Mỹ: Thâm hụt ngân sách tăng cao kỷ lục, lên gần 2.000 tỷ USD
Tại buổi họp báo công bố số liệu, 1 lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng đó thực sự là những con số gây sốc mà ông chưa từng chứng kiến. "Điều đó phản ánh sự hỗ trợ khổng lồ mà Quốc hội và chính phủ đang nỗ lực để chiến đấu với cuộc khủng hoảng".
- 11-05-2020Ngân sách thiếu hụt, Arab Saudi phải tăng VAT lên gấp 3, dừng phát tiền hàng tháng cho người dân
- 21-04-2020Chấn động vụ sụp đổ của đế chế giao dịch bí ẩn và quyền lực hàng đầu thế giới: Chết chìm vì đặt cược sai vào giá dầu, con nợ tỷ đô của 23 ngân hàng, gian lận sổ sách nhiều năm nay
- 17-04-2020Nhật Bản phát không 926 USD cho mỗi người dân, tăng gấp 3 ngân sách dự tính
Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4 vừa qua, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã leo lên mức kỷ lục 1.935 tỷ USD. Nguyên nhân là do nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa tăng chi tiêu lại vừa giảm thuế để đối phó với đà suy giảm, đồng thời nguồn thu ngân sách sụt giảm.
Chi tiêu tăng lên 5.200 tỷ USD, trong khi nguồn thu giảm xuống còn 3,265 tỷ USD.
Đặc biệt, chi ngân sách của tháng 4 tăng lên mức kỷ lục 979,71 tỷ USD, do Chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ lớn chưa từng có tiền lệ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Để dễ so sánh, trong năm ngoái trung bình chi ngân sách mỗi tháng chỉ vào khoảng 384 tỷ USD.
Nguồn thu của tháng 4 giảm xuống còn 241,86 tỷ USD, giảm 55% so với tháng 4/2019. Do đó tháng 4 ngân sách Mỹ bị thâm hụt 737,85 tỷ USD.
Tại buổi họp báo công bố số liệu, 1 lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng đó thực sự là những con số gây sốc mà ông chưa từng chứng kiến. "Điều đó phản ánh sự hỗ trợ khổng lồ mà Quốc hội và chính phủ đang nỗ lực để chiến đấu với cuộc khủng hoảng".
Thông thường thì tháng 4 sẽ là thời điểm thu ngân sách tăng cao kỷ lục, nhưng năm nay Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) đã quyết định gia hạn thời hạn nộp thuế đến giữa tháng 7 để hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng bị thiệt hại nặng nề và đang rất cần tiền mặt để trang trải các loại hóa đơn.
Thâm hụt ngân sách của Mỹ bắt đầu phình to quá nhanh đến nỗi Văn phòng ngân sách Quốc hội (CBO) dự đoán đến ngày 30/9 tức là thời điểm kết thúc năm tài khóa 2020 con số sẽ lên đến 3.700 tỷ USD.
Bộ Tài chính Mỹ ước tính những biện pháp được tung ra để đối phó với dịch bệnh khiến nguồn thu thuế giảm gần 300 tỷ USD và con số phải chi tăng gần 600 tỷ USD trong tháng 4. Tuy nhiên số thuế chưa thu được chỉ được hoãn lại chứ không phải miễn, do đó sẽ được bù đắp trong những tháng tới.
Tỷ trọng thâm hụt ngân sách trên GDP vẫn liên tục tăng ngay cả khi chưa có dịch. Đạo luật cắt giảm thuế và tạo việc làm mà ông Trump thông qua năm 2017 khiến nguồn thu thuế tăng trưởng rất chậm, trong khi Quốc hội Mỹ lại liên tiếp duyệt tăng chi ngân sách trong mấy năm vừa qua.
Dù thâm hụt ngân sách kéo dài là 1 thách thức dài hạn đối với kinh tế Mỹ, hầu hết các chuyên gia kinh tế vẫn nhận định Chính phủ chỉ nên giải quyết vấn đề một cách từ từ, và thời điểm thích hợp là khi kinh tế tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng như hiện nay, các gói kích thích là quan trọng để giảm thiểu thiệt hại.
Tháng 3, Quốc hội Mỹ thông qua gói chi tiêu 3.000 tỷ USD gồm tăng chi ngân sách, giảm thuế và nhiều biện pháp kích thích khác để vực dậy nền kinh tế. Trong đó phần lớn nhất là dành cho các khoản tiền mặt được phát trực tiếp cho các hộ gia đình và những khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ.