MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm nay không có tết

19-12-2016 - 14:38 PM | Thị trường

Chưa năm nào lũ chồng lũ lại khiến người dân miền Trung kiệt quệ như năm nay. Không ai nghĩ, đã gần Tết Nguyên đán mà lũ dữ vẫn còn “cướp cơm” của người nông dân. Thành quả một năm làm việc vất vả của bà con bỗng trôi theo dòng nước. Chưa thể thống kê cụ thể về thiệt hại, nhưng năm nay người dân vùng lũ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa... không còn tết.

“Không tết nhất gì nữa”

Mưa vẫn như thác đổ, làng rau và hoa thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc (TP. Tuy Hòa, Phú Yên) không bóng người. Không ai buồn ra xem ruộng rau, hoa của mình như thế nào. “Ra chi, làm được gì nữa, nhìn chỉ thêm đứt ruột mà thôi” - chị Châu Thị Kim Yến (43 tuổi, thôn Ngọc Phước 2) bủn rủn tay chân nói vậy.

Lịch sử chưa năm nào như năm nay, lũ đã khiến hàng vạn cây hoa và rau của hơn 250 hộ dân ở làng này nằm rạp, thối củ, rụng lá, dập nát... Đứng lặng người bên đám hoa lay ơn ngập ngụa nước, anh Nguyễn Văn Lưu (xã Bình Ngọc) thốt lên: “3 ngày tết chỉ có ngần này đây, giờ mất trắng hết, không cứu vãn được gì nữa, không tết nhất gì nữa”.

Anh Lưu mếu máo bảo nếu như cây cảnh, có chậu, còn di chuyển đâu đó được, còn cả đám to đùng như thế này thì... thua. Cũng như các đám hoa kế cận, hơn 1 sào hoa của anh Lưu ngâm 2 ngày, 1 đêm nước lũ.

“Mấy năm nước vào còn lần thôi. Vào tiếng đồng hồ là ra liền. Còn năm nay, 4 - 5 cây (lần), “uống nước” kiểu đó thì không có hoa nào chịu nổi” - anh Lưu vừa rầu rĩ vừa cố gắng dùng tay đào rãnh lay ơn cho nước thoát ra mương trong vô vọng.

Theo anh Lưu, chi phí đổ vào cây lay ơn rất cao. Trung bình một sào cũng phải mười mấy triệu đồng. “Nhìn chúng còn xanh là do có nước, chỉ cần nắng lên là rụi toàn bộ” - anh Lưu buồn bã và mong muốn chính quyền có hướng hỗ trợ phần nào cho người trồng hoa “vượt qua cái tết này”.

Chị Lê Thị Mến (xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa) có hơn 6 sào rau (xà lách, cải, tầng ô...) đón tết. Tất cả đều bị lũ “nuốt”. Chị bất giác hỏi tôi như người vô hồn: “Tôi đang tính mượn tiền tiêu tết, mà mượn ở đâu đây?”. Mấy chục năm sống nhờ vựa rau, chị Mến chưa từng thấy đợt lũ nào dữ dằn như vậy. Chị bảo rau đang có tiền, rồi tự hỏi mà rau đâu bán.

Nằm bên họng lũ, lại hứng lũ chồng lũ, làng hoa Hà Yến (xã An Thạch, huyện Tuy An) “chính thức” sạch trơn. Cách đây chưa đầy 1 tháng, chúng tôi đã đến đây và chứng kiến cảnh họ “giành giật” từng cây hoa tết với lũ dữ về dặm trên nền nhà, chờ nước rút mang ra trồng lại. Thế nhưng, lũ cũng “không tha”. Mức độ khủng khiếp của tai ương theo mô tả của ông Hồ Quang Hạnh (52 tuổi, thôn Hà Yến, xã An Thạch): “Người dân không ai nghĩ lại có một cơn lũ nữa “bồi” xuống đây. Cường độ không bằng cơn lũ trước đó nhưng quá “tê tái”. Toàn bộ số bông hoa tết “gầy” trồng lại tiêu hết. Đường sá tan tành. Nhà nào đợt lũ trước nước “đào” chưa sập thì giờ sập luôn”. Ông Hạnh nói: “Em có cách nào cứu được dân làng chúng tôi không”. Ước gì trước mặt ông không phải tôi mà là mạnh thường quân nào đó, thì ít ra tiếng cầu cứu đó không tan hút vào khoảng không.

Sang ngày mưa lũ thứ 4, anh Lê Văn Trên (xã Vĩnh Phương, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đội mưa dựng lại hàng rào, dăm gốc những cây khổ qua còn sót lại sau khi nước rút. “Hơn 2 sào dưa leo vừa đâm mầm tôi trồng cho vụ tết đã bị ngập trắng, giờ nước rút cây cũng không còn. Ruộng khổ qua hơn 1 sào này ở cao hơn, cũng bị ngập nửa ngày trời, tôi cố cứu từ sáng giờ nhưng chắc cũng chỉ vớt vát lại được khoảng 30%” - ông Trên cho biết.

Nhờ 3 sào đất thuê trồng màu tại xã Vĩnh Phương, mỗi vụ gia đình ông Trên trồng dưa leo, trồng khổ qua, đậu… thu hoạch ít cũng được trên 20 triệu đồng. Năm nay thời tiết vụ 1 thì nắng hạn nên không ăn thua, ông Trên cũng như nhiều gia đình dồn vốn xuống giống trồng vụ 2 phục vụ tết với hy vọng sẽ trúng lớn, nhưng: “Không nghĩ tháng 11 rồi mà Nha Trang vẫn có lũ, chẳng bình thường nên ai cũng thất vọng. Tay trắng coi như tết cũng buồn theo. Giờ thì chịu có xuống giống cũng không kịp nữa” - ông Trên lắc đầu.

Cùng chung cảnh trắng tay sau lũ, bà Nguyễn Thị Hoa (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) ra nhìn vườn kiệu sắp đến kỳ thu hoạch đang ngập sâu trong nước rơi nước mắt nói: “2ha kiệu cả công mấy tháng nay giờ coi như mất trắng. Tối 16, nước lũ ở đâu về ngập hết bãi. Nước ngập mấy ngày nay rồi vẫn không rút. Ngâm nước bạc thế này thì coi như vứt luôn chứ không ai thu nữa vì còn lo chạy lũ. Năm ngoái kiệu thất thu, năm nay tưởng vườn kiệu ít cũng được vài chục triệu gỡ lại ai ngờ sắp thu hoạch rồi mất trắng luôn” - chị Hoa nói.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh) cho biết, trận lũ từ ngày 16.12 đến nay đã khiến 30ha kiệu trên địa bàn cùng hàng trăm hécta thủy hải sản, lúa, hoa màu của bà con trong phường mất trắng. Nhiều điểm vẫn còn ngập trên 1m như tổ dân phố Nghĩa Bình… Thiệt hại đến thời điểm này chưa thể thống kê cụ thể, nhưng theo bà Thủy chắc chắn là rất nặng nề.

Khốn khổ vì rau củ “đội” giá ngất ngưởng

Đến thời điểm này nhiều địa phương trồng hoa màu trên địa bàn Khánh Hòa hầu như mất trắng vụ rau tết. Tại thôn Đức Lộc, xã Vĩnh Phương vựa rau của TP đã bị ngập úng hoàn toàn. Huyện Diên Khánh cũng trong tình trạng tương tự. Các loại rau ngắn ngày như dưa leo, đậu que, mùng tơi... được gieo trồng phục vụ Tết Nguyên đán đã bị ngập úng. Mưa ngập kéo dài rau hư hỏng khiến nhiều loại rau cũng trở nên khan hiếm, giá cả tăng gấp 3-4 lần, cá biệt có loại tăng 15 lần.

Chủ vựa rau Hoàng Lan (chợ Đầm, TP. Nha Trang) cho biết: “Cả tuần nay các loại rau nhà quê như: Mùng tơi, cải, rau quế… khan hiếm. Giá cả tăng từng ngày. Như rau cải các loại tăng từ 5.000 đồng/ bó lên 12.000 đồng/bó, rau quế từ 30.000 đồng/kg tăng lên 60.000 đồng/kg, ớt sừng từ 20 .000 đồng/kg tăng 100.000 đồng/kg… Các loại rau củ quả từ Đà Lạt chuyển về cũng tăng từ 10 - 20%”. Chị Thúy - chủ một đầu mối rau củ ở đường Nguyễn Thái Học (chợ Đầm, TP. Nha Trang) cũng than thở: “Cả tuần nay giành giật nhau từng mớ rau giá cắt cổ mà cũng không có. Rau muống tăng lên 12.000 đồng/bó, rau xà lách 45.000 đồng/kg… Để giữ khách bỏ mối cho các nhà hàng tôi phải lấy giá cao hơn bỏ thấp hơn mà vẫn phải chịu”.

Tại TP. Tuy Hòa (Phú Yên), người dân ra chợ cứ đứng loay hoay không dám mua gì vì đến rau cũng “đội” giá ngất ngưởng. Có người đi chợ về tay không hoặc không đủ “can đảm” mua sắm như mọi ngày. Lội một vòng trong chợ, chị Phan Thị Quyên (TP. Tuy Hòa) lè lưỡi: “Tôi mua có trái ớt xanh mà 10.000 đồng. Ngày thường chỉ có vài nghìn đồng mua được kha khá. Mấy hôm nay ra chợ cái gì cũng tăng giá, thật khủng khiếp”.

Tiểu thương Đặng Thị Hạnh, chợ Trần Phú (giao đường Nguyễn Tất Thành - Trần Phú) cho biết hầu hết các mặt hàng rau củ sau lũ đều tăng giá chóng mặt. “Do lũ thôi, chứ chúng tôi không muốn bán giá cao đâu. Hầu hết các vựa rau ở Phú Yên cung ứng vào chợ đều bị “cắt” hết, vì ngập, dập, úng hết rồi. Chúng tôi phải lấy rau củ từ Đà Lạt về bán. Rau củ Đà Lạt đắt đỏ một phần, phần đường xa, chi phí nhiều, chưa nói là rau củ trong lúc vận chuyển bị hư hỏng nặng nề”.

Còn tiểu thương Lê Thị Thu Hiền cho biết, nếu ngày thường, rau muống, cải cay chỉ 3.000 đồng/bó thì nay gấp đôi, hay mồng tơi bình thường 15.000 đồng/kg thì giờ “đội” 30.000 đồng/kg, hoặc xà lách 40.000 đồng/kg, nhất là ớt 120.000 đồng/kg (ngày thường chỉ vài chục nghìn đồng/kg). “Thương người dân lắm, nhưng nếu bán giá thấp, hoặc như ngày thường, chúng tôi chỉ còn cách dẹp quầy” - chị Hiền bất lực nói.

Nhiều vùng ở Quảng Ngãi hoang tàn sau lũ

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Ngãi, trong đợt mưa lũ lần này, riêng huyện Tư Nghĩa có 300.000 chậu hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2017 bị ngập úng nghiêm trọng. Về rau màu bị thiệt hại nặng nề với 947,5ha, trong đó huyện Đức Phổ có 367,5ha. Tỉnh Quảng Ngãi đã có kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 7 tỉ đồng để mua 250 tấn giống lúa, 20 tấn giống rau các loại nhằm hỗ trợ nhân dân sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017. Hỗ trợ 1.500 tấn gạo để kịp thời cứu trợ nhân dân vùng lũ... TRẦN HÓA

Theo Nhiệt Băng - Thanh Thúy

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên