Mỹ phẩm giả "đội lốt" hàng xách tay nhan nhản trên chợ mạng
Các sản phẩm làm giả "đội lốt" hàng xách tay có bao bì đóng gói giống hàng thật, khó phân biệt khi quan sát bên ngoài.
- 16-05-2021Nguy cơ ‘sốt’ giá sôcôla và mỹ phẩm do giá dầu cọ đã vượt 1.000 USD/tấn
- 24-04-2021Mua mỹ phẩm trên zalo “ảo” bị lừa cả trăm triệu đồng
- 20-03-2021Thuê phòng trọ sinh viên để bán online hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Dịch COVID-19 khiến mua bán truyền thống giảm đi đáng kể, trong khi đó thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Dự báo năm nay thương mại điện tử tăng tới 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, quản lý hàng hóa qua thương mại điện tử như thế nào lại là câu chuyện đáng bàn.
Dễ dàng bắt gặp nhất trên các trang thương mại điện tử là các sản phẩm mỹ phẩm - loại hàng tiêu dùng có nhu cầu lớn, thường được quảng cáo "xách tay". Khi nhiều hãng hàng không chưa được bay thương mại, ngay ở Việt Nam cũng vậy, nên hàng xách tay suốt gần 1 năm rưỡi qua khó về tới Việt Nam với khối lượng lớn như trước khi xảy ra dịch. Vậy đằng sau câu chuyện quảng cáo tràn lan khi mua sắm trực tuyến mỹ phẩm xách tay là gì?
Cẩn trọng với mỹ phẩm được quảng cáo "xách tay"
Chị Hạnh và chị Thảo ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết đều là nạn nhân của mỹ phẩm được rao bán là xách tay.
Chị Hạnh đã mua 3 thỏi son trong đợt "flash sale 70%" ngày 5/5 trên một gian hàng của Shopee, với giá 100.000 đồng. Chủ gian hàng cam kết là hàng xách tay chính hãng có đầy đủ hóa đơn của Hàn Quốc. Tuy nhiên khi mua về sử dụng, chị bị bong tróc da, gây ngứa.
"Em lên shop thấy quảng cáo cam đoan chính hãng 100%, xách tay ở Hàn về có hóa đơn đầy đủ. Em thấy nhiều người mua, có lượt yêu thích nên tin tưởng mua", chị Hạnh nói.
"Cửa hàng cũng cam kết bán hàng không trộn hàng giả nên em mua. Chữ in sắc nét, không phân biệt được", chi Thảo cho hay.
Cẩn trọng với mỹ phẩm được quảng cáo "xách tay"
Người tiêu dùng cho biết, các sản phẩm làm giả "đội lốt" hàng xách tay có bao bì đóng gói giống hàng thật, rất khó phân biệt khi quan sát bên ngoài và chỉ phát hiện là hàng giả khi mở sản phẩm kiểm tra hoặc sử dụng.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Công ty AB Beauty World - cho hay: "Những sản phẩm hàng giả đó họ bán giá rất rẻ. Chính nhà cung cấp nói với chúng tôi rằng họ không bao giờ bán sản phẩm có giá đó trên toàn thế giới. Cộng với các chi phí khác không thể có giá đó, chắc chắn đó là hàng giả".
"Bạn nên mua ở những hệ thống lớn, các nhà cung cấp và phân phối có tên tuổi để có hậu mãi tốt. Những nơi cho phép bạn đổi trả sản phẩm sẽ có giá tiền cao hơn một chút nhưng an toàn cho bạn", ông Đỗ Xuân Tùng - Đại diện Công ty Lux Asia Việt Nam nói.
Không dễ quản lý các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử
Hậu quả của việc khách hàng mua phải các sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể thấy rõ. Tuy nhiên, các phẩm không rõ nguồn gốc vẫn đang quảng cáo rầm rộ trên các trang web, các sàn thương mại điện tử. Chế tài quản lý về các sản phẩm trên thương mại điện tử đã có. Vậy vì sao quản lý lại không dễ dàng?
Điểm mặt các nền tảng mạng xã hội hiện nay như Facebook, Zalo hay trên các website thương mại điện tử, các sàn giao dịch sàn thương mại điện tử như: Shoppe, Lazada hay Tiki đều không dễ để có thể tìm được nguồn gốc nhập khẩu của các sản phẩm này.
Người mua chỉ thấy các dòng chữ được quảng cáo từ người bán như "xuất xứ Hàn Quốc", "xuất xứ nước ngoài... Thậm chí, sản phẩm còn được đề thẳng là "vận chuyển từ nước ngoài về".
Các sản phẩm làm giả "đội lốt" hàng xách tay có bao bì đóng gói giống hàng thật.
"Thời điểm dịch bệnh này cũng có một số bạn lợi dụng để bán những sản phẩm không chất lượng lắm. Tôi cũng có gặp vài lần. Tôi có đặt những sản phẩm mà không thể nào đến trực tiếp để mua thì thỉnh thoảng họ giao cho tôi những sản phẩm không đúng chất lượng lắm", một người tiêu dùng chia sẻ.
Một người tiêu dùng khác cho hay: "Khi đặt hàng online mình phải đọc rất kỹ bình luận của những người mua trước xem đánh giá thế nào rồi mới dám đặt".
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, các sàn thương mại điện tử có yếu tố đầu tư của nước ngoài, còn có thể đưa sản phẩm nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam dễ dàng. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc quản lý thị trường.
Công tác thực thi ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng trên các trang thương mại điện tử hiện đã có khung pháp lý. Thế nhưng quy định để áp lên cho từng mặt hàng, từng loại sản phẩm lại chưa hoàn thiện và đang là kẽ hở trong chế tài xử lý các nền tảng này.
Trước khi có các chế tài xử lý đối với các mặt hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên các nền tảng thương mại điện tử, chính bản thân người tiêu dùng sẽ phải ý thức hơn trong việc tìm hiểu và cẩn trọng chọn lựa, mua bán các mặt hàng tiêu dùng này.
VTV.VN