MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nam Định: Ở vùng đất này dân trồng thứ cây tốt bời bời, bán được tất tần tật từ lá, hoa, hạt, mầm, củ

29-10-2020 - 21:25 PM | Thị trường

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao.

Hoa sen là một trong những cây hoa truyền thống của Việt Nam. Sen là loại cây dễ trồng và được khai thác sử dụng với nhiều mục đích như: lấy hoa trang trí, lá, củ, hạt làm thực phẩm, dược liệu. Trồng hoa sen còn tạo vẻ đẹp cho cảnh quan, thanh lọc môi trường...

Nam Định: Ở vùng đất này dân trồng thứ cây tốt bời bời, bán được tất tần tật từ lá, hoa, hạt, mầm, củ - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan mô hình trồng sen lấy củ tại xã Minh Tân (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Cây hoa sen có đặc điểm là cây dễ trồng, thích ứng cao với nhiều đồng đất tỉnh Nam Định. Trồng sen không mất quá nhiều thời gian chăm bón.

Hơn thế nữa, thời gian gần đây, nhu cầu tiêu dùng của người dân không chỉ dừng lại ở việc lấy hoa trang trí, dùng hạt làm thực phẩm mà còn tận dụng cả lá, củ, ngó… làm dược liệu nên cây sen được trồng phổ biến hơn.

Hiệu quả kinh tế từ trồng sen trên đất lúa kém 

Trước đây, sen trồng trong ao, đầm thì chỉ cần trồng một lần, hết vụ sen tàn rồi sang năm đúng tiết sen đâm chồi nảy lộc. Tuy nhiên để trồng sen kinh doanh, những người có kinh nghiệm thường chọn ao, đầm hoặc chân ruộng trũng tháo kiệt nước.

Người trồng sen vệ sinh ruộng, diệt mầm bệnh nấm, mốc và các loại sinh vật gây hại cho sen như ốc bươu vàng, cá rô phi để tạo môi trường cho sen sinh trưởng.

Trung tuần tháng 2 âm lịch, bắt đầu vào vụ trồng sen. Sen được ươm bằng hạt hoặc ngó, sau đó bón thêm phân NPK và tháo nước dần theo sức lớn của sen.

Chỉ sau 3 tháng, sen trổ hoa và cho đài lấy hạt. Thời gian thu hoạch hoa sen, đài sen, hạt sen khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, từ lúc trổ bông đến lúc sen tàn. Chỉ tính riêng thu nhập từ bán hạt sen, trung bình mỗi sào ruộng đã cho thu hoạch 1,5 đến 2 tạ hạt tươi, giá trị khoảng 5 triệu đồng.

Ngoài ra, tiền bán hoa, lá sen, ngó sen cũng mang lại nguồn lợi không nhỏ. Đặc biệt với những mô hình kết hợp trồng sen và nuôi cá truyền thống còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vũ Văn Phong, xã Yên Dương (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã có thâm niên trồng sen trên 10 năm nay cho biết: gia đình tôi có 3 mẫu ruộng trồng cả sen trắng và sen hồng. Sen trắng chủ yếu lấy hoa, còn sen hồng để lấy hạt.

Hoa sen bán tại đầm giá dao động từ 15-20 nghìn đồng/chục bông; hạt sen tươi loại bánh tẻ giá bán 35 nghìn đồng/kg, sen già sẽ bán được giá khoảng 30-40 nghìn đồng/kg”.

Hết vụ thu hoa và hạt, ông Phong còn có thể tận thu ngó sen với mức giá 40-50 nghìn đồng/kg. Các bộ phận khác của cây sen như đài sen, lá sen cũng thường xuyên được các tiểu thương, người dân trong vùng hỏi mua.

"Trung bình mỗi vụ gia đình tôi thu về vài chục triệu đồng, cao gấp gần 10 lần trồng lúa mà không vất vả như làm lúa. Ngoài thu nhập từ sen, tôi thả thêm cá truyền thống, mỗi vụ cũng có thêm 2 tấn cá thịt chất lượng cao bởi cá nuôi trong đầm sen tự tìm thức ăn từ sinh vật phù du, lá sen mục và hoa, nhị, gạo sen rụng xuống đầm khi kết hạt...", ông Phong cho hay.

