Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 10 triệu chữ kí số cá nhân
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 10 triệu chữ kí số cá nhân. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, đây là mục tiêu rất thách thức bởi hiện nay Việt Nam có chưa đến 1 triệu thuê bao CKS cá nhân (784.464 thuê bao...
- 28-05-2023Một Edtech Việt Nam công bố gọi vốn "khủng" lên đến 10 triệu USD
- 28-05-2023Chân dung nữ CEO công ty edtech gọi thành công 15 triệu USD mới lọt danh sách Under 30 Forbes châu Á
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tập huấn kinh nghiệm quốc tế về triển khai dịch vụ chứng thực chữ kí số và dịch vụ tin cậy.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một không gian sống mới, đó là không gian số. Mỗi người chúng ta đều có một phiên bản số của mình trên mạng. Bởi vậy, mọi hoạt động, sự vật của chúng ta trên môi trường thật đều được mô phỏng lại một cách chính xác trên môi trường số.
“Lời nói, chữ viết trên môi trường số trở thành thông điệp dữ liệu, văn bản giấy trên môi trường số là văn bản điện tử; thông tin định danh của một người trên môi trường số là danh tính địện tử; siêu thị, chợ trên môi trường số là các sàn thương mại điện tử; chữ ký tay trên môi trường số trở thành chữ kí số” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
“Tuy nhiên vấn đề tồn tại lớn nhất khi con người sinh hoạt trên môi trường số chính là niềm tin. Bài toán niềm tin nếu không được giải quyết thì sẽ không thể thúc đẩy được sự chuyển đổi từ môi trường thực lên không gian số. Do không gặp mặt nhau trực tiếp, việc lừa đảo trở nên dễ dàng hơn, phổ biến hơn. Chính vì vậy, cần có các dịch vụ số giúp đảm bảo an toàn, tin cậy cho các bên giam gia giao dịch. Ở Việt Nam trước đây có dịch vụ chứng thực chữ ký số và sắp tới sau khi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được ban hành, sẽ có thêm một nhóm dịch vụ mới gọi là dịch vụ tin cậy” - Thứ trưởng cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện. Muốn toàn dân, toàn diện thì mỗi người dân phải trở thành một công dân số. Để trở thành công dân số thì mỗi người dân cần 8 yếu tố là: có đường cáp quang băng rộng, có điện thoại thông minh, có tài khoản định danh điện tử, có tài khoản thanh toán số, có tài khoản dịch vụ công trực tuyến, có kỹ năng số cơ bản, có kỹ năng an toàn thông tin cơ bản và đặc biệt là có chữ ký số cá nhân”.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 10 triệu chữ kí số cá nhân. “Đây là mục tiêu rất thách thức bởi hiện nay Việt Nam có chưa đến 1 triệu thuê bao CKS cá nhân (784.464 thuê bao). Theo đó, cần những kinh nghiệm hỗ trợ, hướng dẫn của các quốc gia đã triển khai thành công CKS cá nhân như Hàn Quốc, Ấn Độ và đặc biệt là các hội, hiệp hội quốc tế lớn về chữ kí số như Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai Châu Á (APKIC)” - Thứ trưởng nhận định.
Được biết, tại hội nghị, ngoài các nội dung đào tạo, tập huấn chuyên sâu về quy trình nghiệp vụ quản lý hạ tầng, hệ thống kỹ thuật và bộ tiêu chuẩn chữ kí số tại một số quốc gia trên thế giới dành riêng cho các cán bộ kỹ thuật, các chuyên gia, diễn giả quốc tế đã trình bày về các vấn đề pháp lý, hệ thống pháp luật về CKS tại một số quốc gia, chính sách, công nghệ mới trong lĩnh vực hạ tầng khoá công khai (Public Key Infrastructure - PKI).
VNmedia