MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2020, Thanh Hóa đón 42,3 triệu lượt khách du lịch

Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra chiến lược phát triển nhằm cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón được 42,3 triệu lượt khách du lịch.

Ngày 15-12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Lang Chánh thông tin đến cơ quan báo chí về Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020.

Thác Ma Hao - một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút rất đông khách du lịch tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa)

Thác Ma Hao - một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút rất đông khách du lịch tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa)

Theo ông Đỗ Hữu Quyết, Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, đây là chương trình, mục tiêu quan trọng của tỉnh này, được thể hiện rất rõ thông qua Nghi quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 18, xác định phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng tâm nhằm phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu trên, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã ký Quyết định số 290-QĐ/TU ngày 27-5-2016 ban hành Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020.

Theo quyết định này, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 sẽ đón khoảng 42,3 triệu lượt khách du lịch, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,2%/năm (tăng gấp đôi giai đoạn 2011-2015), trong đó khách quốc tế phấn đấu đạt trên 1,2 triệu lượt khách. Bên cạnh đó, tỉnh này phấn đấu phục vụ khoảng 79 triệu ngày khách (gấp 2,1 giai đoạn 2011-2015), trong đó khách quốc tế đạt 3,7 triệu ngày khách.

Vẻ đẹp mê hồn ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông - được ví như "Sa Pa" của Thanh Hóa

Ngoài ra, Thanh Hóa còn tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất với khoảng 900 cơ sở lưu trú du lịch (khoảng 40.000 phòng), trong đó có khoảng 450 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao. Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 60.000 tỉ đồng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thanh Hóa tập trung khai thác thế mạnh của các nhóm tài nguyên du lịch như: nhóm du lịch cách mạng; nhóm di tích lịch sử; nhóm di tích văn hóa; danh lam thắng cảnh; các khu sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và nhóm di tích khảo cổ.

Đặc biệt, việc phát triển du lịch cộng đồng đang được Thanh Hóa quan tâm "đánh thức", bởi địa phương này có tới 11 huyện miền núi, địa hình đa dạng lại giáp với nước bạn Lào. Tại những huyện này có rất nhiều danh lam thắng cảnh, điểm du lịch thiên nhiên đang còn rất hoang sơ, đẹp mê đắm lòng người như vườn Quốc gia Bến En (huyện Như Thanh), thác Ma Hao, chùa Chu (huyện Lang Chánh), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Phù Hu (các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước), du lịch lòng hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân….

Theo Thanh Tuấn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên