Nam diễn viên được phong NSND ở tuổi 84: Từ người lính thành "ông nội quốc dân", vẫn khỏe mạnh, minh mẫn
Cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng nghệ sĩ Lê Đức Trung vẫn giữ được sức khỏe tốt, minh mẫn ở tuổi xưa nay hiếm.
- 28-11-2023Nữ Đại tá sắp được phong danh hiệu NSND là ai?
- 27-11-2023Cặp đôi nghệ sĩ sắp được phong NSND: Ước nguyện thành hiện thực thì vợ chồng âm dương cách biệt
- 27-11-2023Nam nghệ sĩ được phong NSND ở tuổi 49: Được tặng ô tô nhưng từ chối, không cưới vợ chỉ vì muốn có con
Mới đây, danh sách 77 nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân lần thứ 10 đã được công bố, trong đó có tên Nghệ sĩ ưu tú Lê Đức Trung. Như vậy, nam nghệ sĩ sẽ được phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 84.
Từ người lính thành ông nội quốc dân của màn ảnh
Nghệ sĩ ưu tú Lê Đức Trung sinh năm 1939 trong một gia đình bình dân. Trước khi đến với sân khấu, nghệ sĩ Lê Đức Trung từng là một người lính. Ông có tới 20 năm làm trong quân ngũ và 5 năm hoạt động tại Trường Sơn.
Vì vậy, ông được biết đến là một trong số ít nghệ sĩ có tác phong làm việc quy củ, kỷ luật và chuẩn mực, luôn nghiêm chỉnh về giờ giấc. Phong cách người lính tạo nên ở Lê Đức Trung một hình ảnh nghệ sĩ chín chắn, điềm đạm và cũng không kém phần ấm áp.
Năm 1979, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, nghệ sĩ Lê Đức Trung chuyển về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Ông là một trong những diễn viên gạo cội hoạt động tại Nhà hát Tuổi trẻ thời kỳ đầu tiên. Trước đó, ông từng gia nhập nghệ thuật Tổng cục Chính trị và hoạt động dưới vai trò nghệ sĩ kịch nói, sau đó lấn sân sang phim ảnh.
Phong cách diễn xuất của nghệ sĩ Lê Đức Trung đóng đinh với các vai chính diện, đòi hỏi sự chỉn chu, đĩnh đạc, hợp với tư chất vốn có trong ông. Khán giả ấn tượng nhiều hơn cả với Lê Đức Trung khi ông vào vai Bac Hồ trên cả sân khấu và màn ảnh. Ngoài ra, nam nghệ sĩ cũng ghi dấu sâu đậm với công chúng bởi loạt vai người ông, người cha hiền từ, nhân hậu. Ông còn được gọi là "ông nội quốc dân của màn ảnh Việt".
Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Lê Đức Trung dành nhiều tình cảm cho các vở kịch của Lưu Quang Vũ. Vì từng là người lính đi chiến trường, trải qua mất mát, đau khổ của chiến tranh nên ông cảm nhận rõ sức tác động mạnh mẽ, sự nâng đỡ tinh thần lớn lao từ những tác phẩm của Lưu Quang Vũ.
Nghệ sĩ Lê Đức Trung gắn bó với nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ trong suốt thời gian ở Nhà hát Tuổi trẻ như Lời thề thứ 9, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng, Sống mãi tuổi 17.
Tuổi 84 khỏe mạnh, bình yên
Sau khi nghỉ hưu tại Nhà hát Tuổi trẻ, nơi đã gắn bó cả sự nghiệp, nghệ sĩ Lê Đức Trung vẫn đứng lớp giảng dạy diễn xuất cho nhiều khóa diễn viên tại Hãng phim truyện. Ông coi công việc này như một niềm vui và khiến cuộc sống tuổi xế chiều thêm phần ý nghĩa, khi được truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ nghệ sĩ trẻ đi sau.
Ngoài giảng dạy, nghệ sĩ Lê Đức Trung còn tham gia đóng phim truyền hình. Gần đây nhất vào năm 2022, dù đã ở tuổi 83 nhưng nghệ sĩ Lê Đức Trung vẫn tham gia phim Hướng dương ngược nắng.
Ông vẫn nhiệt huyết dành cho nghề và không cảm thấy có khoảng cách với lớp diễn viên trẻ. Ông chia sẻ, vì cảm thấy nhân vật có dáng dấp giống mình ở ngoài nên nhận vai dù chỉ được nhận kịch bản 1 tuần trước khi bấm máy.
Dù phải làm việc với lớp diễn viên trẻ tuổi nhưng NSƯT Đức Trung cảm thấy bình thường. Ông tâm sự: "Tương tác giữa tôi và các diễn viên như NSND Thu Hà, NSND Mạnh Cường và các tài năng trẻ Hồng Đăng, Hồng Diễm, Việt Anh, Đình Tú, Lương Thu Trang, Quỳnh Nguyễn… rất tốt".
Cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng nghệ sĩ Lê Đức Trung vẫn giữ được sức khỏe tốt, minh mẫn ở tuổi xưa nay hiếm. Ông cũng biết cân đối để có cuộc sống bình yên. Ở tuổi 84, ông chủ yếu dành thời gian nghỉ ngơi, vui vầy bên vợ con. Con trai ông là diễn viên Lê Tuấn Anh của Nhà hát Tuổi trẻ.
Đặc biệt, dù Lê Đức Trung chuyên vào vai chính diện nhưng con trai ông lại gắn liền với loạt vai phản diện, giang hồ, bặm trợn.
Phụ nữ số