MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ vẫn có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu mỏ dù ông Biden không “ồn ào” hơn ông Trump

21-01-2021 - 11:14 AM | Thị trường

Mỏ dầu Nam Belridge - lớn thứ 4 ở California và là một trong những mỏ có năng suất cao nhất ở Mỹ

Mỏ dầu Nam Belridge - lớn thứ 4 ở California và là một trong những mỏ có năng suất cao nhất ở Mỹ

Mỹ sẽ luôn giữ một vai trò quan trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu, mặc dù Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ không lên tiếng về thị trường dầu mỏ nhiều như cựu Tổng thống Donald Trump. Đó là nhận định của Bộ trưởng năng lượng Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) trong khuôn khổ Diễn đàn trực tuyến về Năng lượng toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, đúng dịp ông Biden nhậm chức.

Cựu Tổng thống Trump từng nhiều lần đăng tin trên Twitter về dầu thô và thậm chí liên lạc với các nhà lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Saudi Arabia và Nga trong thời điểm xảy ra cuộc chiến giá dầu hồi năm ngoái. Biden có thể sẽ tiếp cận theo một cách khác, nhưng ông Al-Mazrouei khẳng định vị thế của Mỹ trên thị trường năng lượng vẫn rất lớn.

Thị trường dầu sẽ hồi phục

Với quan điểm khác biệt so với nhiều người khác, Bộ trưởng Năng lượng UAE cho biết ông "lạc quan" rằng thị trường dầu mỏ sẽ hồi phục trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và đồng minh (OPEC+) hết hạn, vào tháng 4/2022.

Hồi tháng 4/2020, trong thời khắc lịch sử, OPEC+ đã thống nhất sẽ cắt giảm sản lượng tổng cộng 9,7 triệu thùng/ngày nhằm hỗ trợ giá dầu thô tăng lên, sau khi đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm nghiêm trọng nhu cầu dầu mỏ. Mức độ cắt giảm sẽ bớt dần theo thời gian, và thỏa thuận sẽ kết thúc vào tháng 4/2022.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu vẫn chưa kết thúc, liên minh OPEC+ tháng 12/2020 đã đồng ý chỉ tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021, thay vì tăng 2 triệu thùng như kế hoạch ban đầu. Tháng 1/2021, nhóm này lại thay đổi kế hoạch khi đồng ý giữ nguyên mức giảm sản lượng trong tháng 2/2021 chứ không tăng như dự kiến, trong đó riêng Saudi Arabia tuyên bố tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3/2021.

Ông Al-Mazrouei cho biết, hiện vẫn còn nhiều thùng dầu đang được lưu trữ và thị trường vẫn chưa cân bằng.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục giảm lượng hàng tồn kho cho đến khi đạt được mức hợp lý và hy vọng điều đó sẽ được thực hiện trước thời điểm dự kiến kết thúc chương trình cắt giảm sản lượng, đó là tháng 4/2022", ông Al-Mazrouei cho biết.

"Tôi lạc quan rằng chúng ta sẽ đạt mục tiêu sớm hơn kế hoạch… Nhưng kể cả khi thực tế không diễn ra như thế thì tôi nghĩ rằng hành động của chúng tôi cũng sẽ giúp cho thị trường (dầu mỏ) trở nên cân bằng".

Giá dầu đang tăng

Giá dầu đã hồi phục đáng kể nhờ việc các nước triển khai vắc-xin ngừa Covid-19 và việc OPEC+ cắt giảm sản lượng.

Phiên 20/1, giá dầu Brent đã tăng vượt 56 USD/thùng bởi kỳ vọng Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế, từ đó đẩy nhu cầu nhiên liệu tăng lên, trong khi sẽ đưa ra những chính sách khiến nguồn cung dầu thô trở nên thắt chặt.

Trong phiên này, dầu Brent kết thúc ở mức tăng 18 US cent lên 56,08 USD/thùng, trước đó cùng ngày có thời điểm đạt 56,58 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) đóng cửa phiên tăng 26 US cent lên 53,24 USD/thùng. Trong tháng này, dầu Brent có lúc đã đạt mức cao nhất 11 tháng là 57,42 USD/thùng sau khi Saudi Arabia tự nguyện cam kết cắt giảm sâu nguồn cung dầu mỏ của mình.

Ngay khi vừa nhậm chức, ông Biden đã tập trung thực hiện các biện pháp hạn chế ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ, bao gồm việc tái gia nhập Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, hủy bỏ giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL và tạm dừng hoạt động khoan dầu ở Bắc Cực.

Đồng thời, ứng viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Biden, bà Janet Yellen cũng đang thúc giục các nhà lập pháp xúc tiến nhanh chóng gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ US chống Covid-19. Kinh tế Mỹ hồi phục sẽ kéo nhu cầu dầu tăng lên.

Năm 2021 thị trường dầu vẫn còn khó khăn

Tuy nhiên, hiện, giá dầu vẫn thấp hơn so với trước khi xảy ra dịch Covid-19, và dự kiến trung bình năm 2021 sẽ chỉ trên 50 USD/thùng.

Trong dự báo mới nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, các chương trình tiêm chủng trên diện rộng sẽ giúp nhu cầu dầu thế giới phục hồi trong nửa cuối năm nay, lên mức trung bình 96,6 triệu thùng dầu mỗi ngày. Con số này vẫn thấp hơn 0,3 triệu thùng dầu so với đánh giá được IEA đưa ra hồi tháng trước.

IEA ước tính nhu cầu dầu mỏ trong quý I/2021 sẽ giảm 0,6 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó, trong khi nhu cầu dầu mỏ cả năm 2021 cũng được điều chỉnh giảm 0,3 triệu thùng/ngày.

IEA cho rằng sau khi giảm ở mức kỷ lục là 6,6 triệu thùng/ngày, nguồn cung dầu mỏ thế giới sẽ tăng hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Dự báo mới của IEA được đưa ra trong bối cảnh giới chức nhiều nước đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn nhằm đối phó với làn sóng lây lan COVID-19 mới.

Tham khảo: Cnbc, Reuters

Thu Ngân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên