"Mỹ sẽ biến thành Zimbabwe vì Fed in tiền vô tội vạ": Kinh tế học meme và cách "trẻ trâu Internet" ảnh hưởng đến quyết định của NHTW
Thuyết âm mưu vẫn âm thầm ảnh hưởng đến thế giới thực mà chúng ta không để ý.
- 08-03-2021Chuyên gia cảnh báo lạm phát sẽ ập đến rất nhanh, nhà đầu tư không còn hầm trú ẩn
- 05-03-2021Điều gì trong phát biểu của Chủ tịch Fed khiến giới đầu tư thất vọng?
- 02-03-2021Thế giới đang chứng kiến tình trạng đáng báo động: Giá lương thực, thực phẩm đạt mức cao trong nhiều năm, vượt tốc độ tăng trưởng tiền lương và lạm phát
Những gì đã diễn ra trong năm vừa qua cho thấy có không ít người đang sống trong những "thế giới giả lập" được xây dựng trên một số sự thực nhưng lại kết hợp với những điều võ đoán, giống như những quả bong bóng khổng lồ trôi nổi. Thời gian gần đây, có 1 quả bong bóng đã phình lên khá to: bóng ma lạm phát – quan điểm cho rằng việc tăng cung tiền vô tội vạ sẽ kích hoạt 1 chu kỳ phá giá tiền tệ và lạm phát tăng kéo dài vô tận, biến Mỹ thành nước Đức năm 1923 hay Zimbabwe và Venezuela ở thời điểm hiện tại.
Có thể coi đó là "kinh tế học meme", 1 luận điểm do những người dùng mạng xã hội tạo ra và truyền bá. Khó có thể vạch ra chính xác lý thuyết này là gì, nhưng ý tưởng chủ đạo là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cấu kết với các thế lực đen tối - mà có lẽ là đảng Dân chủ - để phá hủy đất nước.
"Mùa hè này, siêu lạm phát sẽ ập đến cùng với làn sóng độc tài cánh tả tiếp theo. Sẽ có những cuộc tịch biên tài sản và nước Mỹ sẽ sớm áp đặt các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn dòng vốn bị rút ra ồ ạt", tài khoản paul_revere2021_4 viết trên forum NoNewNormal của Reddit. Những bức hình Chủ tịch Fed Jerome Powell điên cuồng in tiền tràn ngập trên internet. Thậm chí còn có cả 1 website mang tên moneyprintergobrrr.com.
Sự nguy hiểm của thuyết âm mưu
Nhìn qua thì đây chỉ là những câu chuyện phiếm trên mạng và có vẻ như không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, thuyết âm mưu vẫn âm thầm ảnh hưởng đến thế giới thực mà chúng ta không để ý. Nỗi sợ lạm phát, thậm chí là siêu lạm phát, chính là một trong những nguyên nhân lý giải cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bitcoin. Nó cũng khiến người ta mất niềm tin vào Fed, và nuôi dưỡng cả những làn sóng phản đối gói cứu trợ Covid trị giá 1.900 tỷ USD mà chính quyền Biden đang nỗ lực thông qua.
"Chủ nghĩa siêu lạm phát" không chỉ bắt nguồn từ những blogger và người dùng Reddit. Năm ngoái Paul Singer, tỷ phú đứng sau quỹ đầu cơ Elliott Management, cảnh báo nhà đầu tư rằng "siêu lạm phát chỉ đang bị che giấu bởi những NHTW giả vờ là uyên thâm". Dick Morris, người từng là cố vấn cho cựu Tổng thống Bill Clinton, hôm 8/2 phát biểu trên Newsmax TV rằng "hiện thực nghiệt ngã của thế kỷ 21 sẽ là lạm phát rất lớn, siêu lạm phát".
Lần cuối cùng lạm phát xuất hiện ở Mỹ (nhưng cũng chưa đến 15%) là từ năm 1980. Đã vắng bóng khá lâu, lạm phát lại càng trở nên đáng sợ hơn. Tuy nhiên, hãy quay trở lại hiện thực: nếu siêu lạm phát xảy ra, người dân sẽ phải chất đầy những tờ đôla lên xe cút kít để mua hàng, các NHTW phát hành những tờ bạc mới với rất nhiều số 0 trên đó, mọi người đổ xô đi mua hàng trước khi giá lại tăng lên. Thực chất thì đó là 1 cuộc khủng hoảng xã hội.
