"Mỹ nhân ngư" là loại gì? Tại sao có độc tính cao mà giá lại đắt đỏ đến vậy?
Cá "mỹ nhân ngư" được coi là "lộc biển", "cá vàng, cá bạc" bởi chúng rất khó đánh bắt và giá thành bán rất cao.
Truyền thuyết về "mỹ nhân ngư"
"Mỹ nhân ngư" hay "nàng tiên cá" thực ra là cái tên khá mĩ miều để chỉ một loại cá thường được gọi là cá mặt thỏ, sống tại các vùng đảo Phú Quý, Bình Thuận, Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Cá mặt thỏ xuất hiện vào khoảng tháng 3 – tháng 4 và tháng 8 – tháng 9. Đây cũng là mùa sinh sản nên cá bớt vận động và thường kiếm ăn ở gần mặt nước.
"Mỹ nhân ngư" sống ở độ sâu 40m – 50m nước. Có khi hàng trăm ngư dân đánh bắt trên biển cả tháng trời nhưng chỉ bắt được vài chục con. Để bắt được loài cá quý hiếm này, ngư dân phải thả nhiều tầng lưới đan xen với nhau. Nếu dính lưới, chúng sẽ vùng vẫy và nhanh chóng cắn nát lưới để trốn thoát.
Chính vì vậy, loài cá này được coi là "lộc biển", "cá vàng, cá bạc" bởi chúng rất khó đánh bắt và giá thành bán rất cao.
Cá mặt thỏ gắn liền với truyền thuyết về vương phi Mỵ Ê. Đây vốn là đại mỹ nhân đẹp nghiêng nước nghiêng thành và được vua Chăm Pa hết mực sủng ái. Theo truyền thuyết, nàng Mỵ Ê, vợ vua Champa, vì thủ tiết với chồng nên đã nhảy sông tự vẫn tại vùng đảo Lý Sơn hiện nay.
Sau này, khu vực biển nàng Mỵ Ê tự vẫn xuất hiện loài cá lạ với đuôi cá – đầu thú – răng thỏ nhưng hình dáng thon nhỏ như ngoại hình "đáy thắt lưng ong" của nàng Mỵ Ê. Cái tên này cũng bắt nguồn từ đó.
Loại thực phẩm độc tính cao, giá đắt đỏ, chỉ dành cho đại gia
Không giống với nhiều loại cá khác, cá mặt thỏ có phần đầu khá lớn, miệng giống mỏ quạ và bộ răng sắc nhọn như răng thỏ, vết cắn của nó sẽ tách đôi vật bị cắn. Phần đầu cá rất lớn, óc cá rất to. Riêng phần đuôi khá giống Cá Mú.
Những thớ thịt trắng ngà săn chắc theo chiều dọc hấp dẫn gấp bội so với thịt Cá Mú. Đây là loài cá cực kỳ hung dữ. Nó ăn tất cả các loài cá yếu hơn, thậm chí tự ăn thịt đồng loại.
Cá mặt thỏ là một trong 8 loại cá có độc nguy hiểm nhất tại Việt Nam. Độc tố của loài cá này có sự phân bổ khác nhau ở từng bộ phận. Độc tố tập trung nhiều nhất ở các bộ phận nội tạng như trứng, gan, dạ dày.
Dù rất độc nhưng loại cá này có giá thành rất cao, khoảng 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng/kg tùy kích thước và cân nặng. Để tận hưởng hương vị của một con cá lớn, các đại gia phải chi đến cả chục triệu đồng.
Ngay khi mới đánh bắt lên, cá mặt thỏ đã bị lột bỏ bộ da. Một con cá mặt thỏ có bộ da nặng khoảng 0,5 – 1,2kg. Giá bán da cá này ngay trên đảo Lý Sơn hiện nay là 2.000USD/kg. Da cá để làm nguyên liệu sản xuất nên những hoạt chất collagen tái tạo mô và chỉ tự tiêu y tế.
Một số loại chỉ tự tiêu như chỉ catgut; chỉ polyglycolic acid (chỉ Dexon); chỉ polyglyconate (chỉ Maxon); chỉ polyglactic acid (chỉ Vicryl) và chỉ polydioxanone. Ở Việt Nam, ngoài cá mặt thỏ (lấy da cá), cá Sủ vàng (lấy bóng cá) cũng là nguyên liệu để sản xuất chỉ tự tiêu.
Sau khi lột bỏ da, cá được bảo quản lạnh, ướp đông nhiều ngày. Tuy nhiên, không giống với các loại khác, thịt cá mặt thỏ vẫn săn chắc, không bị mềm rữa khi chế biến.
"Mỹ nhân ngư" chỉ có mặt ở những nhà hàng sang trọng, đẳng cấp. Trên bàn tiệc, loại cá này vốn được phục vụ cho các đại gia. Thịt cá trắng, dai, thơm ngon nên được chế biến thành nhiều món: Nướng, hấp, rang muối, nấu cháo, lẩu...
Vì cá mặt thỏ có hương vị đặc trưng nên khi chế biến không cần sử dụng quá nhiều gia vị. Tuy nhiên, nước chấm để dùng cùng loại thực phẩm đắt đỏ này khá cầu kỳ, bao gồm: Ớt sừng Đà Lạt để nguyên cọng, luộc chín tái; ớt cay; hạt tiêu Phú Quốc; nước cốt chanh; muối, bột canh, đường, mật ong...
Trưa 18/9, người đàn ông tên Q tự nấu và ăn dạ dày của cá mặt thỏ. Ngay sau khi ăn, người đàn ông này xuất hiện triệu chứng tê mặt lan dần xuống tứ chi và nôn ói.
Loại độc mà cá mặt thỏ mang là Tetrodotoxin. Đây là chất độc cực mạnh, có thể khiến một người trưởng thành khỏe mạnh tử vong chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.
(tổng hợp)
Pháp luật và bạn đọc