Mỹ điều tra cáo buộc công ty con của Minh Phú lẩn tránh thuế chống bán phá giá
Mỹ bắt đầu điều tra cáo buộc liên quan tới việc MSeafood vi phạm luật thương mại của Mỹ. MSeafood bị cáo buộc sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.Mseafood sẽ phải cung cấp các chứng từ nhập cảnh và ký quỹ tiền mặt trước khi hàng hóa được thông quan vào Mỹ.
Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) vừa thông báo bắt đầu điều tra cáo buộc liên quan tới việc MSeafood, một chi nhánh của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Theo Undercurrent News, ông Christopher Bowman, Quyền Giám đốc Phòng Thực thi pháp luật và Sửa đổi thương mại của CBP, đã gửi thư thông báo tới ông Lê Văn Quang, Chủ tịch của Minh Phú, thông qua văn phòng của MSeafood tại Fountain Valley, California vào ngày 14/1. Ông Bowman cho biết cơ quan này sẽ trình đơn kiện dựa trên Đạo luật Bảo vệ và Thực thi, đồng thời sẽ áp dụng các biện pháp tạm thời, bao gồm yêu cầu Mseafood cung cấp các chứng từ nhập cảnh và ký quỹ tiền mặt trước khi hàng hóa được thông quan vào Mỹ.
Bức thư của ông Bowman cũng được gửi đến luật sư Nathan Rickard nhằm thông báo cho Ủy ban lâm thời Thực thi Thương mại Tôm (liên minh của 18 tổ chức và doanh nghiệp đại diện cho những người thu hoạch và bán tôm của Mỹ).
Mỹ bắt đầu điều tra cáo buộc liên quan tới việc MSeafood vi phạm luật thương mại của Mỹ. Ảnh: Shutterstock. |
Động thái của CBP diễn ra sau khi Ủy ban lâm thời Thực thi Thương mại Tôm hồi tháng 7/2019 đệ đơn yêu cầu điều tra những cáo buộc liên quan tới việc Minh Phú, MSeafood và một số công ty khác, như Thủy sản Minh Quý, Thủy sản Minh Phát và Minh Phú Hậu Giang, nhập khẩu tôm từ Ấn Độ vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ để tránh thuế.
Trả lời Undercurrent News, người phát ngôn của Minh Phú cho biết công ty không thể bình luận ngay sau khi nhận được bức thư.
Theo thông cáo từ Liên minh Tôm miền Nam nước Mỹ, CBP đã đánh giá các chứng cứ được gửi lên hồi tháng 7/2019 và nhận thấy đủ tiêu chuẩn để khởi động một cuộc điều tra. "CBP cũng đã thực hiện cuộc điều tra sơ bộ riêng về hoạt động nhập khẩu tôm của MSeafood và kết quả là các bằng chứng bổ sung đều hỗ trợ cho các cáo buộc", thông báo viết.
Trước đó, đại diện của bang Illinois, ông Darin LaHood, hồi tháng 5/2019 cũng cho biết đã nhận được một đơn kiện bằng thư điện tử liên quan tới việc Tập đoàn Minh Phú tránh thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ tại Mỹ. Tháng 6, phía Minh Phú sau đó đáp trả các bình luận của ông LaHood rằng công ty không làm gì sai và ủng hộ thực hiện một cuộc điều tra. Minh Phú cho biết tôm Ấn Độ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu nhập khẩu nhằm bổ sung nguyên liệu chế biến, bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các nguồn tin của Undercurrent News cho rằng những vấn đề của Minh Phú với CBP có thể khiến một số nhà bán buôn thủy sản, công ty dịch vụ thực phẩm và nhà bán lẻ lớn nhất tại Mỹ bị ảnh hưởng vì từng là khách hàng của công ty này.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) bắt đầu áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lanh nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác từ năm 2005. Tuy nhiên, tháng 7/2016, DOC thu hồi lệnh áp thuế với Minh Phú. Nói cách khác, Minh Phú không cần cung cấp thông tin và số liệu về sản lượng với DOC, cũng như không bị cơ quan này tới thanh tra hàng năm.
Trong cáo buộc gửi lên CBP, Ủy ban lâm thời Thực thi Thương mại Tôm đưa một manh mối lớn là Minh Phú báo cáo tổng sản lượng tôm đông lạnh năm 2018 tại Việt Nam là 12.000 tấn nhưng xuất khẩu đi lại đạt 67.000 tấn.
"Bên cạnh đó, ủy ban cũng cung cấp số liệu cho thấy Minh Phú tiếp tục nhập khẩu một lượng tôm đông lạnh đáng kể từ nhiều nhà sản xuất tôm Ấn Độ. Năm 2017 và 2018, Minh Phú lần lượt nhập khẩu 16.800 tấn và 23.800 tấn tôm loại này từ Ấn Độ", theo bức thư của CBP.
Ủy ban lâm thời Thực thi Thương mại Tôm cáo buộc Minh Phú nhập khẩu tôm từ những công ty không đủ tiêu chuẩn nằm trong "Danh sách xanh" của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ. Khoảng 170 công ty sản xuất tôm của Ấn Độ bị loại khỏi danh sách này mà không cần thanh tra thực tế.
Ủy ban trích số liệu thương mại của Ấn Độ cho biết, kể từ ngày 1/1/2018, có 1.512 lô hàng tôm Ấn Độ được vận chuyển tới Minh Phú.
Theo UnderCurrentNews
Người đồng hành