Năm nhóm giải pháp phục hồi kinh tế
Các chuyên gia cho rằng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phải có phạm vi đủ rộng, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài.
- 28-11-2021Giải mã nguyên nhân khiến giá thành xe sản xuất tại Việt Nam cao hơn 10 - 20% so với Thái Lan, Indonesia...?
- 28-11-2021Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT trình chương trình phục hồi, phát triển kinh tế trước ngày 30/11
- 27-11-2021Chuyên gia VNDIRECT: Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ 9% dân số sở hữu ô tô năm 2025, tương đương mức hiện tại của Ấn Độ và Phillipines
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã hoàn thành dự thảo đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 trình Chính phủ cho ý kiến thông qua, trước khi trình các cấp có thẩm quyền. Theo dự kiến, cuộc họp chuyên đề của Quốc hội vào tháng 12 tới cũng sẽ xem xét nội dung này.
Bảo đảm cân đối vĩ mô
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết dự thảo đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 do bộ xây dựng gồm 5 nhóm giải pháp chính.
Nhóm giải pháp thứ nhất là về phòng chống dịch bệnh và y tế. Theo ông Phương, nhóm giải pháp này sẽ bám sát Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". "Giải pháp này cần đến kinh phí và đều được thể hiện trong gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch, nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đây là nhiệm vụ hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện các nhóm giải pháp khác" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Nhóm giải pháp thứ hai là về an sinh xã hội. Nhóm giải pháp này được nghiên cứu, mở rộng thêm nhiều đối tượng bị ảnh hưởng như công nhân trong các khu công nghiệp với các giải pháp phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân; cho vay ưu đãi với đối tượng như học sinh - sinh viên, cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời, tạo điều kiện cho những lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế có nơi ăn ở, sinh hoạt bảo đảm cuộc sống lâu dài.
Doanh nghiệp đang rất cần các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về nguồn vốn Ảnh: DŨNG MINH
Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong chương trình phục hồi sẽ tập trung chủ yếu vào các giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế phí, lệ phí như đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Đối với chính sách tiền tệ, sẽ có các giải pháp về cho vay ưu đãi, cho vay thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển.
Nhóm giải pháp tiếp theo đóng vai trò rất quan trọng là thúc đẩy tiến độ đầu tư công. Theo đánh giá của ông Trần Quốc Phương, giải pháp này có ý nghĩa "kép" - vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời trong giai đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng vừa có ý nghĩa lâu dài là tạo ra các kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế.
Cuối cùng là nhóm giải pháp về quản lý điều hành, bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định và kiểm soát rủi ro.
Huy động mọi nguồn lực
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng quy mô chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế phải đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp. Bên cạnh đó, phải bảo đảm các yếu tố kinh tế vĩ mô, cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ cho cả cung và cầu của nền kinh tế.
"Cần thực hiện linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Ngoài ra, chương trình phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả nợ của nền kinh tế" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, có thể xem xét việc tăng bội chi ngân sách, nới nợ công và tiết kiệm chi thường xuyên. Ngoài ra, có thể sử dụng một phần từ dự trữ ngoại hối. Một điểm đáng lưu ý được TS Võ Trí Thành đề cập là tạo thêm nguồn lực từ việc cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. "Chương trình phục hồi kinh tế phải có quy mô đủ lớn, diện bao phủ đủ rộng, thời gian đủ dài, ít nhất là 2 năm 2022-2023. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ cho một số lĩnh vực trọng điểm, sức lan tỏa lớn đối với nền kinh tế" - TS Võ Trí Thành nói.
Đồng tình với giải pháp thúc đẩy đầu tư công như Bộ KH-ĐT đề xuất, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến đầu tư công, làm động lực quan trọng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Vừa qua, việc giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm, có nhiều nguyên nhân đã được cơ quan hữu quan chỉ ra. "Thời gian tới, cần hạn chế đầu tư dàn trải, nên xem xét cắt giảm các dự án chưa cần thiết để tập trung vốn đầu tư cho một số dự án quan trọng, triển khai nhanh chóng để sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả cho nền kinh tế" - ông Thịnh đề xuất.
Tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 6%-6,5%
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết theo kịch bản của Bộ KH-ĐT, nếu chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế được thực hiện và triển khai nhanh thì Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6%-6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng cao hơn trong năm 2023. Về động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, theo ông Phương, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ vẫn là 3 trọng tâm kích hoạt tăng trưởng.
Người lao động