Điều đó rất khó xảy ra ở Mỹ. Mặc dù không chính thức, siêu lạm phát được định nghĩa là khi chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt 50% hoặc lạm phát kéo dài hơn 1 tháng. Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ luôn ở dưới 2% suốt từ 2009 đến nay. Trong 12 tháng tính đến tháng 1 vừa qua, tỷ lệ lạm phát mà Fed theo dõi là 1,5%, còn chưa đạt được mục tiêu 2% mà Fed đã đề ra. Nói cách khác, đúng là Mỹ có vấn đề với lạm phát nhưng là quá thấp chứ không phải quá cao.
Có phải lạm phát của Mỹ đang tăng lên? Một chút. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm xuống trong mùa xuân năm ngoái, vì thế hiển nhiên là năm nay sẽ tăng nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Về dài hạn, diễn biến trên thị trường trái phiếu cũng chỉ cho thấy kỳ vọng lạm phát trong thập kỷ tới chỉ tăng vọt lên 2,15% mà thôi. Trong nhiều khảo sát dự báo khác, con số cũng chỉ loanh quanh mức 2%.
Có thể tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên 3%, 4% hoặc 5% khi nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, nhưng Fed có nhiều cách để ngăn chặn lạm phát tích tụ thành siêu lạm phát. Bước đầu tiên sẽ là ngừng mua trái phiếu dài hạn và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp – động thái sẽ khiến lãi suất dài hạn tăng lên. Bước thứ hai là tăng lãi suất ngắn hạn, thậm chí là tăng rất mạnh nếu cần thiết.
Lãi suất tăng sẽ làm giảm nhu cầu đi vay, điều dẫn đến giảm chi tiêu và đầu tư. Kìm hãm tăng trưởng là không tốt, nhưng đó là cách hiệu quả để loại bỏ lạm phát.
Mối nguy hiểm thực sự của việc lạm phát tăng quá cao so với mức mục tiêu không phải là Mỹ trở thành Venezuela mà là Fed sẽ phản ứng thái quá và vô tình tạo ra 1 cuộc suy thoái. Nếu như Fed can thiệp quá chậm và nền kinh tế quá nóng, "nhiều khả năng sẽ gây ra tác dụng ngược và do đó tốt nhất là không nên làm thử nghiệm đó", cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers phát biểu hôm 12/2.
Chủ tịch Fed Powell gần đây vẫn nhắc đi nhắc lại rằng không thể phủ nhận áp lực lạm phát đang gia tăng nhưng vẫn ở dưới mức mục tiêu và tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang quá cao. "Nền kinh tế còn 1 chặng đường dài mới đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát, và chúng ta cần nhiều thời gian để đạt được những bước tiến đáng kể", ông phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội tháng 2.
Đồng tiền Zimbabwe đã phát hành trong thời kỳ siêu lạm phát.
Rất khó để dự báo về lạm phát bởi vì kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp tác động rất mạnh đến chỉ số này. Về cơ bản thì giá cả sẽ tăng lên nếu như mọi người nghĩ rằng nó sẽ tăng và ngược lại.
Đầu những năm 1980, khi Fed (dưới thời Paul Volcker) tăng lãi suất lên 20%, nước Mỹ đã chìm sâu trong suy thoái và cũng chính từ đó mà lạm phát gần như biến mất khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của các bang là khác nhau, tỷ lệ lạm phát khá giống nhau. Đó là 1 chỉ báo cho thấy lạm phát của từng bang ít bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế mà chịu tác động từ kỳ vọng về chính sách của Fed nhiều hơn, theo Emi Nakamura, giáo sư tại ĐH California. "Về cơ bản thì đó là trò chơi niềm tin", ông nói.
Một cách kỳ lạ, những cuộc thảo luận về siêu lạm phát vẫn có nhiều ý nghĩa bởi dần dà chúng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Ông Powell càng cố gắng trấn an mọi người rằng lạm phát không phải là vấn đề lớn, ông càng khiến những người nghĩ rằng ông đã sai cảm thấy bồn chồn. Nếu như kinh tế học meme càng lan rộng và kỳ vọng lạm phát bắt đầu tăng, Powell và Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất trước khi thời điểm chín muồi – điều sẽ gây ra nhiều tổn hại cho tăng trưởng và việc làm.
Tham khảo Bloomberg