MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nằm 'bất động' nhiều năm, đất Mê Linh bất ngờ được hà hơi đẩy giá

30-06-2021 - 09:59 AM | Bất động sản

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin đồn thổi giá đất tại huyện Mê Linh lên cơn sốt với những thông tin nhiễm loạn. Trong khi, chính quyền khẳng định hoạt động giao dịch bất động sản (BĐS) trên địa bàn rất im ắng, giá nhà đất không có hiện tượng sốt, hàng loạt dự án vẫn nằm bất động.

Đến lượt đất Mê Linh bị thổi giá

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tại ngoài các khu dân cư hiện hữu, trên địa bàn huyện Mê Linh có khoảng 50 dự án khu đô thị mới (ĐTM), dự án nhà ở với quy mô trung bình vài chục hecta như khu đô thị Mê Linh New City, Đại Thịnh, Minh Giang 1,2,3, Mê Linh Vista City, Mê Linh Cenco 5, Hà Phong Diamond Park…Trong đó có khoảng 40 ĐTM được cấp phép trước khi sát nhập về Hà Nội.

Tuy nhiên, đa số các dự án trên đều trong tình trạng nằm "bất động" hàng chục năm qua đều không triển khai được hoặc triển khai dang dở, chưa có hạ tầng. Thậm chí, nhiều năm nay Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu kiểm tra, rà soát các dự án đô thị bỏ hoang ở huyện Mê Linh khiến cho giá đất ở khu vực này mãi "bất động".

Nằm bất động nhiều năm, đất Mê Linh bất ngờ được hà hơi đẩy giá - Ảnh 1.

Thông tin sốt đất ở Mê Linh gần đây chủ yếu là do môi giới và đầu cơ lợi dụng những thông tin chưa chính thức về quy hoạch để thu hút nhà đầu tư, để thổi giá. Nhiều năm nay, hàng loạt dự án ở đây vẫn nằm bất động không triển khai, nhưng gần đây được tạo sóng, thổi giá.


"Giá nhà đất ở Mê Linh nhiều năm nay nằm "bất động" do nhiều lý do như những vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính phát sinh từ quá trình sáp nhập. Giá đất phân lô thuộc đất dự án đô thị chỉ từ 10 - 25 triệu đồng/m2 nhưng rất ít giao dịch dù so mức giá của chuyện giáp ranh như Đông Anh thì giá đất ở đây thấp hơn nhiều", ông Lê Công Thanh, giám đốc sàn BĐS ở Mê Linh cho biết.

Tuy nhiên, thời gian gần đây lại xuất hiện một số luồng thông tin về việc đất Mê Linh "tỉnh giấc" sau nhiều năm nằm "bất động" khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo đó, một số khu vực ở Mê Linh, điển hình như xã Tiền Phong đang chuẩn bị đón nhiều "ông lớn" BĐS vào đầu tư nên giá đất liên tục được thổi giá.

"Thông tin sốt đất ở Mê Linh gần đây chủ yếu là do môi giới và đầu cơ lợi dụng những thông tin chưa chính thức về quy hoạch để thu hút nhà đầu tư, để thổi giá. Nhiều năm nay, hàng loạt dự án ở đây vẫn nằm bất động không triển khai, nhưng gần đây được tạo sóng, thổi giá. Cụ thể, giá đất nền của một số dự án ở Tiền Phong từ 10 - 22 triệu đồng/m2, nay có nơi được thổi lên 20 - 38 triệu đồng/m2", ông Thanh cho biết.

Ở khía cạnh khác, chị Hoa, đại diện một sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn xã Tiền Phong cho biết mức tăng hiện nay chủ yếu do mua đi bán lại giữa các NĐT, không có hiện tượng nóng "sốt" như đồn thổi. Các giao dịch tại sàn chủ yếu là người dân địa phương mua đất thổ cư để ở: "Thị trường đất nền ở khu vực xã Tiền Phong từ tháng 4 đến giờ vẫn trầm lắng chứ không hề ‘sốt lại’ như đồn thổi. Thậm chí giá đất thổ cư còn có chiều hướng đi xuống và ít người mua hơn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh", chị Hoa nói.

Trong khi đó lãnh đạo xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) cũng khẳng định hai tháng trở lại đây tình trạng giao dịch BĐS trên địa bàn im ắng, không có tình trạng "sốt" đất như đồn thổi. UBND huyện Mê Linh đã có văn bản yêu cầu tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường BĐS trên địa bàn, để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.

BĐS Mê Linh thổi giá khó thành?

Theo đánh giá của giới kinh doanh, ngoài việc giới đầu cơ lợi dụng những thông tin chưa chính thức về quy hoạch để thu hút nhà đầu tư, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung dự án mới và xu hướng đầu tư vùng ven đô nên giá đất Mê Linh có sự khởi sắc. Nhưng việc phát triển của thị trường đất nền Mê Linh chỉ mang tính chất cục bộ bởi nó chỉ sôi nổi ở phân khúc đất thổ cư với nhu cầu ở thực của người dân.

Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực CLB Bất Động Sản Hà Nội cho rằng, với vị trí địa lý và giao thông hưởng lợi từ các tuyến đường như Nhật Tân – Nội Bài, Vành đai 3, Vành đai 4,…thì rõ ràng Mê Linh là khu vực có rất nhiều tiềm năng để thu hút các NĐT. Tuy nhiên, do hiện tại các dự án BĐS ở khu vực này chưa hoàn thiện kết cấu khung về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nên các NĐT ngắn hạn sẽ bỏ qua vì khả năng hồi vốn và sinh lời quá lâu.

Phân tích về thị trường BĐS Mê Linh, ông Việt, một người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực BĐS cho rằng, dù Mê Linh đang tập trung nhiều dự án đo thị, nhà ở nhưng hầu hết các đô thị ở đây không được quy hoạch các công trình tiện ích lớn như quảng trường, bệnh viện, trung tâm thương mại, sân vận động…, mà hầu hết chỉ quy hoạch đất ở với vài công trình tiện ích nhỏ, cục bộ như vườn hoa, đài phun nước, trường mẫu giáo… nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. "Chính vì thế, dù có nhiều dự án đô thị, nhà ở chưa được triển khai nhưng lâu nay Mê Linh được xem là khu vực đơn thuần chỉ là phép cộng của các khu dân cư, thiếu các công trình tiện ích xã hội là điều kiện cần và đủ của các khu đô thị đáng sống, thu hút cư dân", ông Việt phân tích.

Nằm bất động nhiều năm, đất Mê Linh bất ngờ được hà hơi đẩy giá - Ảnh 2.

Nhiều dự án khu đô thị, dự án nhà ở trên địa bàn huyện Mê Linh trở thành nơi chăn thả gia súc sau nhiều năm "đắp chiếu". (Ảnh: Minh Chiến)

Nói về nguyên nhân khiến BĐS Mê Linh "bất động" thời gian dài và khó có khả năng "tạo sóng", ông Việt nêu quan điểm: "Ngoài trục đường cầu Thăng Long, gắt kết giữa Mê Linh với Hà Nội thì các tuyến đường khớp nối với các trục hướng tâm Hà Nội này vẫn còn nằm trong quy hoạch. Theo quy hoạch, Mê Linh được kết nối trực tiếp với Hà Nội qua 2 cầu là Hồng Hà (đường Vành đai 4) và cầu Thượng Cát (đường Vành đai 3,5), nhưng vừa qua Hà Hội đã thông báo dừng triển khai 82 dự án BT trong đó có 2 dự án BT này. Vậy nên BĐS Mê Linh dù giới đầu cơ đang nỗ lực thổi giá nhưng khó thành và không còn cách nào khác lại phải tiếp tục chờ", ông Việt nhận định.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm dự án quy hoạch cả thập kỷ nhưng chậm triển khai, "ôm" đất bỏ hoang lãng phí. Trong đó, huyện Mê Linh là nơi có số dự án chậm triển khai nhiều nhất với 47 dự án bất động sản quy mô tới 10 - 100 ha/dự án, tổng diện tích khu dự án là gần 2.000 ha nhưng hơn chục năm nay vẫn trong tình trạng dở dang, gây lãng phí lớn tài nguyên.

Trong số 47 dự án nói trên có 4 dự án chậm triển khai hơn 10 năm, bị UBND TP Hà Nội yêu cầu thanh, kiểm tra, bao gồm: Dự án khu đô thị tại xã Tiền Phong rộng 94ha; Dự án Khu nhà ở Thanh Lâm của Công ty Thương mại và dịch vụ du lịch Phương Viên (xã Đại Thịnh, Thanh Lâm); Dự án Khu đô thị Việt Á của Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á (xã Thanh Lâm) và dự án Khu đô thị Cienco 5 của Công ty CP Xây dựng công trình 507 (xã Đại Thịnh)...

Theo Lộc Liên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên