Nắm trong tay đất vàng Lý Thường Kiệt, giấy Tissue, TCT Giấy Việt Nam vẫn loay hoay vì thiếu vốn đầu tư
Tổng công ty Giấy Việt Nam đang gồng mình tiếp tục giải quyết tồn đọng, đồng thời những dự án trọng điểm có khả năng tạo đà tăng trưởng chưa thực hiện được khiến con đường phát triển trở nên chông chênh.
Nhiều nhiệm vụ không hoàn thành trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn 1
Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) nhìn nhận trong giai đoạn tái cơ cấu 2013-2015 các chỉ tiêu kinh tế đều không đạt kế hoạch.
Cụ thể, tổng công ty có các dự án đầu tư lớn, quan trọng có thể tạo đà tăng trưởng như dự án đầu tư dây chuyền sản xuất giấy bao bì 100.000 tấn/năm tại Bãi Bằng, dự án nhà máy giấy Tissue 40.000 tấn/năm, dự án xây dựng tòa nhà 25A Lý Thường Kiệt. Các dự án này đều chưa thực hiện do tổng công ty phải tập trung giải quyết tồn tại của dự án nhà máy bột giấy Phương Nam và tồn đọng của dự án Bãi Bằng giai đoạn II, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp.
Mặt khác, mô hình tổ chức nhân sự của tổng công ty còn cồng kềnh, trong khi hội nhập kinh tế thế giới, thị trường giấy cạnh tranh ngày càng quyết liệt, giá cả đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm giấy liên tục giảm. Những yếu tố đó khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2013-2015 của tổng công ty gặp nhiều khó khăn, sản xuất, tiêu thụ giảm sút, nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như sản lượng, doanh thu và lợi nhuận không đạt kế hoạch.
Doanh thu hợp nhất giai đoạn 2013-2015 của tổng công ty giảm dần từ 3.456 tỷ đồng xuống 2.879 tỷ đồng, lãi sau thuế từ 85 tỷ xuống lỗ 33,8 tỷ đồng. Tổng công ty lý giải nguyên nhân thua lỗ năm 2015 do trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính vào các công ty liên kết và các khoản công nợ phải thu khó đòi.
Đến năm 2017, doanh thu của tổng công ty tiếp tục giảm nhưng lợi nhuận cải thiện đáng kể đạt 151,6 tỷ đồng nhờ chi phí tài chính cùng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm mạnh.
Kết quả kinh doanh hợp nhất giai đoạn 2013-2017
Thoái vốn gặp khó
Về công tác thoái vốn, tổng công ty mới hoàn thành xong thoái vốn tại 8 đơn vị với tổng số tiền thu về 119 tỷ đồng, tăng 37,53 tỷ so giá trị đầu tư ban đầu 81,56 tỷ đồng. Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015, tổng công ty cần cổ phần hóa 4 đơn vị nhưng thực tế chỉ hoàn thiện 1 đơn vị là Công ty Vận tải và Chế biến Lâm sản.
Việc thoái vốn CTCP Tập đoàn Tân Mai vào năm 2014 có 3 nhà đầu tư tham gia nhưng chỉ 1 nhà đầu tư mua cổ phần với khối lượng rất nhỏ. Tổng công ty phải thực hiện đấu giá bán cổ phần lần 2, dù giá giảm 10% nhưng thất bại.
Tổng công ty cho biết các năm gần đây Tập đoàn Tân Mai xử lý các khoản nợ và tái cơ cấu lại các dự án sản xuất kinh doanh, đã bù hết lỗ lũy kế. Do vậy, tổng công ty dự kiến 2019-2021 sẽ đưa Tân Mai lên UPCoM để tiếp tục thoái vốn.
Việc thoái vốn tại CTCP Giấy BBP cũng khó thực hiện do liên tục thua lỗ, tổng công ty đang phối hợp với các cổ đông của đơn vị hoàn thiện phương án đưa nhà máy hoạt động trở lại và xem xét thoái vốn vào thời điểm thích hợp dự kiến 2020-2021.
Đến cuối năm 2017, tổng công ty có 22 công ty hạch toán phục thuộc, 1 đơn vị sự nghiệp, 2 công ty con sở hữu 100% vốn và 10 đơn vị liên doanh liên kết.
Nhiệm vụ nặng nề cho tái cơ cấu giai đoạn 2 từ 2018-2020
Theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2018-2020, tổng công ty phải giảm số lượng đơn vị hạch toán phụ thuộc giảm từ 22 về 9 đơn vị. Cụ thể, tổng công ty chấm dứt hoạt động của Công ty chế biến và Xuất nhập khẩu dăm mảnh do kinh doanh liên tục thua lỗ, Nhà nước có chính sách hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô và công ty cũng đã hết thời hạn thuê đất cảng Quảng Ninh; giải thể chi nhánh tại Hà Nội, sáp nhập các công ty lâm nghiệp trên cùng một địa bàn thành công ty lâm nghiệp.
Về công ty con, tổng công ty đã trình Bộ Công Thương xin chủ trương cổ phần hóa Công ty TNHH MTV nguyên liệu giấy Miền Nam và dự kiến thực hiện trong năm 2019-2020. Đồng thời, tổng công ty sẽ thực hiện thoái vốn tại 10 công ty liên kết và đầu tư khác trong 2018-2021 nhằm tập trung nguồn lực cho đầu tư sản xuất giấy in, giấy viết tại Bãi Bằng, giấy Tissue tại sông Đuống và đầu tư sản xuất lâm nghiệp.
Danh sách đơn vị liên kết và đầu tư khác cần thoái vốn
Sau tái cơ cấu tổng công ty sẽ có 6 đơn vị sản xuất và dịch vụ, sáp nhập Xí nghiệp Dịch vụ và Xí nghiệp Vận tải lấy tên là Xí nghiệp Vận tải và Dịch vụ, thành lập mới Nhà máy chế biến gỗ.
Giai đoạn 2018-2020, Vinapaco đề ra nhiệm vụ tăng trưởng doanh thu từ 2.261 tỷ lên 2.502 tỷ đồng, lợi nhuận cũng dần cải thiện từ 61,5 tỷ lên 103 tỷ đồng.
Tổng tài sản tăng từ 2.719 tỷ lên 3.822 tỷ đồng, tăng 40%. Trong đó, tốc độ tăng của tài sản ngắn hạn thấp hơn tốc độ tăng của tài sản dài hạn, tiến đến tỷ trọng từ 57:43 thành 50:50.
Mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2018-2020 là đưa tổng công ty trở thành một tổng công ty có quy mô lớn trong nước, phát triển bền vững, có vị thế thương hiệu mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cao.
Ngoài ra, tổng công ty vẫn phải tiếp tục xử lý dứt điểm dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam để kịp thời cổ phần hóa vào năm 2019 hoặc 2020. Theo lộ trình tổng công ty phải cổ phần hóa năm 2018 nhưng đã xin Bộ Công Thương cho lùi lại.
Người đồng hành