MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm Nhâm Dần, tìm hiểu về những nhân vật nổi tiếng “cầm tinh con Hổ”

02-02-2022 - 10:18 AM | Tài chính quốc tế

Năm Nhâm Dần, tìm hiểu về những nhân vật nổi tiếng “cầm tinh con Hổ”

Đặc điểm nổi bật của tuổi Dần là lòng dũng cảm, tính cạnh tranh và sự khó lường. Cực kỳ ghét phải tuân thủ mệnh lệnh và không hài lòng với quyền lực của người khác, họ chọn làm lãnh đạo hoặc kẻ nổi loạn.

Theo quan niệm của phương Đông, Hổ tượng trưng cho sức mạnh và là biểu tượng bảo vệ cuộc sống con người. Người tuổi Dần có tính cách của những nhà lãnh đạo mạnh mẽ.

Người sinh năm Dần có sức mạnh và sự quyết liệt giống như Hổ. Lòng can đảm khiến họ được tôn trọng, ngay cả với những kẻ chống đối họ. Mong muốn làm điều gì đó khác thường là động lực lớn nhất của tuổi Dần và đó là một trong những lý do thường có nhiều nhà tư tưởng, người chủ trương cải cách và nhà thám hiểm sinh là người sinh năm Dần.

Người sinh năm Dần cũng thường trở thành những anh hùng, cứu vớt nạn nhân khỏi tai nạn hoặc thảm họa. Nếu đứng trong hàng ngũ nhân viên, họ có thể tỏ ra bướng bỉnh và cố chấp. Ở vị trí lãnh đạo, họ có thể là một ông chủ khó tính, dù biết động viên khuyến khích cấp dưới.

Dưới đây là một số nhân vật nổi tiếng trên thế giới sinh năm Dần.

Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị (1926 – Bính Dần)

Elizabeth II (tên thật là Elizabeth Alexandra Mary) hay Elizabeth Đệ Nhị, sinh ngày 21/4/1926, là Nữ vương Vương quốc Anh và 15 quốc gia trong khối Vương quốc Thịnh vượng chung. Về lý thuyết quyền lực của bà rất lớn, tuy nhiên, trên thực tế theo quy ước, bà hiếm khi can dự vào các vấn đề chính trị do nước Anh đã là nền quân chủ lập hiến.

Bà Elizabeth trở thành Nữ vương của Anh Quốc, Canada, Australia, New Zealand, Nam Phi và Ceylon sau khi cha của bà, Quốc vương George VI, qua đời vào ngày 6/2/1952. Trong suốt thời gian trị vì, tới nay gần 70 năm, bà chứng kiến nhiều sự thay đổi, trong đó có sự suy tàn của Đế quốc Anh và sự phát triển tiếp đó của Khối Thịnh vượng chung Anh.

Sau khi các nước thuộc địa giành được độc lập khỏi Vương quốc Anh, bà trở thành Nữ vương của một số quốc gia mới độc lập. Bà cũng là người đã từng trị vì 32 quốc gia riêng biệt, nhưng hiện nay một nửa trong số đó đã trở thành nước cộng hòa.

Nữ hoàng Elizabeth II hiện là người nắm giữ vương quyền lâu nhất Vương quốc Anh (gần 70 năm), lâu hơn Nữ vương Victoria (63 năm, 216 ngày) và Quốc vương George III (59 năm, 96 ngày).

Fidel Castro (1926 - Bính Dần)

Fidel Alejandro Castro Ruz, sinh ngày 13/8/1926, là nhà cách mạng và chính trị gia người Cuba, một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Cách mạng Cuba, Thủ tướng Cuba từ tháng 2/1959 - 12/1976 và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba đến khi ông từ chức tháng 2/2008.

Ông là người cùng thời với những nhà lãnh đạo nổi tiếng như Che Guevara, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nelson Mandela…

Ông sinh ra trong gia đình giàu có và có bằng đại học luật. Khi học tập ở Đại học La Habana, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị và trở thành một nhân vật được biết đến trong chính giới Cuba.

Ông Fidel Castro lên nắm quyền lực sau thắng lợi của cuộc cách mạng Cuba, lật đổ chế độ Fulgencio Batista và một thời gian ngắn sau đó ông trở thành Thủ tướng Cuba. Năm 1976, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cũng như Hội đồng Bộ trưởng.

Ngày 18/2/2008, ông Fidel Castro tuyên bố ý định thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng tư lệnh quân đội Cuba. Ông mất ngày 25/11/2016.

Ellen Johnson Sirleaf (1938 - Mậu Dần)

Bà Ellen Johnson Sirleaf, sinh ngày 29/10/1938, là Tổng thống Liberia thứ 24. Bà từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính dưới thời Tổng thống William Tolbert từ năm 1979 đến cuộc đảo chính năm 1980, sau đó bà rời Liberia và giữ những vị trí cấp cao tại các tổ chức tài chính khác nhau.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1997, bà xếp thứ hai nhưng cách rất xa ứng cử viên thứ nhất. Sau đó, bà được bầu làm Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2005 (thắng cựu danh thủ George Weah) và nhậm chức ngày 16/1/2006. Bà Sirleaf là nữ Tổng thống dân cử đầu tiên ở châu Phi.

Được mệnh danh là “Người đàn bà gan thép”, bà Sirleaf được quốc tế đánh giá rất cao về những nỗ lực nhằm tái thiết một đất nước bị tàn phá nặng nề sau 14 năm nội chiến.

Bà Sirleaf cùng với Leymah Roberta và Tawakkul Karman giành được giải Nobel Hòa bình năm 2011 “vì cho cuộc đấu tranh bất bạo động cho sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ với sự tham gia đầy đủ trong công tác xây dựng hòa bình”.

Hiện nay bà cũng là thành viên của Hội đồng Phụ nữ lãnh đạo thế giới.

Narendra Damodardas Modi -1950 (Canh Dần)

Ông Narendra Modi (sinh ngày 17/9/1950) là Thủ tướng thứ 15 của Ấn Độ. Ông là thủ lĩnh của Đảng Bharatiya Janata (Đảng Nhân dân).

Ông Modi từng là chiến lược gia chủ chốt của đảng Bharatiya Janata trong các chiến dịch bầu cử tại bang Gujarat vào năm 1995 và 1998. Ông trở thành Thủ hiến bang Gujarat vào tháng 10/2001. Ông cũng là nhân vật chính trong tổng tuyển cử năm 2009, trong đó Liên minh của đảng Bharatiya Janata thất bại trước Liên minh của đảng Quốc đại. Ông lãnh đạo đảng Bharatiya Janata trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014, kết quả là đảng của ông giành được đa số ghế trong Lok Sabha (Hạ viện).

Ông được ca ngợi vì các chính sách kinh tế của ông tạo ra môi trường cho tăng trưởng kinh tế ở mức cao tại Gujarat. Ông Modi là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới theo tạp chí Forbes (tính đến năm 2018).

Nicolás Maduro Moros - 1962 (Nhâm Dần)

Ông Nicolas Maduro, sinh ngày 23/11/962 ở Caracas, là đương kim Tổng thống Venezuela. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela từ năm 2006.

Xuất thân là tài xế xe buýt, ông Maduro là đại diện công đoàn của những người lao động thuộc hệ thống xe buýt công cộng Caracas Metro trong những năm 1970-1980. Thời điểm đó, công đoàn của Metro chưa được phép hoạt động, do vậy, hoạt động của ông được xem như là khởi đầu cho Phong trào Công đoàn của Metro Caracas.

Ông Maduro được coi là một trong những người sáng lập của Phong trào Cộng hòa thứ năm. Ông là Chủ tịch Hội đồng cơ quan lập pháp từ năm 2005 cho đến nửa đầu năm 2006, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào ngày 9/8/2006.

Tháng 10/2012, ông Maduro được bổ nhiệm là Phó Tổng thống trong chính quyền Hugo Chavez.

Ông Maduro trở thành Tổng thống Venezuela sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời năm 2013. Nhiệm kỳ của ông Maduro chứng kiến sự bùng phát khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ, với lạm phát phi mã, khan hiếm hàng hóa, khủng hoảng cả kinh tế và chính trị.

Âm mưu đảo chính lật đổ ông Maduro tháng 4/2019 không nhận được sự ủng hộ của quân đội và đã thất bại./.

Theo Hoàng Phạm

VOV

Trở lên trên