Mỹ lên kế hoạch ứng phó đại dịch "khác biệt đáng kể" so với Covid-19
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 3-9 đề ra kế hoạch trị giá 65 tỉ USD mà các quan chức Mỹ cho là sẽ giúp nền kinh tế số một thế giới chống lại các mối đe dọa sinh học tiếp theo sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống.
- 03-09-2021Vì sao chỉ một ca nhiễm COVID-19 tại Đông Nam Á khiến hãng xe lớn nhất thế giới lo sợ?
- 03-09-2021Đây là cách Covid-19 thay đổi hành vi du lịch của mọi người: Đặt 2-3 điểm đến cùng lúc dự phòng dịch bùng phát
- 02-09-2021Thế giới biết gì về MU, biến thể Covid-19 với tiềm năng kháng vắc xin đang được WHO giám sát chặt chẽ?
Ông Eric Lander, cố vấn khoa học của Tổng thống Biden và là giám đốc Văn phòng Khoa học và Công nghệ, cho biết đại dịch tiếp theo có thể sẽ "khác biệt đáng kể" so với dịch Covid-19, do đó chính phủ phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để đối phó với bất kỳ mối đe dọa virus nào trong tương lai.
Kế hoạch được công bố trong một tài liệu dài 27 trang có tiêu đề "Chuẩn bị cho Đại dịch Mỹ: Chuyển đổi khả năng của chúng ta", kêu gọi đầu tư hàng tỉ USD trong thập kỷ tới để cải thiện vắc-xin và phương pháp điều trị cũng như cơ sở hạ tầng y tế công, nâng cao khả năng giám sát thời gian thực của quốc gia và nâng cấp thiết bị bảo vệ cá nhân có thể được sử dụng để chống lại nhiều loại mầm bệnh.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đề ra kế hoạch trị giá 65 tỉ USD phòng dịch trong tương lai. Ảnh: Reuters
Các quan chức cho biết kế hoạch của chính quyền ông Biden được chia thành 5 "điểm chính", mỗi điểm đề cập đến các bộ phận khác nhau của hệ thống y tế công. Kế hoạch đề xuất 15 tỉ đến 20 tỉ USD để bắt đầu các nỗ lực của chính quyền. Các quan chức cho biết số tiền sẽ được chuyển đến một văn phòng "kiểm soát sứ mệnh" mới tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, nơi được Quốc hội giám sát chặt chẽ.
Ông Lander cho biết đại dịch Covid-19 hiện nay đã phơi bày "những vấn đề cơ bản" đối với hệ thống y tế công của Mỹ, bao gồm nguồn tài chính không đủ và thiếu sự phối hợp giữa các chính quyền liên bang, bang và địa phương.
Mỹ vẫn đang chật vật với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất trên thế giới, với hơn 40 triệu ca mắc và ít nhất 664.000 ca tử vong tính đến hôm 3-9. Theo ông Lander, nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh vẫn đang phải sống chung với những ảnh hưởng lâu dài của căn bệnh này.
Các quan chức cho biết lời kêu gọi đầu tư 65 tỉ USD của chính quyền là khiêm tốn khi tính đến đại dịch hiện tại đã khiến Mỹ thiệt hại ước tính khoảng 16 ngàn tỉ USD sản lượng kinh tế bị tổn thất.
Họ cho rằng con số này cũng nhỏ hơn những gì Mỹ chi cho các chương trình khác, chẳng hạn như phòng thủ tên lửa và chống khủng bố, lần lượt khoảng 20 tỉ USD và 170 tỉ USD mỗi năm. Các quan chức lý giải nếu các đại dịch lớn tương tự như Covid-19 gây thiệt hại cho Mỹ khoảng 16 ngàn tỉ USD xảy ra với tần suất 20 năm một lần, thì tác động kinh tế hằng năm đối với Mỹ sẽ là 800 tỉ USD mỗi năm. Ngay cả đối với những đại dịch nhẹ hơn, chi phí mỗi năm có thể sẽ vượt quá 500 tỉ USD.
Chính quyền ông Biden cho biết đang chuẩn bị triển khai mũi tiêm tăng cường từ ngày 20-9 trong khi chờ sự cho phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA). Ông Biden cho hay vào tuần tới, ông sẽ thảo luận về các bước tiếp theo để chống lại biến thể Delta.
Chiến dịch tiêm phòng mới sẽ cung cấp liều vắc-xin thứ 3 cho người Mỹ sau 8 tháng kể từ khi tiêm liều thứ hai bằng vắc-xin Pfizer hoặc Moderna. Cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng Anthony Fauci cũng cho biết phác đồ tiêm phòng thích hợp nên là 3 liều vắc-xin để được bảo vệ toàn diện. Ông Fauci cũng trích dẫn hai nghiên cứu tại Israel cho thấy khả năng giảm mắc Covid-19 ở những người đã tiêm liều thứ 3.
Người Lao động