MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2016 rồi, DN Việt Nam vẫn kỳ vọng vào doanh số "nước đường" và quảng bá nó tốt cho sức khỏe

14-04-2016 - 10:41 AM | Doanh nghiệp

Trong khi người tiêu dùng ngày càng ghét ăn đường và các DN giải khát nước ngoài phải cố gắng giảm bớt lượng đường trong sản phẩm của mình thì DN Việt Nam dường như không quan tâm.

Thị trường nước ngọt tại Việt Nam từ lâu đã được coi là miếng bánh hấp dẫn cho các cả trong và ngoài nước.

Chẳng thế mà Masan trong đại hội cổ đông vừa qua rất tự hào khi cho biết doanh thu từ dòng sản phẩm nước tăng lực vị cà phê Wake-up tăng trưởng rất tốt, còn đường Quảng Ngãi mới đây tung ra nước tăng lực Green với khẩu hiệu "Sức khỏe của bạn! Cuộc sống của bạn" ra thị trường.

Một báo cáo phân tích của Canadean cho biết, thị trường đồ uống có ga tại Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng vài năm gần đây, sản lượng tiêu thụ đã tăng từ mức 587 triệu lít năm 2010 lên 836 triệu lít năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,2%/năm.

Còn về doanh số, theo Công ty chứng khoán VietinbankSc, tổng doanh thu ngành nước giải khát không cồn Việt Nam năm 2014 đạt gần 80.320 tỷ đồng, Trong đó, riêng mảng "nước đường" (bao gồm nước ngọt có gas, nước tăng lực,...) chiếm khoảng 60% tổng doanh thu.

Canadean nhận định: "Việt nam có tốc độ đô thị hóa cao, cùng với hơn một nửa dân số ở tuổi dưới 35, bảo đảm một thị trường lớn cho ngành đồ uống có ga".

Tuy nhiên, nhận định của Canadean cũng như quảng cáo nước tăng lực "tốt cho sức khỏe" có vẻ không hợp thời khi ngành nước giải khát có đường đang sụt giảm rất mạnh trên thế giới những năm qua.

Cả thế giới đang ăn ít đường đi

Đầu năm 2016 vừa qua, chính phủ Mỹ mới công bố một chế độ ăn uống khoa học mới. Điểm đáng chú ý đó là không khuyên người dân loại bỏ hẳn các thực phẩm có cholesterol cao như trước đây nữa. Thay vào đó, mối quan tâm được tập trung vào đường.

Trong mắt các nhà khoa học Mỹ, hấp thụ đường quá mức giờ mới là thủ phạm số 1 gây nên tình trạng thừa cân, kéo theo những căn bệnh nguy hiểm cho con người như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Trong đó, mối nguy hại nhất đến từ các loại bánh kẹo và NƯỚC NGỌT.

​Theo tính toán đưa ra bởi WHO, một lon nước ngọt chứa 36g đường, một lon bò húc chứa 42g đường, nước tăng lực là 56g đường. Trong khi đó, một học sinh trung học chỉ nên tiêu thụ tối đa 25g đường bổ sung, bao gồm cả những thức ăn khác có đường như bánh kẹo, sữa, hoa quả chín. Như vậy, riêng 1 lon nước tăng lực, đã có lượng đường bổ sung đủ cho một người bình thường tới 2 ngày.

Bệnh béo phì rất phổ biến ở các nước phương Tây, nơi sử dụng đồ uống có ga như một thói quen.

Thực tế cũng cho thấy có một mối liên hệ rõ ràng giữa nước ngọt và bệnh béo phì. Năm 2010, thành phố San Antonio (Mỹ) đã cấm việc phân phối nước soda trong các máy bán nước tự động cho người tiêu dùng nhằm giảm tỷ lệ người béo phì. Đến năm 2012, tỷ lệ người béo phì đã giảm từ 35% xuống còn 29%.

Các chuyên gia đang nhấn mạnh tầm quan trọng của thuế tiêu thụ đường đối với các tác hại từ đồ ngọt. Thuế đường ở Mexico đã giúp nước này cắt giảm tiêu thụ đồ uống khoảng 12% và thu được khoảng 2 tỷ USD tiền thuế. Pháp và Chile cũng đưa ra mức thuế tương tự nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Tại Anh, các công ty sẽ buộc phải giảm lượng đường trong nước ngọt.

Tỷ lệ béo phì tại các nước châu Á và Đông Nam Á hiện thấp hơn so với châu Âu và Mỹ, nhưng tốc độ gia tăng tỷ lệ béo phì tại khu vực này trong thời gian qua là đáng báo động. Trùng hợp thay, đây cũng là những thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh của nước ngọt.

DN giải khát số 1 thế giới cũng phải tính kế giảm đường...

Việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, và dư luận hướng mũi dùi của mình sang các sản phẩm có đường khiến các hãng nước giải khát bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả là doanh số nước ngọt của Coca-cola và PepsiCo - hai doanh nghiệp giải khát lớn nhất thế giới đã bị ảnh hưởng mạnh trong vài năm trở lại đây.

Các hãng giải khát này cũng đã phải từng bước thay đổi chiến lược, kể cả khi việc thay đổi đó sẽ tác động đến sản phẩm chủ lực của họ từ cả trăm năm nay - nước ngọt.

Gần đây, Coca Cola đã phải thay đổi chính sản phẩm của mình, bằng cách tung ra thị trường lon/chai có kích cỡ nhỏ hơn. Nhờ sản phẩm mới này, Coca-cola không khiến sản phẩm của mình bị "nhạt" đi, nhưng vẫn giảm lượng đường mà người dùng hấp thụ.

Sản phẩm này ngay lập tức được người tiêu dùng đón nhận khi giúp công ty có doanh số tốt hơn các sản phẩm lớn, cho dù đây là sản phẩm có giá trung bình cao hơn.

Chủ tịch Coca Cola cho biết, mục tiêu của mô hình tiếp thị là "ngày càng nhiều người thích Coca Cola, dùng nó thường xuyên hơn, nhưng trả ít tiền hơn", và những lon Coca Cola mini thực sự đã thúc đẩy tăng trưởng. Sản phẩm ra đời đã giúp doanh thu thuần tại khu vực Bắc Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận tăng trưởng 7%.

... tập trung phát triển các sản phẩm mới không - có - đường

Coca-cola và PepsiCo không chỉ dừng lại tại đó. Công ty này tiếp tục phát triển mảng nước khoáng, vốn đang tăng trưởng tốt và nhiều dòng sản phẩm mới khác. Năm ngoái, Coca-cola cũnggây sốt khi tung ra sản phẩm sữa cao cấp của riêng mình mang tên Fairlife. PepsiCo cũng đang đầu tư nhiều hơn cho mảng nước uống dùng trong thể thao.

Việt Nam cũng không đi ngoài xu thế "dùng ít đường hơn" này.

Những năm gần đây, người tiêu dùng đang dần có ý thức hạn chế sử dụng đồ uống công nghiệp, mà thay vào đó là sử dụng nhóm nước giải khát từ các loại hoa quả tự nhiên.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, thị trường nước ép trái cây và rau quả sẽ đạt 6 tỷ lít trong năm 2017, do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nước ép hoa quả.

Khảo sát của Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát đều sẽ tăng sản lượng trên mức 20% so với năm 2015, "đặc biệt với nhóm sản phẩm nước ép hoa quả sử dụng trái cây tươi". VBA cũng dự báo, nhóm sản phẩm nước ép trái cây sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 17,5%/năm trong vòng 5 năm tới.

Đây có thể coi là tương lai của ngành nước giải khát. Người tiêu dùng sẽ dần loại bỏ những sản phẩm chứa nhiều đường như nước ngọt có ga, nước tăng lực, trà đóng chai,... để chuyển sang nước trái cây, nước khoáng và thậm chí cả sữa - Những sản phẩm thực sự mang lại "Sức khỏe cho bạn".

Theo Minh Quân

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên