"Nấm mồ đá" chứa thi thể người di cư: Thỏi nam châm chết chóc
Tội phạm buôn người bán giấc mơ cho các nạn nhân nhưng đa phần tất cả những gì họ nhận là cái chết.
Theo báo The Guardian (Anh), tình trạng người di cư ồ ạt đến TP Calais - Pháp để đến Anh diễn ra trong suốt hơn một thập kỷ. Thậm chí, kể cả khi các trại di cư ở Calais đóng cửa hồi năm 2016, hàng trăm người di cư vẫn bám trụ lại thành phố cảng này để tìm cách trốn lên các chuyến xe sang Anh.
Đến Anh bằng mọi giá
Một người di cư Sudan tên Mohamed chia sẻ ông rời đất nước năm 2015 và được hưởng quy chế tị nạn ở xã Varennes-sur-Allier - Pháp vào năm 2017, những người như ông biết ơn nước Pháp vì đã bảo vệ họ. Dù vậy, ông nhấn mạnh hệ thống di cư của quốc gia này dường như còn nhiều vấn đề. "Các khóa đào tạo được phân chia thiếu công bằng. Một số người được đào tạo tiếng Pháp 4-5 khóa/năm nhưng nhiều người chẳng nhận được khóa nào" - ông Mohamed khẳng định.
Không giống ở Pháp hay Đức, người tị nạn đến Anh được cấp ngay quy chế tị nạn cùng nhiều khoản trợ cấp. Sau khi ở Anh được hơn 1 năm, họ có thể nộp đơn xin giấy phép lao động. Dù vậy, họ vẫn có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm mà chẳng cần giấy phép do "nền kinh tế đen" ở Anh có giá trị ước tính 103 tỉ USD/năm, gấp 4 lần ở Pháp.
Tại Anh, những người không đủ khả năng chi trả lương thực được cấp 93 USD/tuần/vợ chồng; bà mẹ/ông bố đơn thân trên 18 tuổi là 56 USD/tuần và người độc thân trên 18 tuổi là 47 USD/tuần. Những người trong độ tuổi 16-18 được cấp 52 USD/tuần, người dưới 16 tuổi là 68 USD/tuần. "Ở Anh, tôi được cấp chỗ ở rất nhanh chóng" - một người đàn ông đến từ Syria, chỉ được tiết lộ là Fadi, chia sẻ với BBC.
Người dân thắp nến tưởng niệm 39 nạn nhân thiệt mạng trong container hôm 24-10 Ảnh: AP
Kết thúc bằng... cái chết
Vào năm 2000, cộng đồng quốc tế từng rúng động trước vụ việc 58 người di cư trái phép Trung Quốc chết ngạt trong một chiếc xe tải được phát hiện ở cảng Dover, hạt Kent - Anh. Những băng nhóm buôn người bán lời hứa hẹn về cuộc sống tươi đẹp cho người di cư trái phép với giá 18.000 USD hoặc hơn nếu họ sống sót.
Theo Cơ quan Phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA), lượng người di cư trái phép đến Anh bằng xe tải và container đã gia tăng vào năm ngoái. Cơ quan này cũng cảnh báo vào tháng 5 rằng những kẻ buôn người đang sử dụng những phương pháp rủi ro hơn để đưa người di cư đến Anh. "Tội phạm buôn người là những kẻ cần phải ngăn chặn. Chúng bán giấc mơ cho các nạn nhân nhưng đa phần tất cả những gì họ nhận được là cái chết" - luật sư di trú Harjap Bhangal khẳng định. Ông Bhangal đã có những mô tả gây sốc về một hành trình điển hình, nguy hiểm mà những người di cư trái phép phải đi qua. Họ phải đi qua những cánh rừng và bị nhốt trong những căn chòi gỗ, không có nhà vệ sinh và nhiều người trong số họ nhiễm bệnh. Những kẻ buôn người rất tàn bạo. Nếu làm chậm tiến trình, họ sẽ bị chúng giết.
Ahmad Al-Rashid, người di cư từ Syria đến Anh để trốn chạy chiến tranh, đã chia sẻ về chuyến đi kinh hoàng của mình vào năm 2015. Theo Al-Rashid, chuyến đi kéo dài 55 ngày từ Aleppo đến London và anh đã sống sót "nhờ phép mầu". "Tôi có thể đã thiệt mạng giống như họ. Tôi nghe tiếng họ gào thét, níu kéo sự sống trong vô vọng. Tôi cảm thấy may mắn vì mình sống sót. Những người kém may hơn, họ bỏ mạng trên hành trình" - Al-Rashid bày tỏ.
Thủ tướng Anh chia buồn
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 28-10 ghi sổ tang chia buồn, đồng thời cam kết trừng trị những kẻ liên quan đến cái chết của 39 người di cư được phát hiện bên trong thùng container tại hạt Essex. "Cả đất nước và cả thế giới bị sốc bởi thảm kịch này, cũng như sự nghiệt ngã của số phận mà những người vô tội hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đất nước này phải trải qua" - Thủ tướng Johnson viết trong sổ tang, theo báo The Metro.
Người Lao động