Nam sinh 11 tuổi ngã cầu thang bị chấn thương, nhà trường bỗng bị tòa án gửi giấy triệu tập: Công nghệ cao vào cuộc phục vụ điều tra
Cho rằng nhà trường không đảm bảo được an toàn cho con trai của mình, người cha Trung Quốc đã kiện nhà trường ra tòa.
- 03-05-2024Ông cụ 95 tuổi đến ngân hàng rút 1 tỷ đồng từ tài khoản của người vợ quá cố nhưng bị nhân viên từ chối, vài ngày sau bỗng nhận được giấy triệu tập của tòa án
- 27-04-2024Bán 1 căn hộ cho khách với giá 6,6 tỷ đồng, sau một thời gian, ban quản lý chung cư bất ngờ bị tòa án gửi giấy triệu tập
- 16-04-2024Vợ qua đời, cụ ông 95 tuổi đến ngân hàng rút sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng thì ngã ngửa vì “không có quyền thừa kế”: Tòa án phán quyết bất ngờ
Trường học luôn được xem là nơi an toàn cho học sinh. Thế nhưng đã có nhiều trường hợp ghi nhận việc “ngôi nhà thứ 2” lại là nơi xảy ra một số sự việc không mong muốn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của các em học sinh. Vậy trong trường hợp này, trách nhiệm thuộc về ai? Đây là câu hỏi luôn được đặt ra sau những sự cố hy hữu xảy ra ở trường học nhưng để tìm được câu trả lời còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Trường hợp dưới đây là một ví dụ.
Theo trang 163.com, gần đây vào ngày 10 tháng 5, Tòa án Nhân dân Cấp cao tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cũng đã đưa ra phán quyết cuối cùng cho một vụ kiện giữa phụ huynh và nhà trường, liên quan đến sự việc học sinh lớp 6 bị ngã chấn thương ngay tại trường THCS trong địa bàn.
Theo đó, sự việc này xảy ra vào đầu năm 2024. Theo lời kể của giáo viên và học sinh có mặt, sau khi kết thúc giờ học, các bạn học sinh xếp hàng đi xuống cầu thang để ra về thì Tiểu Từ - em học sinh đứng cuối hàng vô tình ngã, bị chấn thương nặng ở vùng miệng và gây chảy máu. Lúc đó, giáo viên chủ nhiệm của Tiểu Từ đã lập tức đưa em đến bệnh viện để kiểm tra, đồng thời liên lạc với phía gia đình để thông báo. Kết quả chẩn đoán tại bệnh viện cho thấy Tiểu Từ bị gãy một chiếc răng, phần môi bị bầm tím và trầy xước khá nặng.
Bố của Tiểu Từ cho rằng trong trường hợp này, nhà trường đã không đảm bảo được an toàn cho học sinh, tức là con trai ông. Vì vậy, ông bố này đã khởi kiện và yêu cầu nhà trường phải chịu chi phí y tế ban đầu là 633 NDT (hơn 2,2 triệu đồng) và các chi phí điều trị tiếp theo. Đồng thời bồi thường các tổn thất khác như chi phí đi lại, chi phí nghỉ việc của phụ huynh và phí tổn thất tinh thần của học sinh, tổng cộng là 80.000 NDT (hơn 281 triệu đồng).
Trước tòa, đại diện nhà trường phủ nhận trách nghiệm trong sự việc này và cho rằng nguyên nhân tai nạn này là do sự bất cẩn của học sinh. Nhà trường cho biết họ đã thường xuyên cảnh báo học sinh về vấn đề an toàn trong trường học. Đồng thời nhiều lần nhấn mạnh luôn nhắc nhở học sinh “đi theo hàng, không nô đùa khi lên xuống cầu thang” trong nội quy của nhà trường.
Ngoài ra, đại diện nhà trường cũng đưa ra các bằng chứng chứng minh các cơ sở vật chất của trường cũng như cầu thang đều đáp ứng yêu cầu về thiết kế và chất lượng. Do đó, đây không phải nguyên nhân khiến học sinh Tiểu Từ bị chấn thương.
Để làm rõ sự việc, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Cấp cao tỉnh Giang Tô đã khám nghiệm nơi xảy ra vụ việc và sử dụng công nghệ VR (Virtual Reality) để khôi phục hiện trường. Trong quá trình xét xử, tòa án cho rằng trọng tâm mâu thuẫn trong vụ án này là liệu nhà trường có lỗi hay không.
Theo Điều 1200 Bộ luật Dân sự nước này, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự bị thương tích khi đang học tập tại trường học, cơ sở giáo dục mà nhà trường, cơ sở giáo dục không thực hiện trách nhiệm giáo dục, quản lý thì phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Trong trường hợp này, theo kết quả và bằng chứng kiểm tra tại chỗ của tòa án, việc Tiểu Từ bị ngã và bị thương không phải do vấn đề về cơ sở vật chất, cũng không phải do lỗi của nhà trường. Bởi qua kiểm tra, họ đánh giá đơn vị giáo dục này đã thực hiện tốt công tác giáo dục về việc giữ an toàn cho học sinh tại trường học. Không những thế, cầu thang nơi xảy ra sự việc cũng được nhà trường thiết kế đạt chuẩn an toàn, có vạch vàng - đen rõ ràng ở hai bên trái phải và nhiều biển cảnh báo nguy hiểm bắt mắt được dán trên nhiều bậc thang và tường.
Ngoài ra, sau khi Tiểu Từ bị thương, nhà trường đã kịp thời thông báo cho phụ huynh, đưa học sinh đến gặp bác sĩ kịp thời và hợp tác với tòa án để điều tra vụ việc. Từ những bằng chứng cụ thể đó, có thể thấy sự việc này chỉ là tai nạn ngoài mong muốn. Phía nhà trường đã làm hết sức mình trong công tác giáo dục và quản lý nên không chịu trách nhiệm pháp lý khi sự việc phát sinh. Do đó, tòa án cũng đã bác bỏ đơn kiện của nguyên đơn là bố của học sinh Tiểu Từ.
Qua sự việc này, thẩm phán cho rằng việc nhà trường đẩy mạnh việc phối hợp với gia đình trong công tác quản lý, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh là điều vô cùng cần thiết. Bởi điều này cũng giúp cha mẹ học sinh thấy rõ trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ biết cách phòng, tránh nguy cơ mất an toàn cho bản thân. Có như vậy, môi trường học tập của học sinh mới an toàn hơn và có thể phòng tránh được những trường hợp không mong muốn như trên xảy ra.
(Theo 163.com)