Mỹ ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm Covid-19 mới 4 ngày liên tiếp, nguy cơ bùng dịch trở lại
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại hạt Orange, bang California, Mỹ - Ảnh: Los Angeles Times
Hầu hết các ca nhiễm Covid mới tại Mỹ là nhiễm biến thể Delta. Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tại những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp...
- 12-07-2021Lạm phát tăng cao, chuỗi cửa hàng giá 1 USD của Mỹ vẫn 'sống khỏe re' nhờ bí quyết 'làm như không làm' này
- 12-07-2021Càng giàu càng đi vay nhiều - Cách tích luỹ tài sản và né thuế của giới nhà giàu Mỹ
- 10-07-2021Haiti "cầu cứu" sau vụ Tổng thống bị ám sát, Mỹ đáp: Sẽ cử người đến giúp, nhưng không phải quân đội
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 4 ngày qua, nước này ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, trong đó chủ yếu là các ca nhiễm biến thể Delta .
Lần cuối cùng Mỹ có hơn 20.000 ca nhiễm mới một ngày trong nhiều ngày liên tiếp là vào tháng 5.
Trước tình hình hiện tại, các chuyên gia thúc giục người dân tiêm vaccine để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi biến thể virus nguy hiểm. Phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, biến thể Delta dễ lây lan hơn và gây bệnh nặng hơn, hiện đã trở thành biến thể chủ đạo tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ, và Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Mỹ đối mặt với rủi ro lớn nhất trước biến thể virus mới.
"Tôi lo rằng khi biến thể này (Delta) trở thành chủ đạo, một số khu vực tại Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng thấp, khoảng 30%, sẽ bắt đầu chứng kiến những đợt bùng phát dịch bệnh nhỏ”, ông Fauci nói với CNN.
Cố vấn y tế Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo người dân được bảo vệ mà còn giúp hạn chế sự lây lan của các biến thể tiếp theo.
"Tiêm vaccine rất dễ. Virus sẽ không thể tiếp tục biến đổi nếu chúng không thể tái tạo. Ta có thể ngăn chặn chúng tái tạo bằng cách tiêm vaccine cho đủ số người để virus không còn nơi nào để di chuyển”, ông Fauci nói với NPR.
Theo nhóm phản ứng với đại dịch Covid-19-19 của Nhà Trắng, hầu hết các ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 tại Mỹ gần đây là những người chưa tiêm vaccine.
"Nếu tình trạng của họ trở nặng tới mức phải nhập viện, thì họ sẽ không được tiêm vaccine. Tôi có thể thấy sự hối tiếc trên khuôn mặt họ. Bạn biết đấy, khi chúng tôi hỏi họ đã tiêm phòng chưa, chúng tôi thấy rất nhiều người trong số họ cảm thấy hối tiếc vì đã không tiêm vaccine", Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết.
Theo phân tích của CNN từ dữ liệu của Đại học Johns Hopkins và CDC Mỹ, các bang đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn một nửa số dân số có tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở mức trung bình và chỉ bằng 1/3 so với các bang chưa tiêm đầy đủ cho 50% dân số.
Hiện tại, các bang có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho cư dân dưới 35% gồm Alabama, Mississippi và Arkansas. Đây là những bang nằm trong nhóm ghi nhận số lượng ca nhiễm mới nhiều nhất tại Mỹ tuần trước.
Trong khi đó, bang Vermont dẫn đầu cả nước với khoảng 66% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ. Dù tỷ lệ mắc mới tại Vermont vẫn tăng so với tuần trước, nhưng nằm trong nhóm thấp nhất cả nước. Trung bình mỗi ngày, Vermont ghi nhận dưới 1 ca nhiễm mới trên 100.000 dân.
Các bang đã tiêm phòng đầy đủ cho trên 50% dân số ghi nhận trung bình 2,8 ca nhiễm Covid-19 mới trên mỗi 100.000 dân mỗi ngày vào tuần trước. Trong khi đó, tỷ lệ này là khoảng 7,8 ca trên 100.000 dân mỗi ngày ở những bang còn lại.
Dữ liệu từ CDC Mỹ cho thấy hiện tại gần 48% người dân Mỹ đã tiêm đầy đủ vaccine, và khoảng 55,4% đã tiêm ít nhất một liều.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Mỹ ghi nhận hơn 33,8 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 606.000 người tử vong. Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong lớn nhất thế giới. Theo sau là Ấn Độ với hơn 30,9 triệu ca nhiễm và 409.000 ca tử vong.
VnEconomy