Năm "vui buồn lẫn lộn" của Tổng thống Biden
Tổng thống Joe Biden trấn an người dân rằng nước Mỹ đang đi đúng hướng trong nỗ lực đối phó với các thách thức lớn, từ đại dịch Covid-19 cho đến lạm phát
- 14-01-2022Tổng thống Joe Biden tăng cường nhân sự của FED ngay trước thềm đợt tăng lãi suất đầu tiên
- 02-01-2022Phố Wall ‘bùng nổ’ thế nào trong năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden?
- 17-12-2021Tổng thống Biden cảnh báo về "mùa đông chết chóc"
Cách đây 1 năm, ông Joe Biden lên nắm quyền với nỗ lực hàn gắn đất nước và kiểm soát đại dịch Covid-19 tại Mỹ. Giờ đây, dù những thách thức này vẫn còn đó, nhà lãnh đạo Mỹ nhận định bản thân đã đạt được một số thành tựu trong năm đầu tiên ở Nhà Trắng.
"Đó là một năm đầy thử thách nhưng cũng là một năm đạt được nhiều tiến bộ" - Tổng thống Mỹ đánh giá trong phần phát biểu mở đầu cuộc họp báo kéo dài gần 2 giờ hôm 19-1.
Theo đài NHK (Nhật Bản), chính quyền ông Biden cho đến hiện giờ đã tiêm 500 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho người dân và 75% dân số được tiêm ít nhất một mũi.
Dù vậy, sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao đem đến những thách thức mới trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Mỹ. Một thành tựu khác là đạo luật hạ tầng 1.200 tỉ USD nhưng vẫn còn nhiều kế hoạch tham vọng khác của ông chủ Nhà Trắng bị "mắc kẹt" tại quốc hội.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 19-1Ảnh: Reuters
Ông Biden cũng đề cập đến nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế, giảm tỉ lệ thất nghiệp và tạo ra khoảng 6 triệu việc làm cho người dân Mỹ, con số nhiều nhất mà một tổng thống Mỹ làm được trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Ngoài ra, các gói kích thích của chính phủ đang giúp kích cầu.
Vấn đề là đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến lực lượng lao động, từ đó gây ra không ít gián đoạn trong chuỗi cung ứng tại Mỹ.
Về đối ngoại, ông Biden đối mặt chỉ trích sau khi 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng chỉ ít ngày trước khi nước này rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8-2021. Nhiều người dân Mỹ xem sự trở lại của phong trào Taliban là một đe dọa đối với an ninh đất nước.
Kết quả thăm dò dư luận của trang RealClearPolitics cho thấy ông Biden vào Nhà Trắng với tỉ lệ ủng hộ 56%. Giờ đây, con số mới nhất trong tháng 1-2022 là 40,9%, mức thấp nhất kể từ khi ông nắm quyền. Ngay cả khi ông Biden khẳng định "không tin các cuộc thăm dò", sự sụt giảm trên cũng phần nào cho thấy nhà lãnh đạo này sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn khi bước vào năm thứ 2 của nhiệm kỳ.
Chẳng hạn như Tổng thống Mỹ thừa nhận đã đánh giá thấp sự phản đối "kiên quyết" của đảng Cộng hòa đối với các chính sách ông theo đuổi.
Theo ông Biden, một ưu tiên lập pháp của mình - gói chi tiêu kinh tế, xã hội gọi là "Xây dựng lại tốt hơn" - gần như không qua được "ải" quốc hội nếu không có sự thay đổi. Trước mắt, ông hy vọng có thể thuyết phục các nhà lập pháp thông qua được phần lớn nội dung dự luật 1.750 tỉ USD này.
Ông Biden cũng nói đến "sự thất vọng và mệt mỏi" về dịch Covid-19 nhưng trấn an người dân rằng đất nước đang đi đúng hướng trong nỗ lực đối phó với các thách thức lớn, từ đại dịch cho đến lạm phát.
Đối mặt một loạt khủng hoảng trong và ngoài nước, không gì lạ khi ông Biden tuyên bố sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận trong năm nay. Sau khi trải qua phần lớn thời gian tại Nhà Trắng hoặc ở nhà riêng trong năm đầu tiên nắm quyền, ông Biden bày tỏ mong muốn ra ngoài nhiều hơn để trò chuyện với người dân.
Nhà lãnh đạo này cũng nói đến kế hoạch tham gia nhiều hơn vào nỗ lực tranh cử của các thành viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay. Theo đài CNN, dịch bệnh khiến Tổng thống Mỹ ít đến các bang trong nước cũng như công du nước ngoài thời gian qua.
Bài toán lạm phát
Lạm phát tăng cao là một nội dung được quan tâm nhiều tại cuộc họp báo của Tổng thống Biden trong bối cảnh cử tri Mỹ nghi ngờ khả năng giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng và giá cả tăng vọt của chính quyền hiện nay.
Trong nỗ lực trấn an người dân, theo đài CNBC, ông Biden đã cam kết kiểm soát lạm phát, đồng thời ủng hộ kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm giảm quy mô các gói kích thích kinh tế và chống lạm phát. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng công bố kế hoạch thúc đẩy kinh tế và giúp kiểm soát lạm phát, gồm chỉnh sửa chuỗi cung ứng, thúc đẩy sự cạnh tranh và thông qua dự luật "Xây dựng lại tốt hơn".
Theo số liệu mới đây của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 12-2021 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng cao nhất kể từ năm 1982. "Đối với câu hỏi quan trọng là liệu thu nhập có theo kịp lạm phát hay không, chỉ hơn 1/3 người tiêu dùng được hỏi cho rằng có thể" - các chuyên gia phân tích kinh tế của Công ty Dịch vụ đầu tư Wells Fargo Securities (Mỹ) cho biết.
Không chỉ Mỹ, phần lớn nền kinh tế phát triển khác cũng đang đối mặt tình trạng lạm phát leo thang, qua đó nêu bật sự gia tăng về giá năng lượng trên toàn cầu và những khó khăn liên quan đến chuỗi cung ứng.
Tại Canada, CPI trong tháng 12-2021 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước đó, mức nhanh nhất kể từ năm 1991. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp lạm phát tại Canada vượt quá phạm vi mục tiêu 1%-3% mà Ngân hàng Trung ương nước này đề ra. Tình hình này có thể thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Canada tăng lãi suất, sớm nhất là trong tuần tới.
Tháng 12-2021 cũng chứng kiến CPI ở Anh tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong gần 30 năm qua. Diễn biến này đang gây sức ép lên Ngân hàng Trung ương Anh trong việc tăng lãi suất thêm lần nữa vào tháng tới.
Xuân Mai
Người Lao động