Năm 23 tuổi vay ngân hàng mua nhà 8 tỷ ở Hàn Quốc, nói gì khi bị chê “trả nợ đến già"?
Căn nhà là thành quả lao động của chàng trai sau nhiều năm sống tại Hàn Quốc.
- 09-10-2023Vay nợ cả tỷ đồng để mua nhà: Liệu có phải nhịn ăn nhịn mặc để trả nợ?
- 06-10-2023Cưới vợ gần 1 năm, PewPew vẫn ở thuê và có quan điểm không mua nhà: Nói gì mà dân mạng "chia phe"?
- 05-10-2023Vay 1 nửa mua nhà 2,5 tỷ đồng: Thu nhập tăng gấp đôi vì có động lực đi làm trả nợ
Đó là câu chuyện của Thanh Hùng - chàng trai sinh năm 1998, đang sống tại TP. Bucheon. Anh chàng đã sở hữu căn nhà đầu tiên sau 4 năm định cư tại Hàn Quốc. Hiện Thanh Hùng và vợ cùng kinh doanh mỹ phẩm và đã mở thêm công ty hoạt động tại Việt Nam.
Mua nhà là thành tựu đáng nể mà bất kỳ người trẻ nào cũng có thể “flex" về bản thân. Và với Hùng, tự đứng tên một bất động sản cũng là cách để anh chàng ghi nhận những năm tháng học tập và làm việc đầy nỗ lực của mình ở nơi đất khách quê người.
Đứng tên căn nhà đầu tiên ở Hàn Quốc năm 23 tuổi
Thanh Hùng sang Hàn Quốc từ năm 2017 và chỉ mới về nước thăm gia đình một lần cách đây không lâu. Thời điểm trước khi mua nhà, Thanh Hùng liên tục phải chuyển chỗ ở để phù hợp với tính chất công việc và học tập.
Trước đó, anh thường chọn thuê nhà one room (nhà một phòng ngủ) - một hình thức nhà trọ khép kín, giá rẻ và được ưa chuộng bởi đối tượng học sinh, sinh viên Hàn Quốc. Đa phần những căn nhà anh thuê đã cũ, xuống cấp, tương đối chật hẹp và đời sống bên trong kém. Khi đi thuê nhà, Thanh Hùng cũng không dám sắm sửa nhiều đồ đạc cho không gian sống. Một phần nguyên nhân vì chủ nhà không đồng ý chuyện sửa sang, đồng thời Thanh Hùng cũng ngại phải di chuyển đồ trong trường hợp cần chuyển đến nơi ở mới.
Trải qua 4 năm sinh sống tại Hàn Quốc, Thanh Hùng đã có công việc với nguồn thu nhập ổn định. Bấy giờ sau khi nghiên cứu thị trường và có một khoản tiền sẵn có, chàng trai bắt đầu tính đến chuyện sở hữu căn nhà đầu tiên.
Năm 2020, Thanh Hùng cùng vợ bắt đầu tìm kiếm môi giới và đi xem một vài dự án chung cư. Vợ chồng anh chọn căn nhà hiện tại vì phù hợp với tính chất công việc và nhìn thấy tiềm năng tăng giá trong tương lai. Chỉ sau 1-2 tháng ký hợp đồng mua nhà, gia đình Hùng đã có thể dọn vào nhà mới vào đầu tháng 1/2021.
Chàng trai đặt ra 4 tiêu chí khi tìm nhà. “Căn hộ đó nên rộng rãi một chút, có điều kiện giao thông thuận tiện và phù hợp với tài chính của vợ chồng mình. Cuối cùng, bất động sản này phải có khả năng sinh lời trong tương lai".
Khi nhận bàn giao, căn nhà có diện tích 32 pyeong (khoảng 105m2) với giá tiền 435 triệu won (~7.8 tỷ đồng). Không gian sống gồm 3 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, 1 phòng khách, 1 bếp. Do căn nhà ban đầu đã khá đầy đủ nội thất nên vợ chồng Thanh Hùng không tốn quá nhiều chi phí cải tạo và mua sắm nội thất.
Để sở hữu được căn nhà vợ chồng Hùng đã tự đóng 135 triệu won (~2.4 tỷ đồng), còn lại là họ vay ngân hàng. Mỗi tháng, cặp đôi cần trả tiền cả gốc và lãi cho ngân hàng là khoảng 1.5 triệu won (~27 triệu đồng) - một khoản chi phù hợp với hai vợ chồng. Hiện, cặp đôi đang trích 15% thu nhập để trả tiền nhà, 30% cho sinh hoạt phí, số còn lại dùng để tái đầu tư và xoay vòng kinh doanh.
Nói về lý do chấp nhận vay đến 70% giá trị căn nhà từ ngân hàng, Thanh Hùng cho rằng đó là khoản đầu tư đáng tiền. Điều này xuất phát từ 2 nguyên nhân:
- Thứ nhất, tiền thuê nhà xấp xỉ tiền trả lãi ngân hàng
Thời điểm bấy giờ, Thanh Hùng cần thuê hai bất động sản để làm nơi ở và làm việc, tổng chi phí mất 1.5 triệu won/tháng. Anh chàng nhận thấy, tiền thuê gần bằng tiền trả lãi ngân hàng. Do đó, nếu tiếp tục đi thuê thì số tiền này sẽ mất đi giá trị, trong khi vợ chồng anh vẫn có thể gặp nhiều rủi ro đến từ việc thuê nhà.
“Số tiền mình trả cho chủ nhà chắc chắn sẽ mất đi. Đôi khi mình còn gặp người chủ khó tính, đen đủi thì còn bị đuổi đi. Trong khi đó, một năm mình chuyển nhà mấy lần, rất mệt và vất vả. Bây giờ nếu mình chọn trả lãi cho ngân hàng thì nay mai số tiền đó được chuyển thành giá trị của nhà mình. Mình chưa cần biết ngày mai căn nhà có tăng giá hay không nhưng trước hết mình được ‘an cư lạc nghiệp', thoải mái tinh thần.
Bên cạnh đó, mình quan sát thị trường thấy giá nhà và đất đang giảm. Khách hàng mua bất động sản có nhiều ưu đãi như nhà đủ nội thất khi bàn giao, các khoản trợ cấp tiền mặt… Do đó, mình chỉ sợ không có tài chính và không đủ điều kiện vay tiền thôi. Thực tế, mình biết nhiều bạn muốn mua nhà lắm rồi nhưng không thuộc đối tượng được cho vay của ngân hàng Hàn Quốc", Hùng lý giải.
- Thứ hai, căn nhà có tiềm năng tăng giá trong tương lai
Hùng chọn mua căn nhà đã được quy hoạch thành apateu (dự án chung cư), đồng thời xung quanh đó có nhiều apateu đang được xây lên. Hùng tính, căn nhà nằm ở Bucheon - thời điểm bấy giờ đang được chuyển lên thành phố nên chắc hẳn giá bất động sản sẽ còn tăng cao.
“Khoảng 1-2 năm nữa, gần nhà mình sẽ có tàu nhanh KTX. Xung quanh nhà mình có đầy đủ cơ sở vật chất như trường học, bệnh viện, siêu thị… nên mình khá yên tâm khi xuống tiền mua căn nhà này", chàng trai nói thêm.
Cứ như thế, Thanh Hùng sở hữu căn nhà đầu tiên ở Hàn Quốc. Với cả chàng trai và gia đình, đây là thành tựu đáng nhớ của anh sau thời gian lập nghiệp nơi xứ người.
Thanh Hùng tâm sự: “Mẹ mình tự hào và ủng hộ quyết định mua nhà của con trai. Với mẹ có con đi xa nhà, chưa cần biết kiếm được bao nhiêu, họ lo lắng đầu tiên là về chỗ ăn ở và điều kiện sinh hoạt. Giờ mình đã có nhà, đời sống cá nhân ổn định thì mẹ sẽ yên tâm hơn.
Tất nhiên so với xã hội thì việc mình mua được căn nhà là một điều rất nhỏ. Nhưng với cá nhân, đó là sự công nhận để mình nỗ lực nhiều hơn. Đây là lần đầu tiên trong đời mình tự đứng tên một căn nhà, từ đó trở thành động lực để bản thân cố gắng và kiếm được nhiều tiền hơn nữa".
“Mua nhà làm gì để trả phải lãi đến già?”
Đó cũng là câu hỏi mà Thanh Hùng nhận được sau khi chia sẻ câu chuyện mua nhà ở tuổi 23 của bản thân trên trang cá nhân. Tuy nhiên, chàng trai cho rằng khoản tiền trả lãi ngân hàng hiện tại nằm trong khả năng tài chính của cặp vợ chồng. Hơn nữa, do anh nhận thấy giá trị của căn nhà nên cho rằng việc vay tiền để mua chúng là chuyện xứng đáng.
“Thay vì mình trả tiền để đi thuê một căn nhà trong 20 - 30 năm thì mình dùng chúng để trả lãi ngân hàng. 20 - 30 năm sau khi đã trả lãi xong thì căn nhà đó sẽ hoàn toàn là của mình. Mình được hời là nằm ở cái khoản đó", chàng trai nhận định.
Theo Thanh Hùng, người trẻ nên sở hữu một căn nhà càng sớm càng tốt. Bởi lẽ mua được căn nhà đồng nghĩa đồng người với sự “an cư lạc nghiệp", bản thân sẽ có chỗ ở thoải mái và nâng cao đời sống tinh thần. Đồng thời, việc vay tiền mua nhà cũng trở thành động lực để bạn nỗ lực hơn trong tương lai.
“Trong thời gian vay tiền, mình có trách nhiệm giải quyết vấn đề và khoản nợ. Từ đó, mình tự nhận thức phải gia tăng thu nhập gấp đôi, gấp ba để duy trì được cuộc sống ở Hàn Quốc. Cũng vì thế, mình đã có động lực để cố gắng nỗ lực và phát triển hơn nữa", Thanh Hùng bày tỏ.
Nói về dự định tương lai, Thanh Hùng cho rằng anh sẽ thường xuyên về Việt Nam hơn để phát triển kinh doanh, song song với điều hành công việc bên Hàn Quốc. Chàng trai cũng mong có thể dành nhiều thời gian chăm sóc cho người thân, đồng thời mua được thêm những căn nhà khác ở Việt Nam.
Ảnh: NVCC
Phu nữ mới