MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ không “dán nhãn” thao túng tỷ giá lên Trung Quốc

18-10-2018 - 09:51 AM | Tài chính quốc tế

Sự kiềm chế này được đánh giá là ngăn chặn một bước leo thang căng thẳng mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung...

Bộ Tài chính Mỹ đã không công bố Trung Quốc là một quốc gia thao túng tỷ giá đồng tiền trong bản báo cáo định kỳ mỗi năm hai lần về tỷ giá. Sự kiềm chế này được đánh giá là ngăn chặn một bước leo thang căng thẳng mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, báo cáo công bố ngày 17/10 cũng nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tỷ giá đồng Nhân dân tệ sau đợt giảm giá mạnh gần đây của đồng tiền này.

"Điều đặc biệt đáng lo ngại là việc Trung Quốc thiếu sự minh bạch tiền tệ và sự giảm giá gần đây của đồng Nhân dân tệ", Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói trong một tuyên bố. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và rà soát các hoạt động tiền tệ của Trung Quốc, bao gồm duy trì thảo luận với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC)", ông Mnuchin phát biểu.

Báo cáo nói rằng sự can thiệp trực tiếp của PBoC vào tỷ giá Nhân dân tệ thời gian gần đây chỉ ở mức độ "hạn chế", nhưng Mỹ "rất thất vọng" về việc Trung Quốc không công bố cụ thể việc can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Bản báo cáo không kết luận đối tác thương mại chính nào của Mỹ thao túng tỷ giá. Mặc dù vậy, Washington gia tăng chỉ trích đối với mô hình kinh tế có định hướng nhà nước của Trung Quốc.

"Biến động tỷ giá hối đoái thực tế trong năm 2018, nhất là sự mạnh lên của đồng USD và sự mất giá của Nhân dân tệ, nếu duy trì, sẽ làm trầm trọng thêm những mất cân đối về thương mại và tài khoản vãng lai vốn đã tồn tại dai dẳng", báo cáo có đoạn viết. Bộ Tài chính Mỹ nói mô hình kinh tế của Trung Quốc "tiếp tục dựa nhiều vào các cơ chế phi thị trường, đặt ra rủi ro ngày càng lớn đối vơi triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong dài hạn".

Việc Bộ Tài chính Mỹ không "dán nhãn" thao túng tỷ giá lên Trung Quốc là một sự trái ngược so với những phát biểu công khai trước đó của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump từng nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh cố tình giảm giá đồng nội tệ để giành lợi thế trong thương mại.

Nếu Mỹ gọi Trung Quốc là một quốc gia thao túng tỷ giá, thì điều đó cũng không tự động dẫn tới việc Washington áp lệnh trừng phạt lên Bắc Kinh. Tuy nhiên, một động thái như vậy sẽ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mỹ hiện đã áp thuế quan bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh trả đũa bằng cách tăng thuế đối với 110 tỷ USD hàng Mỹ. Ngoài chiến tranh thương mại, ông Trump còn cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp vào bầu cử ở Mỹ. Ngày 17/10, ông Trump tuyên bố có kế hoạch rút khỏi một thỏa thuận bưu chính cho phép cá nhân và tổ chức ở Trung Quốc có thể gửi bưu kiện sang Mỹ với chi phí rẻ.

Hồi tháng 7, ông Mnuchin nói Bộ Tài chính Mỹ lo ngại về sự giảm giá gần đây của Nhân dân tệ. Trong vòng 6 tháng qua, Nhân dân tệ đã mất giá 9% so với USD, trở thành một trong những đồng tiền giảm giá tệ nhất châu Á trong năm nay, làm dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc đang cố tình làm suy yếu đồng nội tệ để "đấu" với Mỹ trong chiến tranh thương mại.

Trong báo cáo công bố ngày thứ Tư, ông Mnuchin nói Trung Quốc chưa vượt quá những giới hạn mà Quốc hội Mỹ đưa ra để xác định một quốc gia có thao túng tỷ giá hay không. Các giới hạn này bao gồm thặng dư thương mại từ 20 tỷ USD với Mỹ; thặng dư tài khoản vãng lai vượt quá 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP); và sự can thiệp liên tiếp vào thị trường tiền tệ.

"Nếu họ dán nhãn thao túng tỷ giá lên Trung Quốc, thì tâm lý thị trường sẽ càng xấu đi", ông Shahab Jalinoos, trưởng bộ phận chiến lược giao dịch ngoại hối toàn cầu của Credit Suisse, nhận định. "Điều đó đã không xảy ra, và thị trường sẽ thấy dễ chịu hơn".

Tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục tăng nhẹ sau báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, đạt mức 6,9234 Nhân dân tệ đổi 1 USD.

Danh sách các nước bị Bộ Tài chính Mỹ theo dõi tỷ giá được giữ nguyên, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức và Thụy Sỹ.

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên