MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm ‘sóng gió’ của xã hội Trung Quốc chưa đến hồi kết: Không chỉ showbiz và ngành gia sư hứng ‘địa chấn’, một cơn khủng hoảng khác tưởng xa vời lại đang ập đến

29-12-2021 - 10:10 AM | Tài chính quốc tế

Năm ‘sóng gió’ của xã hội Trung Quốc chưa đến hồi kết: Không chỉ showbiz và ngành gia sư hứng ‘địa chấn’, một cơn khủng hoảng khác tưởng xa vời lại đang ập đến

Khi Covid-19 tiếp tục “làm mưa làm gió” trên khắp thế giới, xã hội Trung Quốc năm 2021 cũng có những chấn động không hề nhỏ.

Cho dù đó là sự thay đổi lớn của chính phủ, của xã hội hay tình thế tiến thoái lưỡng nan đang rình rập, những vấn đề quan trọng nổi bật ở Trung Quốc năm 2021 gần như vẫn sẽ là tâm điểm chú ý trong năm 2022.

Giống như mọi nơi trên thế giới, đại dịch Covid-19 là một bóng đen bao trùm xã hội Trung Quốc. Trong khi nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus và tránh đối mặt với sự tàn phá nghiêm trọng về sức khoẻ và hệ thống y tế, Trung Quốc cũng đặt ra những quy định cực nghiêm ngặt, bao gồm cả hạn chế xuất nhập cảnh. Và những thay đổi lớn trong xã hội Trung Quốc đã xảy ra giữa bối cảnh đó.

"Trấn áp" người nổi tiếng và văn hoá người hâm mộ

Mùa hè năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã xoá bỏ thứ được cho là văn hoá độc hại của những người nổi tiếng. Mặc dù không có liên kết trực tiếp nào được đưa ra, công cuộc chấn chỉnh được thực hiện một cách cứng rắn sau cáo buộc tội hiếp dâm của ngôi sao đình đám Ngô Diệc Phàm. Ngô Diệc Phàm từng là ngôi sao nổi tiếng nhất Trung Quốc trước khi bị bắt giữ vì tình nghi hiếp dâm trẻ vị thành niên cùng nhiều tội trạng khác.

Năm ‘sóng gió’ của xã hội Trung Quốc chưa đến hồi kết: Không chỉ showbiz và ngành gia sư hứng ‘địa chấn’, một cơn khủng hoảng khác tưởng xa vời lại đang ập đến - Ảnh 1.

Ngô Diệc Phàm từng là một trong những ngôi sao đình đám giới giải trí Trung Quốc

Các ngôi sao dính bê bối lớn khác còn có Trịnh Sảng, người bị phạt nộp thuế 49 triệu USD và Trương Triết Hạn, người bị tiêu tan sự nghiệp khi những bức ảnh anh xuất hiện bên ngoài đền Yasukuni gây tranh cãi ở Nhật Bản.

Cuộc "trấn áp" không chỉ giới hạn với các nghệ sĩ giải trí, những ngôi sao livestream cũng trở thành mục tiêu. Một ví dụ nổi bật nhất đó là Vi Á, một trong những người có tầm ảnh hưởng đến thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, đã bị phạt 210 triệu USD vì trốn thuế.

Không chỉ những người nổi tiếng bị cho là có hành vi không chuẩn mực, những người hâm mộ cũng rơi vào tầm ngắm. Các nhà chức trách cho rằng người hâm mộ đang tạo ra một nền văn hoá hỗn loạn và sùng bái thần tượng quá mức.

Vào tháng 8, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành 10 biện pháp chấn chỉnh sự hỗn loạn trong văn hoá hâm mộ thần tượng của cộng đồng fan. Các biện pháp bao gồm kiểm duyệt các nhóm người hâm mộ để ngăn chặn các "cuộc chiến", hủy bỏ các danh sách xếp hạng người nổi tiếng và đặt trách nhiệm lên những người nổi tiếng nhiều hơn trong việc quản lý cộng đồng người hâm mộ của họ trên mạng.

Cải cách giáo dục

Năm ‘sóng gió’ của xã hội Trung Quốc chưa đến hồi kết: Không chỉ showbiz và ngành gia sư hứng ‘địa chấn’, một cơn khủng hoảng khác tưởng xa vời lại đang ập đến - Ảnh 2.

Trung Quốc đã thực hiện chấn chỉnh mạnh tay việc dạy và học thêm. Ảnh: Getty Images

Vào tháng 7, Quốc vụ viện, Cơ quan hành chính hàng đầu của Trung Quốc, đã đưa ra hàng loạt quy định nhằm tới việc dạy và học thêm. Động thái này giống như cơn địa chấn ập đến với ngành công nghiệp dạy thêm.

Lý do cho những cải cách là để giảm bớt áp lực cho học sinh Trung Quốc, vốn nổi tiếng với việc học hành khắc nghiệt. Các quan chức cũng muốn quản lý ngành công nghiệp dạy gia sư mà nhiều phụ huynh đồng tình rằng đã vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn hơn của phụ huynh là nguyên nhân gây áp lực lên việc học tập, ví dụ như các kỳ thi vào trường đại học, vẫn không thay đổi. Điều này có nghĩa là học sinh chỉ đang đi trên con đường khó khăn hơn để vượt qua các kỳ thi.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học rình rập

Năm ‘sóng gió’ của xã hội Trung Quốc chưa đến hồi kết: Không chỉ showbiz và ngành gia sư hứng ‘địa chấn’, một cơn khủng hoảng khác tưởng xa vời lại đang ập đến - Ảnh 3.

Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Ảnh: Getty Images.

Già hoá dân số và tỷ lệ sinh thấp tưởng chừng là một vấn đề còn xa, đột nhiên lại gõ cửa Trung Quốc vào năm 2021.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục là 8,52 ca sinh trên 1000 người vào năm 2020. Dữ liệu vùng cho thấy tỷ lệ này còn giảm tiếp vào năm 2021.

Các nhà chức trách đã phản ứng bằng việc phê duyệt chính sách 3 con vào tháng 8, tăng so với giới hạn 2 con được phê duyệt năm 2016. Đáp lại chính sách này là sự "thinh lặng" vì nhiều cặp vợ chồng không sinh con do chi phí đắt đỏ để trang trải cho gia đình.

Tỷ lệ sinh thấp làm gia tăng một thực tế là Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một quốc gia già cỗi. Trung Quốc có 13,5% số dân trên 65 tuổi, ít hơn Mỹ (16%), nhưng nhiều hơn đáng kể so với nền kinh tế châu Á đang phát triển khác như Indonesia (6,3%).

Số dân cao tuổi tăng sẽ gây áp lực lên hệ thống lương hưu của Trung Quốc. Đồng thời, sự sụt giảm của người trưởng thành trong độ tuổi lao động sẽ làm chậm nền kinh tế của nước này.

Chống lại bạo lực giới

Năm ‘sóng gió’ của xã hội Trung Quốc chưa đến hồi kết: Không chỉ showbiz và ngành gia sư hứng ‘địa chấn’, một cơn khủng hoảng khác tưởng xa vời lại đang ập đến - Ảnh 4.

Vụ sát hại vlogger nổi tiếng Lhamo đã làm dấy lên vấn nạn bạo lực gia đình ở Trung Quốc. Ảnh: Douyin

Bạo lực gia đình là vấn đề tồn tại từ lâu trong xã hội Trung Quốc. Những gì xảy ra trong xã hội Trung Quốc năm 2021 cho thấy càng nhiều phụ nữ không còn muốn chịu đựng bạo lực.

Những vụ án nghiêm trong, chẳng hạn như một người phụ nữ chạy bộ buổi sáng bị sát hại, hay một người phụ nữ bị chồng thiêu sống, là những vụ án "cảnh tỉnh" xã hội Trung Quốc về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ.

Tình trạng bạo lực giới này xảy ra khá thường xuyên trong năm 2021, dẫn đến những hành động không khoan nhượng của chính phủ đối với bạo lực gia đình. Vào năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã thông qua luật chống bạo lực gia đình. Song, các nhà phê bình nói rằng luật này hầu như không thay đổi được thực tế.

Điều đáng buồn là đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng bạo lực giới trên toàn thế giới, trong đó có Trung Quốc, khi phụ nữ bị cô lập với những kẻ lạm dụng họ.

Những người đàn ông buộc trở lại "hình tượng nam tính"

Năm ‘sóng gió’ của xã hội Trung Quốc chưa đến hồi kết: Không chỉ showbiz và ngành gia sư hứng ‘địa chấn’, một cơn khủng hoảng khác tưởng xa vời lại đang ập đến - Ảnh 5.

Chính quyền Trung Quốc vào năm 2021 đã cấm những người đàn ông có vẻ ngoài ẻo lả. Ảnh: Getty Images

Khi lướt qua những sao nam quyến rũ nhất Trung Quốc, hình ảnh người đàn ông ăn mặc chải chuốt, đôi khi đeo khuyên tai, thường xuyên trang điểm đậm và một số người thậm chí trông rất "ẻo lả".

Phong cách K-pop này đã giúp các nam nghệ sĩ thu hút hàng triệu người hâm mộ và trở nên giàu có. Tuy nhiên, cơ quan quản lý truyền thông hàng đầu Trung Quốc tháng 9 đã tuyên bố rằng họ muốn giảm bớt sức ảnh hưởng của những người đàn ông "ẻo lả".

Về cơ bản, các cơ quan quản lý muốn chấn chỉnh bất cứ người nổi tiếng nào không phù hợp với tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống của "nam nhi". Vào năm 2021, việc thúc đẩy sự nam tính đã dần được đưa vào trường học khi Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra kế hoạch "nuôi dưỡng sự nam tính". Các chuyên gia về giới cho rằng việc Trung Quốc quá tập trung vào vai trò giới có thể gây hại đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em trai.

Tham khảo SCMP


Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên