Nan giải chuyện vốn dự án Vành đai 3 và 4
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương cần đặc biệt quan tâm để lập tức đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư 76 km còn lại của Vành đai 3 khoảng 83.000 tỉ đồng, tức mỗi km hơn 1.000 tỉ đồng là quá cao.
Tại buổi làm việc với Tp.HCM về tình hình triển khai dự án đường vành đai 3 và 4 ngày 29/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh dự án Vành đai 3 và 4 rất quan trọng nên các bộ, ngành và địa phương phải tập trung cao độ, chủ động thực hiện vì tiến độ đến nay còn quá chậm.
Báo cáo về tiến độ đường Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết đường Vành đai 3 là tuyến đường huyết mạch không chỉ giúp kinh tế TP HCM phát triển mà còn cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần sớm hoàn thành để phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tp.HCM, khi tiếp nhận hồ sơ từ Ban Quản lý Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), các địa phương đánh giá việc đầu tư dự án này theo hình thức đối tác công tư (PPP) không khả thi vì theo quy định, vốn nhà nước chỉ góp không quá 50%, còn lại là doanh nghiệp mà kinh phí xây dựng Vành đai 3 quá lớn, thời gian thu hồi vốn đến 28-29 năm, khó thu hút nhà đầu tư.
Vành đai 3 Tp.HCM dài hơn 90 km chạy qua Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó, hiện chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đi qua Bình Dương, dài hơn 15 km đầu tư hoàn thành với 6 làn xe. Ngoài ra, trên đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch hiện dự án thành phần 1A, dài 8,75 km từ Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây (Tp.Thủ Đức), dùng vốn ODA sắp khởi công.
Tổng chiều dài các đoạn còn lại khoảng 76 km, được nghiên cứu khi hoàn thiện sẽ có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/giờ và đường song hành hai bên. Giai đoạn một, dự án ước tính tổng mức đầu tư hơn 83.000 tỉ đồng, xây dựng trước 4 làn trên tuyến chính và đường song hành hai bên. Việc giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện từ giai đoạn này theo quy mô hoàn chỉnh, tổng kinh phí gần 47.000 tỉ đồng.
Cùng với Tp.HCM, các tỉnh, thành có đường Vành đai 3 đi qua đã có văn bản đề xuất Chính phủ hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh để xây dựng đường Vành đai 3 bởi dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề cả 4 địa phương. Trường hợp vốn ngân sách Trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, các địa phương đề xuất Trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng. Riêng phần xây lắp các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế.
Với dự án Vành đai 4, tuyến đường được quy hoạch dài gần 200 km, đi qua Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện trên tuyến có một số đoạn ngắn đã được địa phương đầu tư nhưng không liên tục. Đơn cử như Bình Dương đã đầu tư khoảng 21 km trong tổng 48 km đi qua địa bàn. Địa phương này đánh giá hiện quỹ đất trên tuyến còn nhiều. Đây là thuận lợi nên dự án cần sớm được đầu tư, hạn chế lặp lại khó khăn như triển khai dự án Vành đai 3 nhưng cũng cần sự hỗ trợ từ trung ương.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo giao UBND các tỉnh, thành là cơ quan có thẩm quyền đầu tư dự án đường Vành đai 4. Các địa phương phải chủ động thực hiện các công việc trên đoạn tuyến đi qua, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách.
Phó Thủ Tướng, Vành đai 3 yêu cầu các địa phương cần đặc biệt quan tâm để lập tức đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư 76 km còn lại của Vành đai 3 khoảng 83.000 tỉ đồng, tức mỗi km hơn 1.000 tỉ đồng là quá cao. Phó Thủ tướng phân tích chi phí xây dựng đường Vành đai 3 khoảng 400 tỉ đồng mỗi km, nếu tính cả phần giải phóng mặt bằng sẽ lên khoảng 1.000 tỉ đồng, trong khi mỗi km cao tốc Bắc - Nam khoảng 140 tỉ đồng. Vì vậy, các bên cần tính toán lại, bởi không cẩn thận dẫn tới việc dự trù sai, không đúng chủ trương đầu tư.
Về nguồn vốn cho dự án đường Vành đai 3, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết sẽ sử dụng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương với tỉ lệ nhất định. Đoạn nào có thể kêu gọi vốn xã hội hóa theo hình thức PPP thì địa phương phải tính toán, đề xuất, rồi đoạn nào đầu tư 100% vốn ngân sách. Trong hơn 83.000 tỉ đồng nếu kêu gọi xã hội hóa được 20.000 tỉ đồng thì quá tốt. Phó Thủ tướng yêu cầu các bên cần phấn đấu hoàn tất hồ sơ và trình Chính phủ vào tháng 2/2022 trước khi trình Quốc hội.