MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Na Chi Lăng: “Vàng” mọc trên núi đá vôi

12-09-2022 - 07:43 AM | Thị trường

Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn vừa khai mạc Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 với chủ đề “Na Chi Lăng-Ngọt ngào hương vị Xứ Lạng”. Với tổng diện tích gần 4.000 ha, cây na đã trở thành biểu tượng của nông sản tỉnh Lạng Sơn với giá trị kinh tế hàng năm đều đạt từ 1.300 – 1.500 tỷ đồng.

Na Chi Lăng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Tại huyện Chi Lăng, diện tích na năm nay hơn 2.300ha, sản lượng ước tính đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng. Đến năm 2022, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Việc liên kết tạo thành vùng sản xuất không chỉ giúp người trồng na đứng vững trước giá cả thị trường mà còn giúp họ cải thiện từng chi tiết trong áp dụng các biện pháp kĩ thuật trồng trọt. 27 hộ dân trồng na theo chuẩn VietGAP tại đây đều có chất lượng đồng đều, có chứng nhận của các cơ quan thẩm quyền. Điều này gần như tạo nên “thương hiệu” mà thương lái không thể ép giá. Đó là cách mà nông dân Chi Lăng đã tự mình vượt qua điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, mang lại thu nhập tăng đều hàng năm.

Na Chi Lăng: “Vàng” mọc trên núi đá vôi - Ảnh 1.

Với tổng diện tích gần 4.000 ha, cây na đã trở thành biểu tượng của nông sản tỉnh Lạng Sơn với giá trị kinh tế hàng năm đều đạt từ 1.300 – 1.500 tỷ đồng

Ông Lê Hải Dụng (khu Lũng Cút, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng), 1 trong 27 hộ trồng na tiêu chuẩn VietGAP chia sẻ, tính sơ sơ, ông lãi ít nhất 250 triệu đồng trong vụ na này. Na được mùa, được giá đã không chỉ giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp họ "ăn nên làm ra".

“Tuy rằng na trồng trên núi đá có vất vả hơn nhưng cây na nó lại ưa đất đá vôi, quả thì thơm ngon, vì vậy, chúng tôi vẫn hay gọi vui là “vàng” trên núi đá. Khách người ta tìm đến mình là nhiều, bởi vì đã có thương hiệu. Nói chung là phải cố gắng để làm sao quả na có chất lượng ngon nhất, đảm bảo, sẽ không phải vất vả về vấn đề đầu ra như những năm trước nữa”, ông Lê Hải Dụng, phấn khởi.

Na Chi Lăng: “Vàng” mọc trên núi đá vôi - Ảnh 2.

Năm nay huyện Chi Lăng có hơn 2.300ha na, sản lượng ước tính đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng

Với tổng diện tích gần 4.000 ha, cây na đã trở thành biểu tượng của nông sản Lạng Sơn với giá trị kinh tế hàng năm đều đạt từ 1.300 – 1.500 tỷ đồng. Nếu như trước đây, bà con canh tác theo kiểu tự nhiên, có đến đâu bán đến đó thì hiện nay cây na đã được chăm sóc bài bản hơn, quy mô hơn và đem lại giá trị cao hơn, tiêu biểu nhất là rải vụ.

Na Chi Lăng: “Vàng” mọc trên núi đá vôi - Ảnh 3.

Người dân Chi Lăng vận chuyển na từ những ngọn núi đá vôi xuống dưới mặt đất bằng hệ thống cáp treo tự chế

Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triên nông thôn huyện Chi Lăng, nơi trồng nhiều na nhất tỉnh Lạng Sơn cho biết, những năm trước đây, na chỉ chín tập trung trong vòng 1 tháng, tạo ra áp lực tiêu thụ rất lớn với địa phương và bà con nông dân.

“Trước những thách thức đó, chúng tôi đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai một số đề tài để giải quyết vấn đề này, là đề tài đầu tiên là nghiên cứu canh tác rải vụ na và đề tài sử dụng chế phẩm AVG để kéo dài thời gian chín của quả na. Sau 2 năm nghiên cứu đã có kết quả và đánh giá rất tốt, chúng tôi đã chuyển giao kết quả này cho bà con để bà con thực hiện. Điều này đã làm áp lực tiêu thụ giảm đi rõ rệt, ngoài ra giá na về cuối vụ có xu hướng tăng dần, giúp người nông dân nâng cao được giá trị kinh tế của cây trồng này”, ông Lương Thành Chung cho biết thêm.

Na Chi Lăng: “Vàng” mọc trên núi đá vôi - Ảnh 4.

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, na Chi Lăng đã dần trở lại thị trường và được địa phương thúc đẩy quảng bá rộng khắp

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, na Chi Lăng đã dần trở lại thị trường và được địa phương quảng bá rộng khắp. Vào đầu tháng 8/2022, na Chi Lăng đã có mặt tại Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 và Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Na Chi Lăng: “Vàng” mọc trên núi đá vôi - Ảnh 5.

Sản phẩm Na được trưng bày tại Đêm khai mạc Hội chợ Na Chi Lăng 2022

Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 với chủ đề “Na Chi Lăng - Ngọt ngào hương vị Xứ Lạng” nhằm tôn vinh các cá nhân, hộ gia đình, tập thể có nhiều đóng góp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm na. Đồng thời, góp phần bảo vệ, nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng; tăng giá trị kinh tế, thu nhập cho người nông dân.

Na Chi Lăng: “Vàng” mọc trên núi đá vôi - Ảnh 6.

Sản phẩm Na được đấu giá tại Hội chợ Na Chi Lăng 2022. Số tiền đấu giá này sẽ được huyện Chi Lăng ủng hộ cho các hộ gia đình, cá nhân hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn

“Na Chi Lăng hiện đã là 1 thương hiệu, là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, là nguồn thu nhập lớn và ổn định cho người nông dân. Bằng nỗ lực, khát khao của mình, người dân Chi Lăng đã biến những khó khăn thành cơ hội, góp phần xây dựng Chi Lăng trong thời kì mới, đã tạo nên một vùng sản xuất na tập trung lớn nhất miền Bắc. Người nông dân tại đây đã thu nhập hàng nghìn tỉ đồng qua việc trồng na, từ đó tạo sức bật cho việc phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới với nét đặc sắc riêng có của Chi Lăng”, ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng thông tin.

Các nội dung nằm trong khuôn khổ Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 được triển khai từ tháng 7 đến hết tháng 10/2022./.

Theo Duy Thái

VOV

Từ Khóa:
Trở lên trên