Mỹ tuyên bố rời khỏi WHO, rút các cơ chế đãi ngộ đặc biệt dành cho Hồng Kông
Wall Street Journal đưa tin, Tổng thống Trump đã đưa ra một số sáng kiến nhằm trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Hồng Kông và quá trình xử lý dịch bệnh Covid-19 – động thái sẽ khắc sâu sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
- 29-05-2020Nỗi lo sợ về khả năng vốn bị rút mạnh tại Hồng Kông đang lớn dần
- 28-05-2020Bloomberg: Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang quanh vấn đề Hồng Kông, thị trường tài chính sắp dậy sóng
- 26-05-2020Con trai Lý Gia Thành ủng hộ luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc, hy vọng Hồng Kông sẽ được "hồi sinh"
Theo thông báo được đưa ra tối muộn ngày 29/5, Mỹ tuyên bố rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngừng cấp thị thực vào Mỹ cho các công dân Trung Quốc được xếp vào nhóm có nguy cơ đe dọa an ninh đối với công tác nghiên cứu khoa học của Mỹ, đồng thời thanh tra các công ty Trung Quốc đang niêm yết ở Mỹ.
Ông Trump cũng cho biết Mỹ sẽ bắt đầu rút lại các đặc quyền dành cho Hồng Kông, và ông đe dọa sẽ ban bố lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông "trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc làm giảm mức độ tự chủ của Hồng Kông" sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới.
Trả lời báo chí, đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ kêu gọi toàn cầu phản ứng với đại dịch và thúc giục Mỹ hãy làm tốt phần việc của mình trong việc quản lý tốt hơn những vấn đề trong mối quan hệ giữa hai nước.
Chính quyền Trump đang đối mặt với nhiều chỉ trích về quá trình xử lý dịch bệnh – vốn xuất phát từ Trung Quốc và đã khiến hơn 100.000 người Mỹ thiệt mạng. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra chỉ sau 5 tháng nữa, động thái này cũng báo hiệu ông Trump sẽ có cách tiếp cận khá cứng rắn với Trung Quốc và đó chính là vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử. Rút các chính sách đãi ngộ đặc biệt bao gồm nhiều vấn đề từ thương mại đến tài chính, du lịch và cả trao trả tội phạm là một đòn giáng mạnh vào vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.
Trong bài phát biểu hôm qua, ông Trump cũng dành nhiều thời gian để chỉ trích WHO không đối phó tốt với đại dịch và bị Trung Quốc chi phối. Mỹ sẽ chuyển dòng vốn đang rót cho WHO sang "những nhu cầu chính đáng và cấp thiết khác phục vụ nền y tế toàn cầu" bởi vì WHO đã không thể thực hiện những cải cách mà Mỹ yêu cầu. Các chuyên gia đối ngoại cho rằng việc Mỹ ra đi sẽ càng làm tăng thêm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở WHO.
Mặc dù một số phần trong tuyên bố sẽ phải mất vài tuần để trở thành chính sách chính thức và ông Trump có thể thay đổi quyết định, nhưng những diễn biến mới nhất này càng khiến danh sách các mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm dài: từ thương mại, an ninh cho đến Hồng Kông và giờ là công khai tranh giành tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.
Một nhóm các quan chức Mỹ sẽ được chỉ định để bắt đầu quá trình xóa bỏ các đặc quyền đã được áp dụng cho Hồng Kông suốt từ năm 1997 đến nay. Theo ông Trump, gần như toàn bộ các thỏa thuận trong Đạo luật chính sách Mỹ - Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có hiệp ước dẫn độ và chính sách quản lý lỏng lẻo hơn đối với các công nghệ được xuất khẩu sang thành phố này. Ngoài ra chính sách đối xử đặc biệt như 1 lãnh thổ hải quan và du lịch tách biệt so với Trung Quốc sẽ bị hủy bỏ.
Sau thông báo của ông Trump, Nhà Trắng cũng thông báo sẽ cấm các sinh viên đã tốt nghiệp và các nhà nghiên cứu Trung Quốc nộp hồ sơ xin cấp thị thực mới nếu họ làm việc hoặc đã từng làm việc trong các tổ chức Trung Quốc ủng hộ chiến lược quân sự hợp nhất của Trung Quốc (mà theo đó các tổ chức dân sự sẽ có chung mục tiêu với Quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa là bảo vệ an ninh quốc gia).
Bộ Ngoại giao Mỹ được giao trách nhiệm xem xét có hủy bỏ thị thực của các công dân Trung Quốc đã làm việc trong các tổ chức như vậy hay không.
Hiện có khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập hoặc làm việc ở Mỹ, chiếm khoảng 1/3 tổng số sinh viên quốc tế. Trong số này nhiều người làm việc trong các phòng nghiên cứu. Lâu nay Mỹ vẫn cáo buộc Trung Quốc lợi dụng giới khoa học, ví dụ như gửi các nhà nghiên cứu của quân đội tới các phòng thí nghiệm Mỹ và sử dụng chính sách thu hút nhân tài để "ăn cắp" các nhà khoa học, doanh nhân hàng đầu cũng như các tài sản trí tuệ của Mỹ.