Năm 2023: Tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,83%
Tăng trưởng kinh tế được dự báo phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố hơn các năm trước. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Ở kịch bản tích cực hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,83%; xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%.
- 15-01-2023Nghiên cứu xây dựng dự án kết nối với các nước láng giềng
- 15-01-2023Gấp rút hoàn thiện 11 nhà ga trên cao tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên
- 15-01-2023Tạo điều kiện để doanh nghiệp thông quan nhanh khi Trung Quốc mở cửa trở lại
Đó là thông tin tại Hội thảo công bố báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 vừa được tổ chức do CIEM và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ). Thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM nhìn nhận, với bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn. Các yếu tố này bao gồm khả năng kiểm soát Covid-19 và dịch bệnh mới; mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt; cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài. Trong nước, tiến độ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ là những vấn đề đáng lưu ý.
Theo đó, Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2023 của CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023: Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%. Xuất khẩu tăng 7,21% và thặng dư thương mại đạt 5,64 tỷ USD; lạm phát sẽ ở mức 4,08%; Kịch bản 2, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ tích cực hơn lên mức 6,83%. Xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD. Tuy nhiên, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%.
Đồng tình với 2 kịch bản mà CIEM đưa ra nhưng TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam phân tích, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” trong bối cảnh kinh tế quốc tế bất định, khôn lường, tiềm ẩn những rủi ro, thách thức... Do đó, mức tăng trưởng được đưa ra là khá cao so với điều kiện hiện nay của nền kinh tế. Bởi vậy, báo cáo cần nhấn mạnh thêm về nội lực của nền kinh tế để đạt mục tiêu đó và đồng thời hạn chế được những rủi ro, thách thức. Nhất là về đầu tư công, thị trường bán lẻ.
Trước đó, các tổ chức quốc tế lần lượt dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2%. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo là 6,3%. Ngân hàng Standard Chartered (Anh) dự báo GDP Việt Nam tăng 7,2%. Ngân hàng HSBC (Anh) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,8%.
Dự báo về nền kinh tế Việt Nam năm 2023, TS Cấn Văn Lực- Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và một số nước có thể rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn và so với mức nền cao của năm 2022, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6 - 6,5% (kịch bản cơ sở). Trong đó, xuất khẩu dự báo tăng khoảng 8 - 10%, đầu tư (trong và ngoài nước) tăng khoảng 8%, tiêu dùng cuối cùng tăng khoảng 9 - 10%. Về lạm phát, dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4 - 4,5% (từ mức 3,3% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022; và năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...). Đáng chú ý, áp lực lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do doanh nghiệp còn nhiều rào cản, thách thức.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lạc quan hơn khi cho rằng: Trong năm 2023 nền kinh tế Việt Nam có vẻ tươi sáng hơn so với năm 2022, khi tất cả các thành phần kinh tế, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các nhà đầu tư và người dân đều học hỏi và rút ra được những bài học kinh nghiệm “xương máu” từ năm 2022, nhất là các nhà đầu tư, và cá nhân. Khi rút ra được kinh nghiệm, người dân và doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn trong đầu tư. Bên cạnh đó từ các “sự cố” xảy ra trong năm 2022, các cơ quan sẽ làm việc một cách nghiêm túc, chặt chẽ hơn. Qua đó Chính phủ cũng cần có chính sách thích hợp hơn từ: chính sách công, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ trong năm 2023.
Đại đoàn kết