Năm 2016: Khối ngoại bán ròng trên Hose hơn 7.828 tỷ đồng, VIC và VNM là tâm điểm
Đây là năm thứ 2 liên tiếp VIC dẫn đầu giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE, đạt tổng cộng hơn 9.767,7 tỷ đồng.
- 30-12-2016Khối ngoại mua ròng gần 500 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối cùng năm 2016
- 30-12-2016Khối ngoại mua vào 3,5 triệu cổ phiếu Thế giới di động ngay khi vừa hở room
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc năm 2016 với những thành công nhất định. Chỉ số VN-Index kết thúc năm đạt 664,87 điểm, tăng 14,82% so với thời điểm cuối năm 2015. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,2% lên mức 80,12 điểm.
Tổng vốn hóa thị trường niêm yết trong năm 2016 đạt hơn 1,64 triệu tỷ đồng (72 tỷ USD), tăng 345 nghìn tỷ đồng (26,6%) so với thời điểm cuối năm 2015.
Tuy nhiên, trái với những diễn biến tích cực của thị trường chung thì khối ngoại trên thị trường niêm yết lại giao dịch có phần tiêu cực, trong đó, khối ngoại bán ròng rất mạnh trên sàn HOSE nhưng vẫn duy trì được đà mua ròng trên HNX. Tính chung cả hai sàn HOSE và HNX, khối ngoại đã bán ròng lên tới hơn 6.765,6 tỷ đồng, tương ứng tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 136,3 triệu cổ phiếu.
Trên sàn HOSE, khối ngoại đã đẩy mạnh bán ròng lên tới hơn 7.828 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt gần 198,6 triệu cổ phiếu, trước đó khối ngoại đã có 3 năm mua ròng liên tiếp nếu tính từ năm 2013.
Hai cổ phiếu nằm trong top vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là VIC và VNM đã đóng góp đáng kể vào việc bán ròng của khối ngoại trên HOSE. Trong đó, VIC bị bán ròng hơn 7.187 tỷ đồng (152,8 triệu cổ phiếu). Đáng chú ý, đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, VIC dẫn đầu giá trị bán ròng của khối ngoại trên HOSE, năm 2015 VIC cũng bị bán ròng hơn 2.580 tỷ đồng. Mặc dù vậy, giá cổ phiếu VIC trong năm 2016 vẫn tăng 25%.
Tương tự như VIC, VNM trong năm 2016 bị bán ròng hơn 2.244 tỷ đồng (16,3 triệu cổ phiếu), đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu VNM có xu hướng đi xuống vào cuối năm. Tuy nhiên, tính cả năm 2016, VNM vẫn có mức tăng 22,3%.
Đứng thứ ba về giá trị bán ròng của khối ngoại trên HOSE là 'ông lớn' ngành thép HPG, đạt 892,77 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2016 có thể nói là một năm thành công 'rực rỡ' dành cho cổ đông nào nắm cổ phiếu này. HPG kết thúc năm 2016 với mức tăng 75% so với năm 2015.
Ở chiều ngược lại, MBB dẫn đầu giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE, đạt 1.545 tỷ đồng (101,25 triệu cổ phiếu). Đáng chú ý, phần lớn giao dịch mua vào cổ phiếu MBB của khối ngoại được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Điển hình nhất là phiên ngày 8/10/2016, khối ngoại đã mua vào hơn 40,5 triệu cổ phiếu MBB thông qua phương thức thỏa thuận, tương ứng giá trị là hơn 643,8 tỷ đồng. Chính nhờ MBB mà phiên hôm đó khối ngoại đã mua ròng mạnh nhất trong hơn 1 năm qua. Mặc dù được khối ngoại mua ròng rất mạnh nhưng giá cổ phiếu MBB lại không có biến động đột biến, cổ phiếu này chỉ tăng vỏn vẹn 0,7% trong năm 2016. Trước đó, năm 2015 MBB cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh thứ 6 tại sàn HOSE, đạt hơn 644 tỷ đồng.
Tiếp sau đó, CII cũng được khối ngoại mua ròng lên tới hơn 1.115 tỷ đồng (40 triệu cổ phiếu). Kết thúc năm 2016, CII có mức tăng 37%.
Khác với sàn HOSE, khối ngoại trong năm 2016 tiếp tục chuỗi mua ròng ấn tượng trên sàn HNX, đạt hơn 1.062 tỷ đồng, tăng 34% so với giá trị mua ròng của năm 2015, tương ứng khối lượng mua ròng đạt trên 62 triệu cổ phiếu. Như vậy, tính từ năm 2013, khối ngoại trên HNX đã mua ròng tổng cộng hơn 4.028 tỷ đồng.
Khối ngoại trên HNX mua ròng mạnh nhất cổ phiếu PVS, đạt hơn 220 tỷ đồng (12,6 triệu cổ phiếu). Tiếp sau đó là cổ phiếu SCR, với giá trị mua ròng đạt hơn 146 tỷ đồng. Cổ phiếu SCR đã chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE trong những tháng cuối năm 2016. BVS cũng được mua ròng hơn 143,6 tỷ đồng. Trong năm qua, PVS có mức tăng giá 8%, còn BVS là 38%.
Ở chiều ngược lại, KLS là mã bị bán ròng mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 145 tỷ đồng. Cổ phiếu KLS đã hủy niêm yết từ ngày 21/7/2016 do giải thể doanh nghiệp.
Tiếp theo, cổ phiếu VNR bị bán ròng hơn 119 tỷ đồng. Kết thúc năm 2016, cổ phiếu VNR có được mức tăng nhẹ 6,5% so với 2015.
Mặc dù trên thị trường niêm yết khối ngoại rút vốn khá mạnh, nhưng trên thị trường OTC lại hút được dòng vốn ngoại khá tốt thông qua phát hành riêng lẻ. Điển hình là việc Novaland bán 10% cổ phần cho 18 nhà đầu tư giá trị 120 triệu USD. Khoảng 70% các nhà đầu tư là các tổ chức tài chính ở nước ngoài. Vào đầu năm nay, Novaland cũng đã phát hành 60 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư Thụy Sĩ và Hồng Kông.
Hay như trường hợp của Vietnam Airlines, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Vietnam Airlines công bố việc sau khi được Bộ GTVT phê duyệt, đơn vị này đang hoàn tất việc đàm phán Hợp đồng mua bán cổ phần (SSA) với Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holdings để tiến hành ký kết vào cuối tháng 5.2016. Vietnam Airlines bán hơn 107 triệu cổ phần cho ANA Holdings với giá 21.000 đồng/cổ phần.
NDH