Năm Đinh Dậu có được phép cúng thịt gà?
Có nhiều quan điểm cho rằng vào năm Đinh Dậu không nên cúng gà vì đã là con gà thì không thắp hương gà nữa.
Sở dĩ tục lệ này có được là do bắt nguồn từ truyền thuyết từ xa xưa. Theo thần thoại của một số dân tộc Việt Nam, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra mặt đất, thấy lạnh lẽo, ẩm thấp, bèn sai mười mặt trời suốt ngày đêm chiếu sáng để sấy khô mặt đất. Nhưng đất đã khô trắng, nứt nẻ rồi mà Ngọc Hoàng quên không thu các mặt trời lại khiến con người và cây cỏ khốn đốn vì nắng hạn.
Có một chàng dũng sĩ giương cung tên bắn liên tiếp rụng 9 mặt trời. Mặt trời cuối cùng sợ hãi quá bay tít lên cao và trốn biệt không ló ra nữa. Mặt đất lại lạnh lẽo tối tăm. Con người và loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời. Chẳng con nào gọi được, cuối cùng chỉ có con gà trống khoẻ mạnh cất tiếng gáy vang lừng khiến mặt trời tò mò ngó xuống rồi quên cả sợ hãi hạ thấp dần độ cao, khiến mặt đất lại sáng bừng lên.
Đêm giao thừa (trừ tịch) là đêm trời đất tối tăm nhất, người ta bảo đó là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất. Nhà nhà bảo nhau cúng một con gà trống với hi vọng chú gà sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm, mang lại “mưa thuận gió hoà” của cư dân nông nghiệp. Gà cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, chưa đạp mái với ý nghĩa khoẻ mạnh, tinh khiết, chưa "vướng bụi trần" thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm.
Do vậy, con gà là biểu tượng của một nền văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nền nông nghiệp lúa nước. Lâu dần, cúng gà trống hoa thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam vào thời điểm giao thừa.
Tiêu chuẩn chọn gà cúng giao thừa
Gà để chọn cúng giao thừa phải là gà trống choai
Theo quan niệm dân gian, con gà trống hội tụ đủ 5 đức tính mẫu mực của một con người mà đặc biệt là người đàn ông cần có. Họ cúng gà trống là cầu mong con cháu sau này được hưởng những đức tính đó:
1. Văn: con gà trống có mào ở trên đỉnh đầu và hai cái mào ở dưới nhìn như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ ,biểu tượng cho văn.
2. Võ : cựa gà trống là vũ khí, biểu tượng cho võ.
3. Dũng : con gà trống chuồng luôn sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ đàn của mình và sẵn sàng chí tử, biểu tượng cho dũng khí.
4. Nhân : con gà trống đầu đàn mỗi khi được cho ăn thì luôn gọi bầy của mình đến rồi mới thủng thẳng ăn cùng mà không bao giờ ăn một mình, biểu tượng cho nhân.
5. Tín : con gà trống luôn gáy đúng theo canh giờ bất kể bốn mùa, biểu tượng cho tín.
Đó là ý nghĩa của việc tại sao ngày xưa các cụ chọn gà trống để cúng chứ không bao giờ chọn gà mái.
Gà cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, không tật lỗi, lông màu đỏ hay vàng đỏ, mào đơn thẳng đứng, mỏ vàng, chân vàng và đặc biệt phải chưa đạp mái…tượng trưng với ý nghĩa khoẻ mạnh, tinh khiết. Đó chính là ước mong “mưa thuận gió hoà” của cư dân nông nghiệp.
Năm Dậu có cúng gà hay thịt gà nữa không?
Hiện nay nhiều gia đình Việt Nam đã không làm nông nghiệp, câu chuyện gà gọi mặt trời không còn được nhiều người biết đến, mã văn hoá ấy bị mờ dần khiến cho người không hiểu. Thay vì cúng gà, người ta cúng bằng một khổ thịt vai hay một cái chân giò.
Thậm chí, người ta còn dùng tư duy tư biện hiện đại để suy diễn rằng năm Tỵ thì không cúng gà vì rắn vồ gà, năm Dậu cũng không cúng gà vì đã là năm gà thì không cúng gà nữa.
Theo những nhà nghiên cứu văn hóa giân dan thì đó là những lí giải tư biện so với nghi lễ xưa. Những thứ cúng thay thế như miếng thịt lợn hay chân giò chỉ có ý nghĩa vật cúng mà không mang ý nghĩa văn hoá.
Cúng gà đêm giao thừa là một nét đẹp trong văn hoá Việt Nam, những thế hệ sau cần phải gìn giữ truyền thống có từ lâu đời này, không nên vì ảnh hưởng của thời cuộc làm mai một đi một nét đẹp trong phong tục dân tộc của Việt Nam.
Gia đình & Xã hội