MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2050, người dân thế giới sẽ tăng thêm 4,5 năm tuổi thọ

17-05-2024 - 14:28 PM | Tài chính quốc tế

Bệnh tim thiếu máu cục bộ vẫn là nguyên nhân hàng đầu tác động đến tuổi thọ nhân loại cho đến năm 2050, tiếp theo là đột quỵ, theo một báo cáo trên The Lancet.

Tuổi thọ toàn cầu có thể tăng từ 73,6 tuổi vào năm 2022 lên 78,1 tuổi vào năm 2050 (tăng 4,5 năm); nếu xét theo giới thì nam sẽ sống thọ thêm 4,9 năm, nữ là 4,2 năm.

Các dữ liệu trên là một phần trong báo cáo "Kịch bản gánh nặng bệnh tật cho 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2022–2050, được đưa ra bởi nhóm Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) 2021 và sẽ được xuất bản chính thức trên tạp chí y học The Lancet vào ngày 18-5.

Năm 2050, người dân thế giới sẽ tăng thêm 4,5 năm tuổi thọ- Ảnh 1.

Nâng cao tuổi thọ khỏe mạnh là mục tiêu mà các chính sách y tế cần hướng đến - Ảnh minh họa từ Adobe Stock

Trong bản công bố trực tuyến trước đó, các tác giả cho biết mức tăng dự kiến sẽ lớn nhất ở những quốc gia có tuổi thọ trung bình thấp hơn, góp phần tạo ra sự gia tăng tuổi thọ ở các khu vực địa lý rộng lớn.

Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phát triển của các biện pháp y tế công cộng.

Các biện pháp này đã giúp ngăn ngừa và cải thiện tỉ lệ sống sót của các bệnh tim mạch, COVID-19 và một loạt các bệnh truyền nhiễm, bệnh ở bà mẹ - trẻ sơ sinh và bệnh do dinh dưỡng (gọi chung là CMNN).

Theo TS Chris Murray, Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) - chính là đơn vị dẫn đầu GBD - đó là một xu hướng đáng mừng.

Đây là một dấu hiệu cho thấy mặc dù sự bất bình đẳng về sức khỏe giữa các khu vực có thu nhập cao nhất và thấp nhất vẫn còn, nhưng khoảng cách đang được thu hẹp lại. Trong đó, khu vực có mức tăng tuổi thọ nhanh nhất là vùng châu Phi hạ Sahara.

Mặt dù vậy, sự thay đổi liên tục trong gánh nặng bệnh tật đối với các bệnh không lây nhiễm (NCD) - như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và tiểu đường - và việc tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ liên quan sẽ có tác động lớn nhất đến thế hệ tiếp theo.

Các nguyên nhân thúc đẩy các bệnh nói trên bao gồm béo phì, huyết áp cao, chế độ ăn uống không tối ưu và hút thuốc lá.

Vì lý do trên, bệnh tim thiếu máu cục bộ dự kiến sẽ vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu cho đến năm 2050, tiếp theo là đột quỵ và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Bên cạnh đó, dù mức tăng 4,9 tuổi ở nam và 4,2 tuổi ở nữ trong giai đoạn 2022-2050 là khá ấn tượng, nhưng nhóm GBD cho biết sự cải thiện này vẫn chậm hơn so với 3 thập kỷ trước đại dịch COVID-19.

Đạt được tuổi thọ khỏe mạnh cũng là thách thức lớn. Khi gánh nặng bệnh tật tiếp tục chuyển từ CMNN sang NCD, số năm mất đi do tử vong sớm cũng chuyển thành số năm sống trong tình trạng khuyết tật.

Điều này có nghĩa là nhiều người mặc dùng sống thọ hơn nhưng không khỏe mạnh, chất lượng sống thấp và tạo thêm gánh nặng y tế chung.

Trong khi tuổi thọ tăng trung bình 5 năm thì Tuổi thọ khỏe mạnh toàn cầu (HALE)—số năm trung bình mà một người có thể mong đợi để sống trong tình trạng sức khỏe tốt—chỉ tăng từ 64,8 năm vào năm 2022 lên 67,4 năm vào năm 2050 (tăng 2,6 năm).

Một nghiên cứu đi kèm cho thấy tổng số năm bị mất do sức khỏe kém và tử vong sớm (được đo bằng DALY) do các yếu tố nguy cơ chuyển hóa đã tăng 50% kể từ năm 2000.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra bộ giải pháp khác nhau có thể cải thiện gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Trong đó, bộ giải pháp nhắm vào việc cải thiện các rủi ro chuyển hóa và các hành vi liên quan thể hiện hiệu quả cao nhất, ước tính giúp giảm 13,3% DALY.

Ngoài ra, giải pháp liên quan đến môi trường an toàn hơn và giải pháp tập trung vào việc cải thiện dinh dưỡng và tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ em cũng cho thấy hiệu quả cao.

Nhóm nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) được thành lập từ năm 2007, hiện quy tụ hơn 3.600 nhà khoa học từ hơn 100 quốc gia, với mục tiêu chung là cung cấp bằng chứng khoa học để làm nền tảng cho các chính sách y tế nhằm cải thiện sức khỏe trên toàn cầu.


Theo Anh Thư

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên