MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ mở lại nhà ga bị chôn vùi trong vụ 11-9

11-09-2018 - 11:05 AM | Tài chính quốc tế

17 năm sau khi bị chôn vùi trong đống đổ nát của sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 gây chấn động nước Mỹ, ga tàu điện ngầm ở đường Cortlandt, TP New York cuối cùng cũng mở cửa trở lại hôm 8-9.

Chia sẻ về nỗ lực thúc đẩy hoàn thành nhà ga - nay được đặt tên là WTC Cortlandt - sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch, Chủ tịch Cơ quan Giao thông đô thị Mỹ (MTA) Andy Byford cho biết: "WTC Cortlandt còn hơn cả một ga tàu điện ngầm mới. Nó là biểu tượng cho sự quyết tâm của người dân New York trong việc phục hồi và nâng cấp toàn bộ Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC)".

Chi phí xây dựng lại nhà ga lên đến 181,8 triệu USD. Trạm dừng mới này được trang trí một số công trình nghệ thuật mà những kẻ khủng bố 11-9 đã tìm cách phá hủy: bức tranh khảm đá cẩm thạch trắng của nghệ sĩ Ann Hamilton, trên đó có nội dung Tuyên ngôn Độc lập Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc 1948.

Mỹ mở lại nhà ga bị chôn vùi trong vụ 11-9 - Ảnh 1.

Ga WTC Cortlandt ở TP New York mở lại hôm 8-9 sau gần 17 năm không được sử dụng Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ga tàu điện Cortlandt cũ, nằm trên tuyến đường đi từ phía Tây Manhattan tới Trung tâm Thương mại Thế giới New York, đã bị phá hủy gần như hoàn toàn khi tòa tháp đôi sập xuống trong vụ khủng bố kinh hoàng cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người và làm hàng ngàn người khác bị thương. Cho tới năm 2015, dự án xây dựng lại ga tàu điện mới bắt đầu nhưng bị trì trệ do tình trạng quan liêu và trễ hạn công trình, theo đài CBS.

Bày tỏ vui mừng vì sự trở lại của ga tàu điện mang ý nghĩa đặc biệt này song một số hành khách trong chuyến đi đầu tiên của WTC Cortlandt vẫn cho rằng lẽ ra việc này phải được thực hiện sớm hơn.

Cho tới nay, dù toàn bộ 22.000 mảnh thi hài tìm thấy tại hiện trường vụ khủng bố đã được xét nghiệm, chỉ có 1.642 trong số 2.753 người thiệt mạng được xác định danh tính, 1.111 nạn nhân còn lại vẫn chưa được nhận dạng. Các chuyên gia tại phòng thí nghiệm Văn phòng Trưởng Thanh tra Y tế ở New York vẫn đang miệt mài làm việc để xác định danh tính những nạn nhân xấu số.

Thách thức đối với các nhà khoa học không hề nhỏ bởi nhiều mảnh thi hài tìm thấy không chỉ ở những bộ phận khó trích xuất ADN nhất mà còn từng phơi nhiễm với các điều kiện phá hủy ADN ở hiện trường như lửa, vi khuẩn, xăng dầu… Có những năm trôi qua mà không có thêm một cái tên nạn nhân mới nào được xác định nhưng giới chuyên gia vẫn nhất quyết không bỏ cuộc.

Theo Thu Hằng

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên