MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2017: Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 400 tỉ USD

20-12-2017 - 07:51 AM | Thị trường

Vượt Trung Quốc, Hàn Quốc là nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Chiều 19-12, Tổng cục Hải quan đã tổ chức lễ ghi nhận xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa Việt Nam đạt mốc 400 tỉ USD.

Ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết tính đến ngày 12-12, hệ thống hải quan đã ghi nhận XNK hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỉ USD. Tổng cục Hải quan dự kiến tới hết năm 2017, kim ngạch XNK của cả nước sẽ đạt mức 410 tỉ USD.

Theo ông Thái, nhờ đó mà thứ hạng về XNK của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 ghi nhận trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất siêu 3 tỉ USD.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất siêu 3 tỉ USD.

Ông Thái cho biết trong 11 tháng từ đầu năm 2017, thâm hụt thương mại với các thị trường có sự chuyển dịch đáng chú ý, nhập siêu từ Trung Quốc giảm tới 15,3% so với cùng kỳ năm trước và từ Hàn Quốc lại tăng mạnh tới 55,8%. Kết quả, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường có thâm hụt thương mại lớn nhất của Việt Nam với mức gần 29 tỉ USD, trong khi thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 21,6 tỉ USD.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định cùng với việc gia tăng kim ngạch XNK thì trong hai năm qua, Việt Nam bắt đầu xuất siêu thương mại kể từ khi gia nhập WTO.

Đến thời điểm này, cả nước đã xuất siêu 2,5 tỉ USD và dự kiến cả năm nay sẽ là 3 tỉ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư khá lớn, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần cho Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2017.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan phải tiếp tục rà soát các thủ tục hải quan chuyên ngành. Nhà nước chỉ tập trung xây dựng quy trình thủ tục, còn công tác kiểm tra phải ưu tiên kêu gọi xã hội hóa, tư nhân tham gia đầu tư thiết bị, các trung tâm kiểm định thiết bị, đo lường.

Theo Trà Phương

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên