Năm ngoái nhận thưởng 30 triệu, năm nay hội freelancer hụt hẫng, phải tiết kiệm sắm Tết trước nửa năm
Những bạn trẻ chuyển sang làm freelancer trong năm nay đang tập thích nghi với chuyện không còn thưởng Tết.
- 20-11-2023Cơ trưởng điển trai đi nghe hát “chốt” cưới cô ca sĩ: Giấu vợ chuyện bố mẹ ngăn cản, chi tiêu thoải mái sau kết hôn
- 19-11-2023Tốn 15 triệu/tháng để có những mâm cơm thật ngon: Quan điểm chi tiêu thú vị, không tiếc tiền ăn uống
- 06-11-2023Dân công sở "giải oan" cho khoản chi tiêu tưởng như lãng phí
Đối với những bạn mới chuyển sang làm freelancer năm nay, việc chi tiêu Tết sẽ là một bài toán khá rắc rối. Đặc biệt với những người có khoản thưởng Tết khá lớn khi còn làm văn phòng và không phải suy nghĩ quá nhiều về chuyện chi tiêu Tết. Vậy năm nay, trong quan điểm của những bạn trẻ đó, chuyện chi tiêu Tết đã thay đổi ra sao?
Nhiều xáo trộn trong khoản chi tiêu Tết so với thời còn đi làm văn phòng
Hạnh Chi (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng vì đặc thù của freelancer là không có thưởng Tết nên chi tiêu ngày cuối năm cũng cần thay đổi theo. “Trước đây khi làm văn phòng, mình nhận được thưởng Tết dù không phải quá cao nhưng cũng là một khoản kha khá để lo sắm Tết, biếu mẹ và vui chơi. Còn bây giờ không còn khoản này nữa, Tết sắp tới chắc chắn mình sẽ phải tiết kiệm hơn”.
Cô bạn chia sẻ rằng bản thân dự định sắm Tết năm nay ít hơn so với những năm trước. Ví dụ, trước đó, Hạnh Chi đặt hạn mức chi tiêu cho khoản mục chơi Tết 10 triệu, năm nay giảm xuống còn 6 triệu đồng. Những thứ “râu ria” như quần áo hay đồ “mua cho vui” không quá cần thiết, cô bạn sẽ không sắm thêm. Tuy nhiên, Hạnh Chi vẫn giữ nguyên khoản chi tiêu biếu Tết cho gia đình như những năm trước. Cô bạn cho rằng đây là dịp trong năm mọi người hướng về gia đình, do vậy có những khoản chi tiêu không thể cắt bỏ hay giảm đi.
Bên cạnh đó, Ngọc Ánh (25 tuổi, Hà Nội) năm trước làm văn phòng nhận thêm thưởng KPI và thưởng Tết nên lần cuối ting ting trước Tết âm cô bạn nhận tổng cộng 50 triệu đồng. “Thời điểm đó, không cần phải suy nghĩ về chuyện tiêu Tết bởi vì 1 người độc thân như mình, con số đó 30 triệu từ thưởng Tết là quá đủ để chi tiêu. Bởi vì cũng có thể dự đoán trước thưởng Tết nên mình không tiết kiệm gì thêm mà chi tiêu chủ yếu từ thưởng”.
Cụ thể, cô bạn biếu ông bà và bố mẹ khoảng 15 triệu đồng, lì xì cho các cháu 5 triệu, mua bánh kẹo và cây cảnh cho nhà khoảng 5 triệu, số tiền còn lại là để tụ tập bạn bè. Còn quần áo Tết, Ngọc Ánh mua trước từ sớm nên không cần phải suy nghĩ quá nhiều.
“Không có thưởng Tết nên mình cảm thấy khá bối rối trên khía cạnh tài chính. Mặc dù làm freelancer có lương trung bình hàng tháng cao hơn so với lúc làm văn phòng, bị mất một “cục” thưởng Tết vẫn khiến kế hoạch chi tiêu Tết của mình có nhiều xáo trộn”.
Nếu trước đó không phải suy nghĩ tính toán quá nhiều, năm nay từ tháng 9 Dương Lịch Ngọc Ánh đã lập tài khoản tiết kiệm online cho khoản chi tiêu Tết. Cô bạn làm freelancer theo dự án, mỗi khi hoàn tất sẽ được thưởng KPI. Ngoại trừ cố định gửi khoảng 5 triệu mỗi tháng vào tài khoản tiết kiệm Tết, Hạnh Chi cũng gửi toàn bộ tiền thưởng KPI vào đó.
Những áp lực ngày Tết khi là freelancer
Trong những ngày Tết, chắc hẳn hội freelancer cảm thấy áp lực nhất trong những câu hỏi là đang làm ngành nghề gì. “Chắc chắn mình sẽ bị “tra tấn” bởi loạt câu hỏi đó rồi nhưng mình không quá sợ vì khá tinh thần thép và không quá quan tâm mọi người nhận xét gì về bản thân. Với những câu hỏi như làm việc gì, mình sẽ vẫn trả lời lịch sự và thật sự ngắn gọn, không giải thích quá nhiều. Còn về câu hỏi thưởng Tết bao nhiêu, từ trước mình cũng không bao giờ trả lời và mình nghĩ không ai có nghĩa vụ phải trả lời. Trước đây mình cũng chỉ chia sẻ con số tiền thưởng Tết với gia đình. Bây giờ, mọi người đều hiểu mình đang làm freelancer nên năm nay sẽ không hỏi nữa”, Hạnh Chi chia sẻ.
Cũng giống như Hạnh Chi, Ngọc Ánh cho rằng những câu hỏi trò chuyện thông thường ngày Tết sẽ không tránh được việc hỏi làm nghề gì, lương tháng bao nhiêu, thưởng Tết thế nào. Cô bạn cho rằng bản thân không cần phải trả lời chi tiết. Chẳng hạn, thay vì trả lời là làm freelancer rất khó để những người thế hệ trước hình dung, Ngọc Ánh thường nói rằng bản thân đang làm trong lĩnh vực truyền thông, thời gian làm việc linh hoạt, lương và thưởng Tết đủ chi tiêu.
“Còn về tài chính thì mình không có quá nhiều áp lực vì đã chuẩn bị từ trước. Chỉ là sẽ có chút hụt hẫng vì cảm giác như trước công ty sẽ giúp mình giữ 1 khoản đến Tết thì bung ra còn bây giờ mình phải chuẩn bị từ từ. Ngoài ra, năm nay thu nhập của mình cũng tốt hơn, cao hơn 15-20% so với năm ngoái nên Tết cũng không có cảm thấy quá đau đầu vì tiền bạc”.
Freelancer nên tiết kiệm chuẩn bị Tết thế nào?
Ngọc Ánh chia sẻ rằng làm freelancer khác với khi còn đi làm văn phòng đó là thu nhập không ổn định. Ví dụ, Ngọc Ánh thường nhận nhận việc theo dự án, tức là có lúc sẽ rất nhiều dự án, có khi lại rất ít. Cô bạn cần một khoản tiết kiệm khẩn cấp lớn hơn mọi người rất nhiều nên không chỉ Tết mà hàng ngày cũng cần cẩn thận hơn rất nhiều trong chi tiêu.
“Mình dự định khoản tiền dành tặng cho gia đình vẫn sẽ như năm trước. Tuy nhiên, mua sắm quần áo mới, đi ăn uống với bạn bè, những khoản lặt vặt không tên như mua bao lì xì thật xinh hay đồ decor cành đào cây quất mình sẽ giảm xuống, tận dụng những món đồ từ năm cũ”.
Còn đối với Hạnh Chi, để có tiền lo cho những dịp như Tết, phần lớn freelancer chỉ có 1 cách duy nhất là tiết kiệm hàng tháng và kỷ luật với chính mình để tích lũy đủ theo hạn mức đã đặt ra. Cô bạn cũng định dùng tiền tiết kiệm tiêu Tết. Và khi tiêu vào tiền tiết kiệm chúng ta sẽ có tâm lý hơi tiếc một chút nên sẽ tự động “rén” chi tiêu lại.
Phụ nữ số