MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ đang phủ nhận thế giới do chính tay mình tạo ra?

08-02-2018 - 12:15 PM | Tài chính quốc tế

Nước Mỹ đang quay lưng lại với thế giới do chính mình tạo tác, và điều này tiềm tàng nhiều nguy cơ.

"Trật tự toàn cầu dựa trên quy tắc" là một cụm từ mang ý nghĩa quan trọng. Mọi quốc gia trên thế giới, trừ một số quốc gia, đều có quan hệ với nhau trên cơ sở một bộ quy tắc pháp lý, kinh tế và quân sự đồng thuận.

Phớt lờ hoặc đảo ngược những bộ quy tắc này, tình trạng bất ổn định và mâu thuẫn sẽ nổ ra. Một số quốc gia ngoài phương Tây từ lâu đều tin rằng cụm từ trên chỉ là vỏ bọc cho sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Kể từ khi Mỹ thành công trong việc viết nên các quy tắc, nhiều người cho rằng toàn hệ thống có khuynh hướng ủng hộ Mỹ.

Tuy nhiên, dường như ông Donald Trump không đồng ý như vậy. Tổng thống Mỹ cho rằng những người ngoại quốc thông thái đã thao túng hệ thống quốc tế, do đó, Mỹ phải gánh chịu nhiều bất lợi và buộc phải chấp nhận những phán quyết thù địch của toà án quốc tế. Về vấn đề an ninh, Trump phàn nàn rằng Mỹ dành hàng tỉ đô để bảo hộ cho các đồng minh vô ơn. Ông đòi hỏi phải thay đổi. Nước Mỹ đang quay lưng lại với thế giới do chính mình tạo tác, và điều này tiềm tàng nhiều nguy cơ.

Trong năm tới, chúng ta sẽ biết được phạm vi mà chính quyền Trump sẵn sàng tấn công nhiều mặt trong hệ thống thương mại quốc tế: yêu cầu thay đổi triệt để NAFTA (hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ), chống đối WTO và đánh thuế hàng hoá Trung Quốc. Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, hoặc trong liên minh NATO, có thể leo thang trong năm nay. Nguy cơ này đặt ra nghi vấn về mức độ cam kết của Mỹ đối với các quy tắc chi phối nền an ninh thế giới.

Câu hỏi cơ bản nhất là thế giới sẽ ra sao sau một vài năm nữa, khi chính quyền Mỹ quyết định thay đổi triệt để hệ thống quốc tế.

Nhìn chung, có bốn khả năng có thể xảy ra. Nước Mỹ có thể đạt được những thay đổi mong muốn và hệ thống vẫn tồn tại dưới một diện mạo mới, trong đó Mỹ vẫn là lãnh đạo toàn cầu.

Khả năng thứ hai là một hệ thống mới xuất hiện, trong đó các quốc gia còn lại sẽ vận hành theo các quy tắc đa phương và phớt lờ chủ nghĩa đơn phương của Mỹ nhiều nhất có thể.

Khả năng thứ ba là sự rút lui của Mỹ sẽ khiến trật tự dựa trên quy tắc sụp đổ, và dẫn đến hỗn loạn.

Khả năng thứ tư là Mỹ hài lòng với các thay đổi bên ngoài, và phần lớn hệ thống vẫn duy trì như cũ.

Còn quá sớm để khẳng định khả năng nào sẽ trở thành hiện thực. Chính quyền Trump có lẽ sẽ ủng hộ khả năng thứ nhất: một hệ thống được điều chỉnh vẫn do Mỹ đứng đầu đang dần thành hình. Canada và Mexico đã bắt đầu tiến hành đàm phán về việc sửa đổi NAFTA. Các quốc gia châu Âu trong khối NATO cũng đang tăng cường chi tiêu cho quốc phòng. Trung Quốc có thể sẽ nhượng bộ trong vấn đề thương mại khi chịu đủ áp lực.

Tuy nhiên, hiện nay cũng tồn tại một số yếu tố thuộc khả năng thứ hai – một thế giới không Mỹ. Khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 quốc gia thành viên khác quyết định tiếp tục đàm phán hiệp định mà không có Mỹ. Tuần trước, Trump đã phát tín hiệu rằng Mỹ có thể gia nhập lại TPP sau khi sửa đổi, tuy nhiên, có lẽ đã quá muộn để quay lại. Trong khi đó, được tiếp sức bởi tư tưởng chống thương mại của Trump, EU hiện đã chuẩn bị kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại với Nhật và với nhóm Mercosur gồm các quốc gia Nam Mỹ. Và Trung Quốc cũng đang tiến lên với sáng kiến Một vành đai – Một con đường, hợp tác với các quốc gia khác nhằm tạo ra một cơ sở hạ tầng xuyên suốt lục địa Á Âu và Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nước Mỹ lại có vị thế quá quan trọng; do đó, kiến tạo một trật tự thế giới mới không có Mỹ nhưng vẫn hiệu quả là một điều không tưởng. Đó là lý do vì sao nhiều người nghĩ đến khả năng thứ ba – hỗn loạn.

Nếu chính quyền Trump tiếp tục ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới vào toà án phúc thẩm của WTO, hệ thống thương mại trên toàn thế giới sẽ phải trả giá. Ngoài ra, nước Mỹ cũng đảm nhiệm một số chức năng nhất định (ví dụ như cung cấp sức mạnh quân sự và sở hữu loại tiền tệ dự trữ của thế giới) mà không một quốc gia nào khác có thể thực hiện trong hoàn cảnh hiện nay.

Ví dụ, nếu Mỹ huỷ bỏ các hình thức bảo đảm an ninh trên Thái Bình Dương, thì nỗ lực tổng hợp của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc sẽ không thể bù đắp được. Và hiện nay, cả euro và nhân dân tệ đều chưa thể trở thành tiền tệ dự trữ của toàn thế giới, ngay cả khi Mỹ đang dần trở nên vô trách nhiệm trong quản lý đô la.

Dù vậy, việc chưa có điều gì nghiêm trọng xảy ra cho thấy tính khả thi của khả năng thứ tư, trong đó Mỹ đồng thuận với những thay đổi bề ngoài cho phép Trump tuyên bố "chiến thắng". Những ngành kinh doanh lớn tại Mỹ có thể hồi phục nếu chính quyền Trump không cố gắng huỷ hoại NAFTA. Và dù Trump có nói gì đi chăng nữa, thì Mỹ vẫn thu được nhiều lợi ích chính trị và an ninh khi đảm nhiệm vai trò "cảnh sát của thế giới", và Mỹ chắc chắn sẽ không phớt lờ những lợi ích này.

Những yếu tố trên cho thấy khả năng thay đổi bề ngoài là hệ quả khả thi nhất sau cuộc tấn công vào trật tự thế giới dựa trên quy tắc của chính quyền Trump. Tuy nhiên, nước Mỹ đang chơi một trò chơi đầy rủi ro. Những biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước rất có thể sẽ kích thích những phản ứng yêu nước, đặc biệt là từ những thế lực đang vươn lên như Trung Quốc. Trump có thể không thực sự có ý định phá vỡ trật tự thế giới hiện tại. Những ông có thể vô tình làm điều đó.

Quỳnh Mai

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên