MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2018, xuất khẩu 110.000 lao động

19-01-2018 - 17:02 PM | Xã hội

Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (lao động nữ chiếm 40%), giữ vững được một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Đánh giá về công tác năm 2017, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cả nước đã đưa được 134.751 lao động đi làm việc (vượt 28,3% kế hoạch). Một số thị trường xuất khẩu lao động chính tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam cao như thị trường: Đài Loan, Nhật Bản. Các thị trường khác vẫn có nhu cầu tiếp nhận ổn định, riêng thị trường Nhật Bản nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề.

Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Năm qua, một số thị trường châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài như: Rumani, Ba Lan, Na Uy bước đầu có lời mời hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng.

Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đã đề ra mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (lao động nữ chiếm 40%). Nhiều giải pháp đã được đề ra như: Giữ vững ổn định một số thị trường chính như Đài Loan, Nhật Bản; nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc tại nước ngoài đảm bảo mức thu nhập và tính cạnh tranh. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với giáo dục nghề nghiệp từ khâu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi xuất cảnh.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác quản lý đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý phát sinh liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động…

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp để xuất khẩu lao động năm 2017 đạt được con số kỷ lục, ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như hoàn thành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng như sửa đổi, bổ sung Quyết định 1465/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm ký quỹ... Tích cực đàm phán ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế  với Nhật Bản, Campuchia, Lào. Bên cạnh đó, việc cấp và cấp đổi giấy phép chặt chẽ hơn. Công tác phát triển thị trường lao động về cơ bản giữ vững được một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Về phương hướng năm 2018, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị Cục quản lý lao động ngoài nước cần tập trung triển khai một số công việc như: Phối hợp với Vụ Pháp chế trong việc sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Công tác thanh tra chuyên ngành cần có đổi mới. Đồng thời, đẩy mạnh việc quản lý doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với 3 tiêu chí chọn đúng người, minh bạch và có kế hoạch khi lao động quay trở về nước.

Theo Thu Cúc

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên