Vì sao “chiến thần” Võ Hà Linh không nên xin lỗi anti-fan, ca sĩ Duy Mạnh không sợ bị ghét trên mạng xã hội?
Chia sẻ với chúng tôi, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho biết, các TikToker ở Việt Nam lựa chọn hình thức tai tiếng để nổi tiếng vì đây là con đường dễ làm. Tuy nhiên, anh Long cho rằng, các bạn TikToker cũng cần cẩn thận, tính đến con đường lâu dài vì những rủi ro của những hình thức chiêu trò này.
Anh Nguyễn Ngọc Long là người sáng lập Truyền thông Trăng Đen (2013) – câu lạc bộ dành cho những người yêu thích truyền thông xã hội đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Trên trang cá nhân của mình, anh thường xuyên đăng tải những bài viết về cuộc sống, các vấn đề xã hội và được cộng đồng đặc biệt yêu thích, ủng hộ.
Gần đây, một TikToker có đăng status chia sẻ về mức cát-xê cho một clip của mình không dưới 3 triệu và nhận nhiều phản ứng trái chiều. Anh nghĩ thế nào về mức cát-xê bị TikToker kia từ chối?
Theo giá thị trường hiện nay, những bạn có khoảng 100-200 nghìn lượt theo dõi thì cát-xê đã vào khoảng 5 triệu đồng trở lên. Các bạn TikToker có vài trăm nghìn đến 1 triệu người theo dõi thì cát-xê có thể lên đến 10-20 triệu đồng.
Vậy nên, mình cảm nhận, TikToker kia với 12 triệu người theo dõi thì con số cát-xê có thể lớn hơn rất nhiều.
Vậy, thông thường đâu là các tiêu chuẩn để các KOC (Key Opinion Consumer) trên TikTok đưa ra mức giá booking?
Việc định giá booking phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các bạn KOC sẽ định giá dựa trên sản phẩm, nhãn hàng, cách thức hợp tác cũng như yêu cầu của đối tác. Với những nhãn hàng lớn, các bạn KOC có thể lấy giá cao còn với các nhãn hàng nhỏ thì sẽ lấy giá thấp hơn. KOC có chuyển đổi cao thì họ tính giá cao, KOC nhiều lượt xem, nhiều người theo dõi nhưng chuyển đổi thấp, đăng lên không có tác dụng kích thích người theo dõi mua hàng thì có để giá thấp cũng không có nhãn hàng nào làm việc với họ.
Các KOC có 2 hình thức chủ yếu khi hợp tác là bán hàng thuần túy hoặc tiếp thị liên kết (Affiliate marketing – AM). Nếu nhãn hàng không đòi hỏi gì, chỉ đơn thuần đưa ra một thông điệp sau đó các bạn KOC làm clip lồng ghép thông tin thì báo giá theo clip thôi.
Mình đã từng làm việc với cặp đôi TikToker Melon&Leon với 2,4 triệu người theo dõi, giá booking các bạn ấy đưa ra (ở thời điểm đó) là từ 30-40 triệu đồng cho mỗi clip không cam kết KPI. Đây cũng là giá niêm yết công khai, mình thấy phù hợp thì mình hợp tác. Thực ra mức giá ổn hay không ổn không chỉ phụ thuộc số lượt người theo dõi mà còn cần xem xét sức ảnh hưởng của TikToker đó tới đâu. Mình thẩm định thấy hiệu quả của Melon&Leon tốt cho chiến dịch thì mình book.
Vì lý do đó, mình cho rằng TikToker có lượt theo dõi lớn thì chi phí 20-30 triệu là quá bình thường.
Bên cạnh đó, KOC cũng có thể tự trải nghiệm sản phẩm, cảm thấy phù hợp với bản thân thì lấy về chia sẻ, lấy một mức chiết khấu, hoa hồng có sẵn. Ví dụ, một nhãn hàng định bán dầu gội với mức chiết khấu 15 – 20%, các bạn KOC có thể lấy sản phẩm về và tự đăng lên mạng. Nếu có người mua, KOC sẽ được hưởng con số hoa hồng đã thống nhất.
Ngoài ra, các nhãn hàng có thể chủ động tìm đến các KOC và đề nghị hợp tác về một loại sản phẩm nhất định với mức chiết khấu cao khoảng 30-40%. Các KOC sẽ chuyên tâm vào việc bán sản phẩm này và lên nhiều dạng clip khác nhau để quảng cáo về sản phẩm.
Có ý kiến cho rằng TikToker, KOC ở Việt Nam có vẻ dễ làm và dễ kiếm tiền, anh nghĩ thế nào về vấn đề này?
Mình cho rằng, những bạn TikToker, KOC thực sự kiếm được nhiều tiền. Ví dụ, bạn bán hàng và được hoa hồng trung bình từ 10 - 20 % và lấy trung bình khoảng 15 %. Nếu bạn có khoảng 100.000 người theo dõi, mỗi tháng doanh thu của bạn cho một món hàng sẽ rơi vào khoảng 60 triệu đồng.
Vậy lợi nhuận của bạn 15 % sẽ vào khoảng 9 triệu đồng cho một món hàng với 100.000 người theo dõi. Nếu bây giờ bạn có 10 món hàng thì lợi nhuận sẽ rơi vào 90 triệu đồng. Nếu như bây giờ bạn có 1 triệu người theo dõi thì lợi nhuận sẽ là 900 triệu đồng. Chưa kể, nguồn tiền của các bạn TikToker, KOC còn có thể đến từ việc đặt quảng cáo của các nhãn hàng, livestream bán hàng hay dùng tên tuổi, sự nổi tiếng để kinh doanh.
Tất nhiên, mình phải khẳng định rằng trong số hàng nghìn, hàng chục nghìn người, thì số lượng những bạn TikToker đạt được con số như vậy là rất ít. Nhưng không phải là không có.
Vậy, những KOC không nhận quảng cáo hay những bài review theo dạng booking như Võ Hà Linh sẽ có nguồn thu từ đâu?
Theo mình, Hà Linh kiếm tiền từ AM. Thực ra, bây giờ đa phần mọi người sẽ làm tiếp thị liên kết, tức là, sẽ review và đặt những đường dẫn đính kèm để bán hàng. Người xem sẽ mua hàng thông qua đường dẫn đấy. Cách này khác với quảng cáo thuần tuý, được nhận quảng cáo review từ các nhãn hàng.
Với AM, KOC chỉ đơn thuần tự tìm kiếm sản phẩm, cảm nhận tốt về sản phẩm và lên clip review. Người xem nếu ấn vào đường dẫn và mua hàng thì các KOC sẽ được nhận một khoản hoa hồng.
Gần đây, khi tranh cãi về Võ Hà Linh xảy ra, anh từng chia sẻ Hà Linh không nên xin lỗi sau khi bị cư dân mạng tẩy chay, vì sao lại như vậy?
Như clip mình có nói, một người làm thương hiệu cá nhân sẽ phải có ngoại hình, giá trị, tài năng, tính cách. Ở đây, tài năng của Võ Hà Linh chính là đi review các sản phẩm, còn tính cách chính là xéo xắt, bản lĩnh.
Vì vậy, khi Võ Hà Linh đã định hình tính cách xéo xắt, ghê gớm, đanh đá thì bạn phải làm cho tính cách đấy rõ nét lên để những người theo dõi trước giờ thích cá tính đó vẫn tiếp tục theo dõi.
Mặc dù, ai cũng muốn nổi tiếng, cũng muốn mở rộng tệp khách hàng, người xem của mình nhưng bạn cần hiểu rõ điểm thu hút của bản thân. Sẽ luôn luôn có người thích bạn và có người ghét bạn, dù bạn có trở nên hiền lành thì vẫn sẽ có 2 luồng người xem như vậy.
Cho nên, khi Hà Linh "quay xe" xin lỗi khán giả, không chỉ mình, rất nhiều người theo dõi Hà Linh cảm thấy khá thất vọng. Thất vọng bởi vì họ không còn cảm thấy một Võ Hà Linh xéo xắt mà họ thích như ngày xưa nữa.
Sau phiên livestream đạt kỷ lục, nhiều người theo dõi Võ Hà Linh quay sang tẩy chay, lập hội anti-fan. Anh giải thích trường hợp này dưới góc độ marketing như thế nào?
Mình không nghĩ trước đó có nhiều người theo dõi rồi quay sang tẩy chay hết đâu. Chỉ có một phần nhỏ "quay xe" tẩy chay thôi.
Mình cho rằng, những hội nhóm tẩy chay hàng trăm nghìn người kia không hẳn có mặt trong nhóm để tẩy chay Hà Linh. Hãy thử nhìn vào số lượng người theo dõi. Ví dụ, ngày trước, bạn có 3 triệu người theo dõi và bây giờ chỉ còn khoảng 2 triệu người thì đấy mới gọi là tẩy chay, bị fan quay lưng.
Còn đây, vẫn có những người có thể không thích Hà Linh nhưng vẫn theo dõi vì săn được những đơn hàng giá rẻ, việc thái độ của Hà Linh không ảnh hưởng đến họ. Mình khẳng định con số hàng trăm nghìn người anti kia từ trước đã không phải là fan, hoặc rất ít fan của Hà Linh. Nếu đúng bị tẩy chay, lượng người theo dõi sẽ lập tức giảm sút đi nhiều.
Không ít trường hợp TikToker tìm cách gây sốc, tạo chiêu trò để nổi tiếng, liệu với TikToker ở Việt Nam thì đây có phải con đường dễ nổi tiếng nhất?
Theo mình, cách thức nổi tiếng này luôn luôn là con đường dễ làm. Bởi vì, người xem thích những thứ như vậy, xu hướng đang diễn ra theo cách thức này.
Tuy nhiên, mặc dù có thể đạt được số lượng người theo dõi lớn trong thời gian ngắn, các bạn TikToker cần tính đến con đường lâu dài và những rủi ro của những hình thức chiêu trò. Bản chất của chiêu trò luôn luôn là con dao hai lưỡi, bạn có thể lên rất nhanh, nhưng cũng có thể mất toàn bộ.
Vậy, có một công thức chung nào cho các Influencer muốn nổi tiếng hay không?
Không có công thức chung cho Influencer nhưng công thức riêng cho từng nhóm thì có. Theo mình, các nhóm riêng cứ theo "kim chỉ nam" dưới đây thì sẽ nổi tiếng. Influencer là một cụm từ đề cập chung đến ba nhóm nhỏ gồm KOC, KOL và CELEB. Ba nhóm này đi theo ba con đường khác nhau.
Nhóm CELEB chủ yếu sẽ sống bằng tình thương của khán giả, tức là, bằng mọi giá bạn phải làm cho người ta thương bạn. Cũng có trường hợp khác như ca sĩ Duy Mạnh. Anh ấy là CELEB nhưng vẫn thoải mái thể hiện tính cách cá nhân, không sợ bị mọi người ghét. Anh Duy Mạnh làm được điều này bởi vì có một "thế giới riêng", underground, nơi có những người anh em bạn bè khác luôn hỗ trợ anh.
Nhóm thứ hai là KOL, họ phải sống bằng tài năng và bằng kiến thức. Đã là KOL thì cần phải có quan điểm. Còn là CELEB thì đừng bao giờ đưa ra quan điểm. Mình có thể lấy ví dụ như Hương Giang, O Sen sau khi đưa ra quan điểm cá nhân đều nhận lại phản hồi tiêu cực từ cộng đồng mạng.
Còn nhóm thứ ba là KOC, là sự giao thoa của cả KOL và CELEB. Bởi vì nhóm này kiếm tiền từ hai nguồn khác nhau. Về mặt tài năng, bạn là một reviewer, nếu review sản phẩm tốt, người xem dù có ghét vẫn đánh giá cao và vẫn sẽ mua các sản phẩm được review. Về mặt cảm xúc, bạn có thể thu hút người xem bằng lối sống, tính cách, con người của bạn.
Theo anh, hiện nay, khán giả có đang quá dễ dãi đối với các nội dung của TikToker và Influencer hay không?
Mình cho rằng, xã hội có rất nhiều nhóm người và sẽ luôn có nhóm người dễ dãi và nhóm người khó tính, chỉ có điều, nhóm người dễ dãi đang chiếm phần lớn.
Vì vậy, việc các Influencer hướng tới nhóm người này là hoàn toàn bình thường, họ không nổi tiếng vì khán giả dễ dãi mà ngược lại, họ nhắm đến đối tượng khán giả này.
Cảm ơn anh!
Nhịp sống thị trường