Anh Đặng Đình Nam, xóm Bói, xã Mỹ Thịnh (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) hiện chỉ trồng 2 sào ao sen. Khác với các hộ trồng sen kinh doanh, anh trồng với mục đích làm sạch nguồn nước trước khi dẫn về cho các ao nuôi cá thịt, cá cảnh nhưng cũng mang thêm nguồn thu không nhỏ.

Anh cho biết: Vì diện tích trồng sen nhỏ nên tôi chăm chút cảnh quan đầm sen, tạo không gian đẹp giữa ao nuôi cá cảnh và đầm sen nên thu hút không ít du khách đến tham quan.

“Một công ba việc”, mỗi vụ trồng sen tôi cũng thu được hàng chục triệu đồng từ bán hoa sen, bán hạt sen, tiền dịch vụ cho khách tham quan; quan trọng nhất là đàn cá thịt, cá cảnh có môi trường thuận lợi để phát triển”.

“Tiếng lành đồn xa”, hiệu quả kinh tế từ việc trồng sen được phổ biến và nông dân nhiều nơi trong tỉnh Nam Định học tập mô hình mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương.

Nhiều hợp tác xã như hợp tác xã dịch vụ thương mại Minh Tân, xã Minh Tân (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định); hợp tác xã Hải Quang (huyện Hải Hậu) đã thành lập được các tổ đội sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen để cung ứng ra thị trường.

Để nghề trồng sen phát triển bền vững

Diện tích trồng sen nhanh chóng mở rộng song vẫn chỉ phát triển tự phát. Do vậy, việc lựa chọn giống, quy trình chăm bón, xử lý sâu bệnh vẫn hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm.

Thêm vào đó, thị trường chưa ổn định và sản phẩm của cây sen vẫn ở dạng thô, chưa qua chế biến. Đa số người dân trồng sen chỉ với mục đích lấy hoa và lấy hạt, do đó chỉ sản xuất được 1 vụ/năm nên chưa phát huy hết hiệu quả kinh tế…

Cây sen là cây trồng tiềm năng song hiện phát triển chưa tương xứng với lợi thế của tỉnh Nam Định. Để hỗ trợ người dân phát triển trồng sen bền vững, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ người dân xã Minh Tân (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng vùng đất trũng từ trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất sen và các sản phẩm từ cây sen theo chuỗi giá trị tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định”.

Triển khai dự án, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả; Trung tâm Tài nguyên Thực vật, Viện Khoa học và kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng mô hình.

Theo đó, 2 giống sen được chọn trồng trên đất Vụ Bản là sen lấy hạt (sen Mặt bằng, sen Tây Hồ) và sen lấy củ (sen Oga, sen Kanasumi của Nhật Bản). Với hai loại sen này, các hộ dân được hướng dẫn 6 quy trình công nghệ từ nhân giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm.

Dự án đã hỗ trợ hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ Nông nghiệp Minh Tân xây dựng các mô hình trên tổng diện tích 5.000m2 nhân giống sen; 40 nghìn m2 sản xuất sen lấy củ, lấy hạt và mô hình thu hái sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản sản phẩm sen.

Thêm vào đó là một dây chuyền chế biến củ sen, hạt sen theo công nghệ mới có công suất 0,5-1 tấn/tuần. Sau 2 năm triển khai, đến nay, trung bình 1ha trồng sen đã cho thu hoạch 1,5-2 tấn hạt; 0,2-0,3 tấn ngó sen, 0,1-0,2 tấn tâm sen; 4-5 tấn củ sen.

Tất cả các sản phẩm thu hoạch đều có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn để chế biến quy mô công nghiệp. Hiện tại sản phẩm từ cây sen của hợp tác xã đã được Công ty TNHH Địa Mỹ (Hà Nội) là doanh nghiệp đầu mối thu mua sản phẩm để tiêu thụ.

Ngoài ra UBND huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) đã có phương án hỗ trợ người dân trồng sen đưa sản phẩm bày bán, giới thiệu tại khu vực chợ trung tâm, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm và khu du lịch tâm linh trên địa bàn. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đang tiếp tục hướng dẫn hợp tác xã xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ để sản phẩm phát triển ổn định./.

Theo Nguyễn Hương

Báo Nam Định

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên