MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nắm thông tin thanh toán của bạn, công ty fintech được các ngân hàng sáng lập có tỷ suất sinh lời còn "khủng" hơn cả NAPAS

25-12-2020 - 11:41 AM | Doanh nghiệp

Nắm thông tin thanh toán của bạn, công ty fintech được các ngân hàng sáng lập có tỷ suất sinh lời còn "khủng" hơn cả NAPAS

PCB hiện là công ty tư nhân duy nhất cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng khách hàng, cổ đông của họ là 10 ngân hàng và CRIF - một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Ai đang nắm thông tin về khả năng thanh toán của bạn, bất kể bạn là cá nhân, công ty hay tổ chức?

Thực tế những dữ liệu này được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Chúng được tổng hợp và cung cấp cho các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ các quyết định liên quan đến việc cấp tín dụng. Thông tin về tình trạng trả nợ của khách hàng cho phép TCTD đưa ra quyết định tốt hơn và khách quan hơn một cách nhanh chóng.

Tại Việt Nam, hệ thống thông tin tín dụng bao gồm hai đơn vị: Trung tâm thông tin tín dụng công (CIC) và Công ty thông tin tín dụng tư (PCB) với mục tiêu khác nhau.

CIC hoạt động vì an toàn và ổn định của hệ thống ngân hàng, trong khi PCB hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, trên cơ sở cung cầu thị trường và lợi ích của những bên tham gia, sử dụng thông tin.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung vào PCB, đang là công ty thông tin tín dụng tư nhân duy nhất tại Việt Nam. PCB được thành lập từ năm 2007 với cổ đông sáng lập là 11 ngân hàng dựa trên ý tưởng về một tổ chức thu thập thông tin tin cậy để ra các quyết định cấp tín dụng cũng như quản lý rủi ro tín dụng. Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, vài trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tuy nhiên tỷ lệ ít trong số này có giao dịch với TCTD, đây là tiềm năng khai thác lớn cho PCB.

Nắm thông tin thanh toán của bạn, công ty fintech được các ngân hàng sáng lập có tỷ suất sinh lời còn khủng hơn cả NAPAS - Ảnh 1.

Ngoài 11 ngân hàng sáng lập, năm 2010, CRIF (một trong 4 nhà cung cấp lớn nhất thế giới về giải pháp tài chính) trở thành cổ đông chiến lược của PCB, đồng thời chuyển giao kỹ thuật vận hành.

Cơ cấu cổ đông mới nhất của PCB cho thấy việc CRIF đang sở hữu 53,1% trên 120 tỷ đồng vốn điều lệ, 10 ngân hàng khác chia nhau phần còn lại sau khi DongA Bank thoái vốn.

Tăng trưởng doanh thu của PCB là hết sức ấn tượng trong những năm qua. Năm ngoái, họ đem về 189 tỷ đồng, tăng 89%; lợi nhuận ròng 89 tỷ đồng, tăng 82%. Tỷ suất sinh lời trên doanh thu 47%.

Nắm thông tin thanh toán của bạn, công ty fintech được các ngân hàng sáng lập có tỷ suất sinh lời còn khủng hơn cả NAPAS - Ảnh 2.

Điều này đến từ tăng trưởng số lượng chủ thể thông tin tại Việt Nam, năm 2020 đạt 45 triệu (theo dữ liệu của CIC). Trong những năm gần đây, PCB cũng liên tục cho ra mắt các sản phẩm mới, bao gồm: Benchmarking Report (2018), No Hit Score (2019), Fraud Evolution và Fraud Score (2020). Đây là những cơ sở để tin tưởng rằng, PCB thực sự là một "gà đẻ trứng vàng" trong ngành kinh doanh tiềm năng lớn mà lại chưa có nhiều đối thủ.

CIC, dù không đặt lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu trong hoạt động của mình, trung tâm này dường như cũng đạt hiệu quả rất ấn tượng. Trong giai đoạn 2017 - 2019, đơn vị này lần lượt xếp hạng 298, 198 và 209 trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đối chiếu với các doanh nghiệp cùng thứ hạng, mức thuế thu nhập doanh nghiệp mà CIC thực nộp trong những năm gần đây xấp xỉ 100 tỷ đồng/năm.
Nắm thông tin thanh toán của bạn, công ty fintech được các ngân hàng sáng lập có tỷ suất sinh lời còn khủng hơn cả NAPAS - Ảnh 4.

Tăng trưởng số lượng chủ thể thông tin thanh toán (Nguồn: CIC)

Bên cạnh PCB, các ngân hàng thương mại Việt Nam còn cùng nhau thành lập nên CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - một doanh nghiệp có vai trò trọng yếu trong lĩnh vực thanh toán liên ngân hàng cũng như có kết quả kinh doanh rất ấn tượng. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước là cổ đông chính nắm hơn 49% vốn của NAPAS.

Năm 2019, NAPAS đạt 2.239 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 631 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 41% và 58%. NAPAS hiện là đơn vị độc quyền cung cấp dịch vụ hạ tầng thanh toán chuyển mạch và bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ tại Việt Nam.

Theo giới thiệu, NAPAS đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông mạng lưới 18.600 máy ATM, 261.000 máy POS, trên 100 triệu thẻ của 48 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. Công ty đồng thời cung cấp dịch vụ cổng thanh toán điện tử kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ công, các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực hãng hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác cho người dân.

Trong một chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó TGĐ NAPAS cho biết hệ thống NAPAS hiện xử lý trung bình 2,8 triệu giao dịch/ngày với giá trị đạt 21.000 tỷ đồng.

Nắm thông tin thanh toán của bạn, công ty fintech được các ngân hàng sáng lập có tỷ suất sinh lời còn khủng hơn cả NAPAS - Ảnh 5.

Trong thời gian tới, NAPAS cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng thực hiện chuyển đổi, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 75 triệu thẻ nội địa từ thẻ từ sang công nghệ chip an toàn, bảo mật, thông suốt theo đúng yêu cầu của NHNN đặt ra từ nay đến hết 2021.

Theo Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 vừa được Thủ tướng ban hành đầu năm nay, sẽ cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện được cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân, doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến các đối thủ mới phá vỡ thế độc quyền hiện tại của NAPAS.

Đông A

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên