Năm 2017, chỉ khi Zara "nắm tay" H&M về Việt Nam, giới trẻ Việt mới có những ngày xếp hàng và mua sắm bùng nổ đến vậy
Cái cảm giác lần đầu tiên được lần giở tag giá tiền quy theo Việt Nam Đồng quả rất lạ kỳ, vừa nôn nao vừa hưng phấn, như được cảm nhận hạt mưa rơi sau bao đằng đẵng héo mòn.
- 13-01-2017Tất cả chúng ta đều được truyền cảm hứng bởi những câu nói này trong đêm Gala WeChoice Awards 2016
- 30-11-2016WeChoice Awards 2016: Giương cánh buồm đi tìm niềm cảm hứng
- 12-11-2016Lộ diện 20 nhân vật - 20 niềm cảm hứng của WeChoice Awards 2016
Hãy cùng quay ngược thời gian.
10 năm trước, thị trường thời trang của Việt Nam tương đối khép kín. Một thực tế không mấy dễ chịu là 80% các sản phẩm may mặc được sử dụng tại nước ta khi đó đều có xuất xứ từ Trung Quốc, tuy giá thành rẻ và mẫu mã đa dạng nhưng chất lượng thì thường không được đảm bảo. Chưa kể một bất cập khá lớn là lắm khi chẳng có đồ mặc vì các shop chưa kịp... đánh hàng về, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa lỡ cỡ. Số còn lại tin tưởng vào hàng thời trang nội địa dưới mác "đồ xuất khẩu" hoặc các sản phẩm có giá thành phải chăng từ Thái Lan hay Hàn Quốc - chất lượng tuy tốt hơn nhưng lại ngược ở chỗ, tính đa dạng chưa được đề cao.
Có cả một thời gian dài giới mộ điệu Việt chỉ chực chờ dựa dẫm vào thời trang xuất xứ Quảng Châu hay Thái Lan. 5 năm trước, giới trẻ Việt Nam bắt đầu cập nhật nhiều hơn cũng như ưa lối sống dịch chuyển. Sự phát triển của kinh tế và tốc độ vũ bão của Internet giúp giới trẻ nhận ra rằng, nếu họ có đủ điều kiện trong tay thì hoàn toàn có thể khẳng định bản lĩnh thời trang bằng các thương hiệu quốc tế. Thời điểm này thì Zara, H&M, Uniqlo... tuy là "bình dân" trên trường quốc tế nhưng lại là "thượng hạng" đối với phần đa tín đồ thời trang Việt. Cách thức để chạm tay vào các thương hiệu này cũng lắm gian nan: một năm chỉ chực dăm lần được xuất ngoại để mua sắm cho thỏa cơn hoặc trông cậy mòn mỏi vào các dịch vụ order. Gấp gáp lắm thì mua chúng theo dạng hàng xách tay tại Việt Nam, với mức giá bị đội lên thường đến gấp rưỡi!
Và rồi cũng đến cái ngày ấy...
Zara gõ cửa, rủ thêm H&M về Việt Nam
Zara và H&M, quả là hai cái tên mang nhiều duyên nợ với nhau. Đây vốn là hai thương hiệu bình dân thay nhau thống trị xu hướng thời trang nhanh (fast fashion) trên toàn cầu, là hai đối thủ không khoan nhượng trên cùng một đường đua nhưng cũng cùng dắt tay nhau về Việt Nam trong cùng một thời điểm.
Cái cảm giác lần đầu tiên được lần giở tag giá tiền quy theo Việt Nam Đồng quả rất lạ kỳ, vừa nôn nao vừa hưng phấn, như được cảm nhận hạt mưa rơi sau bao đằng đẵng héo mòn.
Ngày khai trương, cửa hàng Zara tại Hà Nội và Sài Gòn đều rơi vào cảnh "vỡ trận" vì số lượng khách hàng quá đông. Tình trạng đông đúc cũng luôn xảy ra vào những ngày cuối tuần hay đợt giảm giá sau đó.
Cả hai thương hiệu bình dân đã nhận ra rằng Việt Nam là một thị trường quá tiềm năng và hầu như chưa có đối thủ. Họ đầu tư một cách tỉ mỉ từ cửa hàng, cân đối giá thành với chất lượng cùng hàng loạt phương thức marketing thức thời... chẳng trách sao giới trẻ Việt ngày ngày mải miết cất bước từ đầu đến cuối những cửa hàng này, vì khách hàng biết rằng hầu như mọi thứ họ cần đều tồn tại trong Zara lẫn H&M với mức giá còn rẻ hơn các thị trường nước bạn như Thái Lan và Singapore.
11 giờ mới khai trương nhưng có người sẵn sàng chờ trước cửa H&M từ... 10 giờ tối hôm trước.
Thành công của hai thương hiệu này được thể hiện rất rõ qua loạt sự kiện khai trương và cả doanh thu.
Có lẽ không hề ngoa khi nói rằng, sự kiện khai trương của Zara và H&M là những sự kiện đầu tiên khiến giới trẻ Việt phải... bỏ nhiều công xếp hàng chờ đợi đến thế. Zara không ngần ngại công bố doanh thu không tưởng: 5,5 tỷ đồng chỉ trong ngày khai trương. H&M thì đón đến hơn 10.000 lượt khách nội trong một ngày. Đây chắc chắn là những con số mơ ước đối với bất cứ doanh nghiệp thời trang nào.
Cũng từ cái gõ cửa của Zara vag H&M, hàng loạt thương hiệu nối tiếp nhau về Việt Nam như Old Navy, Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti... Và sắp tới có thể là cả Uniqlo. Tất thảy đều mong chờ một khởi đầu vẹn toàn như hai cái tên tiên phong.
Những thói quen mới dần được hình thành...
Mốt nhất. Mới nhất. Và tất nhiên luôn nhấn mạnh vào hai chữ "bình dân".
Zara và H&M đã tạo nên một thế giới thời trang cho tất thảy mọi người với đủ tầng lớp trong xã hội . Đã qua rồi cái thời bạn phải đầu tư "tiền tạ", "tiền tấn" mới có thể được công nhận là người có gu, là người biết ăn mặc hay đơn thuần là hiểu thời trang. Những món đồ tại Zara và H&M dễ dàng tạo nên tuyên ngôn riêng cho mỗi cá tính.
Châu Bùi và Decao diện đồ Zara dự sự kiện khai trương tại Hà Nội.
Chi Pu và Hoàng Ku đại diện cho Việt Nam sang thăm thú H&M tại Thụy Điển.
Chẳng hạn, hãy nhìn hình ảnh của Phí Phương Anh trên thảm đỏ Elle Fashion Show mới diễn ra gần đây. Chỉ là Zara, chỉ là thời trang bình dân mà nàng Quán quân The Face vẫn dễ dàng lọt vào Top những nhân vật ưu tú nhất trên thảm đỏ buổi tối hôm đó. Thế mới thấy rằng đôi mắt thẩm mỹ đắt giá hơn cái giá tiền rất nhiều!
Bộ cánh mới nhất của Phí Phương Anh là tổng hợp của những thương hiệu thời trang bình dân, trong đó chủ yếu là Zara. Người đứng sau set đồ bắt mắt này chính là stylist Hoàng Ku.
Bên cạnh đó, giới trẻ Việt vẫn đang nhâm nhi tận hưởng cái cảm giác rằng, tất thảy chúng ta đều đang hòa mình vào dòng chảy của thế giới chứ không còn là một ốc đảo biệt lập. Thế giới có gì, chúng ta có cái đó, nhanh chóng gọn gàng, luôn là mới nhất và mốt nhất.
Chẳng cần xa xôi, nếu muốn cập nhật xu hướng thời trang thì chỉ cần ghé Zara và H&M dăm lần một tuần. Chính điều này đã khẳng định rằng bộ đôi thương hiệu thời trang đang đóng góp một phần vào quá trình nâng cao nhận thức thời trang của người dân, bằng cách đưa mặt bằng chung lên một tầm mới.
Và cũng nhờ có Zara và H&M, chúng ta mới cảm nhận được nhiệt huyết thời trang với tuổi trẻ lớn đến mức nào. Ắt có nhiều ý kiến bỉ bai rằng xếp hàng để đợi chờ mua hàng bình dân quả là điều kỳ quặc, nhưng tự người viết cảm thấy rằng, điều gì tự bản thân làm được để thỏa mãn đam mê mà không làm ảnh hưởng đến bất kỳ ai khác thì chẳng tội gì mà từ bỏ. Giá trị xúc cảm luôn lớn, thậm chí còn lớn hơn nhiều so với giá trị của những món thời trang.
Thế nên, nếu nhận định rằng cái gõ cửa của Zara và H&M mang đến sự thay đổi lớn cho giới mộ điệu Việt thì ắt chẳng sai chút nào!
Nhưng cũng từ đây, bao thử thách nảy sinh
Với giá trị cảm xúc được xây dựng bền lâu từ hai cái tên hàng đầu thế giới, ắt người Việt đang đắm chìm trong cơn vui mang tên "thời trang nhanh".
Điều này vô hình chung mang đến một cơn bão tố có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện của làng mốt Việt, nơi trước đó thị trường còn đóng kín cho các doanh nghiệp trong nước hay giới thương nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Bởi, sở hữu một guồng máy khổng lồ và vô vàn bộ óc ma mãnh, chuyện các thương hiệu thời trang nhanh và bình dân như Zara hay H&M đè nghiến thương hiệu bản địa như voi dẫm kiến là dự đoán trong tầm tay. Điển hình, một cậu chàng "cầm trịch" chuỗi cửa hàng thời trang bình dân vốn được lên mẫu và gia công 100% tại Việt Nam thú nhận rằng, sức ép từ hai cái tên Zara và H&M đang quá lớn, điều này vô cùng hiển hiện qua sự sụt giảm doanh thu từ 20 đến 30%!
Sự hiện diện của Zara và H&M tại Việt Nam đang kích thích sự sáng tạo và tinh thần "quyết chiến quyết thắng" của những người trẻ trong làng mốt Việt: sáng tạo hay là chết!
Các nhà thiết kế chuyên nghiệp lẫn tay ngang đều đang trong tình trạng lo lắng, mải miết tìm hướng đi đúng đắn và thức thời nhất. Sáng suốt nhất ắt có lẽ là CANIFA khi dùng cách phát triển theo chiều đảo ngược: "sustainable fashion" - hay tạm dịch là "thời trang bền vững", dựa trên nguyên lý thời trang phải thân thiện với môi trường và có tính ứng dụng lâu dài. Tuy chưa thể phân bì được bằng mẫu mã nhưng đây quả là một sự lựa chọn hoàn hảo nếu muốn trụ vững giữa cơn lốc "fashion fashion".
Có người xem sự xâm chiếm của Zara và H&M như mối tai hại, cũng chẳng ít nhận định rằng đây là dầu mốc để mở nên kỷ nguyên mới cho thời trang Việt.
Một số tư duy khác cũng được đánh giá cao như chuyển đổi sang chiều hướng thời trang cao cấp hẳn hoặc đề cao tính sáng tạo trong từng sản phẩm giá rẻ chứ không chỉ "làm xổi" như trước. Điều này vô hình trung tạo nên cái đà để thúc đẩy toàn bộ nền thời trang Việt Nam cấp tiến hơn chỉ trong một thời gian ngắn: đánh cược để thay đổi hoặc chấp nhận bị đào thải.
Có nên lạc quan?
Thị trường Việt Nam đã trở thành một phần của guồng quay thế giới. Các thương hiệu thời trang bình dân đó đáp ứng hoàn hảo niềm đam mê lẫn nhu cầu của giới mộ điệu Việt. Các bạn trẻ dễ dàng trở thành hình mẫu fashionista mà họ yêu thích hơn thay vì bị giới hạn nguồn đồ như trước. Nếu không có sự hiện diện của Zara hay H&M cùng hàng loạt "đàn em" kèm theo thì hẳn làng mốt Việt vẫn còn loay hoay nhiều trong công cuộc nỗ lực thay đổi nhằm đưa làng mốt nước nhà lên một tầm cao mới. Bao nhiêu làng mốt khác vẫn trụ vững trước sự đổ bộ của "thời trang nhanh", chẳng cớ gì mà chúng ta phải bó tay chịu trói trước Zara hay H&M.
Thế nên, chung quy là lo thì có lo, nhưng vui thì cứ nên vui. Vui nhiều ấy chứ!
"WeChoice Awards" - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Bình Tĩnh Sống.
Hơn cả sự lạc quan và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời, "Bình tĩnh sống" còn có thể hiểu là một lời khích lệ cũng như nhắc nhở về cách sống và cách đối diện với cuộc đời của mỗi người.
Hãy cùng chúng tôi tôn vinh và bình chọn cho những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng tại http://wechoice.vn/.
Thời gian bình chọn từ ngày 21/12/2017 đến ngày 20/01/2018.