.

Danh sách hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc áp thuế cao hơn mà Trung Quốc công bố lần này đã được mở rộng hơn so với lần mà Trung Quốc dọa đánh thuế hàng Mỹ vào hồi tháng 4/2018, tuy nhiên tổng giá trị hàng hóa phải chịu thuế vẫn ở mức 50 tỷ USD.

Máy bay đã được đưa ra khỏi danh sách và thay vào đó là nhiều sản phẩm nông nghiệp và năng lượng. Dù việc Trung Quốc đánh thuế nhiều với các sản phẩm nông nghiệp không khó đoán, nhưng việc Trung Quốc đánh thuế với dầu thô và khí đốt tự nhiên khiến không ít người ngạc nhiên bởi nó tiềm ẩn khả năng đẩy cao lạm phát ở một nước nhập khẩu ròng cả hai loại nhiên liệu trên.

Trong tháng này, Bắc Kinh đã đồng ý mua thêm khoảng 70 tỷ USD hàng Mỹ, trong đó có nông sản và năng lượng nếu Mỹ chấp nhận bỏ qua việc áp các loại thuế mới. Các biện pháp trả đũa mà phía Trung Quốc đưa ra được tính toán để gây ra nhiều thiệt hại chính trị với Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump.

Khi mà cả Mỹ và Trung Quốc không bên nào chịu nhượng bộ, nhiều doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt những doanh nghiệp sản xuất đậu tương, một mặt hàng xuất khẩu bị Bắc Kinh nhắm tới và giờ đang trong danh sách chịu thuế, đang ngày một lo lắng hơn.

“Việc sử dụng thực phẩm như một vũ khí trong các tranh chấp thương mại không khỏi khiến người ta lo sợ. Nó đe dọa đến an ninh và ổn định cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ, trong đó có hàng triệu gia đình Mỹ đang làm nghề nông nghiệp”, theo khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội đậu tương Iowa, ông Bill Shipley, nhận xét.

Chính sách thuế mới của Washington được đưa ra khi mà trước đó Washington đã áp thuế 25% với sản phẩm thép. Giá thép tại Mỹ từ tháng 1/2018 đến nay tăng đến 40%.

Trong ngày thứ Sáu, Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ có thể sẽ áp dụng thêm nhiều biện pháp thuế quan khác nếu Trung Quốc trả đũa. Chính quyền của ông đang cân nhắc đánh thuế thêm với khoảng 100 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Tổ chức nghiên cứu Oxford Economics ước tính rằng các biện pháp thuế nhập khẩu áp với hàng hóa giá trị khoảng 150 tỷ USD từ cả hai bên sẽ khiến cho GDP mỗi nước giảm từ 0,3% đến 0,4%.

Căng thẳng thương mại giờ đây đã không còn chỉ giới hạn giữa Mỹ và Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã thông báo kế hoạch đánh thuế với nhiều hàng Mỹ để trả đũa về các biện pháp đánh thuế nhôm thép.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo GDP toàn cầu có thể sụt giảm 1,4% nếu Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đưa ra những chính sách khiến chi phí thương mại của tất cả các bên tăng khoảng 10%. Còn theo tài liệu nội bộ của Phòng Thương mại Mỹ, cuộc chiến thương mại giữa ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến khoảng 600 nghìn người mất việc.

Các nước mới nổi cũng đang tham gia vào cuộc chiến thương mại. Trong ngày thứ Năm, Ấn Độ thông báo với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) rằng Ấn Độ có kế hoạch tăng thuế với khoảng 30 mặt hàng Mỹ, trong đó có thuế 50% với sản phẩm xe máy phân khối lớn. Thép từ Ấn Độ hiện chiếm khoảng 3% thép nhập khẩu vào Mỹ, tương đương với Trung Quốc.

Theo Trung Mến

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên