MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ khuyến cáo người trên 60 tuổi và bất kỳ ai mắc bệnh mãn tính nên dự trữ thuốc men, nhu yếu phẩm để ở yên trong nhà

11-03-2020 - 16:18 PM | Tài chính quốc tế

"Loại virus này có thể lây lan rất dễ dàng từ người sang người... và hiện trong cộng đồng không hề có miễn dịch", Bác sĩ Nancy Messeonnier – giám đốc Trung tâm miễn dịch và các bệnh về hô hấp trực thuộc CDC – phát biểu trước báo giới.

Nhiều người Mỹ có nguy cơ nhiễm bệnh, do đó một quan chức hàng đầu của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) hôm qua đã đưa ra khuyến cáo rằng những người trên 60 tuổi hoặc bất kỳ ai có bệnh mãn tính như tiểu đường đều nên chuẩn bị cho việc phải ở trong nhà trong thời gian dài.

"Loại virus này có thể lây lan rất dễ dàng từ người sang người... và hiện trong cộng đồng không hề có miễn dịch", Bác sĩ Nancy Messeonnier – giám đốc Trung tâm miễn dịch và các bệnh về hô hấp trực thuộc CDC – phát biểu trước báo giới, viện dẫn các số liệu được WHO đúc kết sau khi nghiên cứu hơn 70.000 ca nhiễm ở Trung Quốc.

"Sẽ là hợp lý để nói rằng với diễn biến như hiện nay, nhiều người Mỹ tại thời điểm nào đó, dù là trong năm nay hay sang năm, sẽ có nguy cơ nhiễm virus và nhiều khả năng rất nhiều người sẽ bị ốm", bà nói. "Hầu hết các ca bệnh sẽ không tiến triển thành nghiêm trọng, nhưng 15% đến 20% sẽ bị ốm nặng".

Trong số 70.000 ca mà các nhà khoa học của WHO nghiên cứu, chỉ khoảng 2% thuộc độ tuổi nhỏ hơn 19. Xác suất nhiễm tăng lên theo lứa tuổi, bắt đầu từ tuổi 60, và đặc biệt nguy hiểm đối với những người trên 80 tuổi.

"Có lẽ đây là căn bệnh ảnh hưởng đến người trưởng thành và nghiêm trọng nhất là đối với người già. Bắt đầu từ tuổi 60, nguy cơ càng tăng lên".

Những người mắc tiểu đường, bệnh về tim mạch, bệnh về phổi và các bệnh nền khác có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng hơn, và nguy cơ tử vong cũng cao hơn.

CDC khuyến cáo những người có bệnh nền hoặc hơn 60 tuổi nên tự động dự trữ thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết để ở trong nhà "một thời gian". Chính phủ Mỹ cũng đề nghị những du khách có bệnh nền tránh lên tàu du lịch đi tới bất cứ nơi đâu trên thế giới. "Những người có nguy cơ cao nên tránh những chuyến đi không cần thiết, ví dụ như đi máy bay đường dài", bà nói.

Những người này cũng nên tránh xa đám đông, tránh chạm vào các bề mặt có nhiều người tiếp xúc ở nơi công cộng và không tiếp xúc với người đang ốm.

Trong khi tình hình dịch bệnh đang tạm lắng đi ở Trung Quốc, nơi nó bắt đầu bùng phát từ tháng 12 năm ngoái, tốc độ lây lan đang tăng nhanh ở các nước khác, đặc biệt là châu Âu. Italy hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc với hơn 10.000 ca nhiễm, theo sau là Hàn Quốc và Iran với hơn 7.000 ca.

Ở Mỹ, số ca nhiễm bắt đầu tăng nhanh từ tuần trước, hiện đã lên quanh 1.000 ca, trong đó gần một nửa tập trung ở Washington và California mặc dù hiện đã có hơn 30 bang ghi nhận có ca nhiễm.

"Trong suốt dịch bệnh do chủng virus mới gây ra, có rất nhiều điều không chắc chắn. Các khuyến nghị và hướng dẫn của chúng tôi cũng chỉ là tạm thời và sẽ thay đổi khi phát hiện thêm những điều mới", bà nói. Ở Hàn Quốc không có ca tử vong nào dưới 30 tuổi và ở Nhật Bản người chết đều từ 50 tuổi trở lên. Những dữ liệu này sẽ giúp đánh giá các nguy cơ ở Mỹ.

Tham khảo CNBC

Mỹ khuyến cáo người trên 60 tuổi và bất kỳ ai mắc bệnh mãn tính nên dự trữ thuốc men, nhu yếu phẩm để ở yên trong nhà - Ảnh 3.

Tú Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên