Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ: Tác động thế nào và Việt Nam cần làm gì tiếp theo?
Chuyên gia cho rằng, đây là tin tốt nhưng chúng ta vẫn chưa thể chủ quan và phải tiếp tục theo dõi xử lý sao để Việt Nam không bị chạm ngưỡng liên tục 3 tiêu chí trong các kỳ báo cáo tiếp theo của Mỹ.
- 17-04-2021Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc Mỹ gỡ mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam?
- 16-04-2021Bộ Tài chính Mỹ: Không đủ điều kiện để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ
Ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Trong đó, Bộ Tài chính Mỹ xác định trong giai đoạn năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV để hiểu rõ hơn về tác động của việc Mỹ gỡ mác thao túng cho Việt Nam cũng như khuyến nghị chính sách trong thời gian tới.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc Mỹ gỡ mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam? Điều này sẽ có tác động như thế nào?
Đánh giá chung, đây là tin tốt với Việt Nam. Phía Mỹ đã đưa ra báo cáo xem xét lại toàn bộ quan hệ thương mại, chính sách tiền tệ, đặc biệt là liên quan tới tỷ giá, dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Họ chưa có đủ bằng chứng để kết luận thao túng tiền tệ để tạo ra lợi thế thương mại.
Đây là tin tích cực hơn so với báo cáo tháng 12 năm ngoái (theo báo cáo tháng 12/2020, BTC Mỹ kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ).
Lý do chính là họ thấy rằng năm 2020 vừa qua, tác động của đại dịch Covid-19 lên thế giới nói chung và Mỹ, Việt Nam hay các đối tác khác nói riêng là rất lớn. Do đó, những dịch chuyển về thương mại và cách thức điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa các nước đều phải thay đổi.
Thứ hai, Việt Nam đã tích cực trao đổi sâu và rộng với Mỹ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là chính sách về thương mại, tiền tệ.
Thứ ba, bản thân Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có một số điều chỉnh về chính sách điều hành tỷ giá, hoạt động can thiệp thị trường ngoại hối trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn, NHNN đã quyết định mua ngoại tệ theo hình thức có kỳ hạn 6 tháng thay vì mua ngay như trước. Hiện nay, NHNN có can thiệp thị trường ngoại hối, mua dự trữ ngoại hối cũng là can thiệp theo hàng tuần chứ không thường xuyên như trước.
Đây là những điểm mà phía Mỹ đánh giá thiện chí và tích cực.
Tác động có, nhưng không nhiều. Tháng 12 năm ngoái, khi Mỹ kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ, từ thời điểm đó đến nay, tác động về mặt thương mại, đầu tư cũng bị ảnh hưởng không đáng kể.
Mỹ cũng đã ngày càng hiểu rõ hơn, công nhận hơn việc Việt Nam điều hành chính sách linh hoạt hơn, chứ không chỉ can thiệp để tạo ra lợi thế thương mại.
Trong báo cáo, họ cũng nêu những thành tích mà Việt Nam đạt được trong năm vừa qua, về chống dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thương mại, đầu tư. Đây là tín hiệu tốt để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây cũng là cơ sở tích cực để các tổ chức xếp hạng quốc tế cân nhắc xem xét trong quá trình rà soát đánh giá tín nhiệm của Việt Nam.
Đây là thông tin tốt và chứng tỏ chính sách điều hành của Việt Nam đã có những cải tiến trong thời gian qua.
Mặc dù Mỹ cho biết không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chạm 3 tiêu chí theo Đạo luật Thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015. Vậy Việt Nam cần có chính sách như thế nào trong thời gian tới?
Chúng ta vẫn chưa thể chủ quan và phải tiếp tục theo dõi xử lý sao cho giảm bớt 3 điều kiện kia, để Việt Nam không bị chạm ngưỡng liên tục 3 điều kiện trong các kỳ báo cáo tiếp theo của Mỹ.
Hiện Việt Nam cùng với Thụy Sỹ, Đài Loan vẫn chạm phải 3 điều kiện, đặc biệt là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ ngày càng lớn, năm 2020 là khoảng 70 tỷ USD. Và theo số liệu của Mỹ, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 19,5%, trong khi đó nhập khẩu giảm 8%.
Mỹ cũng nói rằng thời gian tới, họ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam để đưa ra kế hoạch hành động cụ thể, cũng như tìm hiểu kỹ hơn về cách thức điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá cũng như cán cân vãng lai của Việt Nam.
Những cam kết của Việt Nam với phía Mỹ cần được triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới, nhất là đảm bảo thương mại cân bằng. Việt Nam cũng cần quyết liệt hơn trong xử lý những vấn đề mà Mỹ đang quan tâm, ngoài vấn đề về thương mại, tiền tệ, còn có nhiều vấn đề khác như an ninh mạng.
Chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ nhưng cũng cần đẩy mạnh nhập khẩu, hàng hóa dịch vụ từ Mỹ nhiều hơn nữa. Trong năm 2020 vừa qua, Việt Nam cũng đã tăng nhập khẩu một số dịch vụ từ phía Mỹ, tuy nhiên vẫn còn nhỏ. Việt Nam có thể nhập khẩu những mặt hàng mà Mỹ có lợi thế như trang thiết bị y tế, nông sản, ICT,…
Cần tiếp tục tích cực trao đổi làm việc với Mỹ để làm rõ hơn thông tin về điều hành chính sách tiền tệ, thương mại, tỷ giá và một số chính sách mà Mỹ quan tâm.
Việt Nam cũng cần tập trung thị trường nội địa, nội lực của mình để giảm bớt phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế đối ngoại bên ngoài, tăng tự cường tự lực.
Với tình hình như vậy, theo ông, tỷ giá VND/USD sẽ thế nào trong thời gian tới?
Tỷ giá về cơ bản sẽ ổn định trong cả năm và đến nay cũng cho thấy vẫn ổn định, trong bối cảnh đồng USD tăng giá. Thời gian tới, có thể có vài đợt sóng, nhưng cơ bản là quan hệ cung cầu ngoại tệ Việt Nam tương đối tốt.
NHNN đang có những điều chỉnh về điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn. Phía Mỹ cũng có kiến nghị cụ thể trong báo cáo này là Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt hơn.
Xin cảm ơn ông!