MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nạn nhân đầu tiên của việc chậm phát triển xe điện: Một thương hiệu xe Nhật quen mặt với người Việt tuyên bố rút lui khỏi Trung Quốc, nhiều thương hiệu “anh em” điêu đứng

25-10-2023 - 08:36 AM | Thị trường

Các hãng xe Nhật đứng trước bước ngoặt khi hãng xe đình đám này xác nhận rút lui khỏi Trung Quốc.

Nạn nhân đầu tiên của việc chậm phát triển xe điện: Một thương hiệu xe Nhật quen mặt với người Việt tuyên bố rút lui khỏi Trung Quốc, nhiều thương hiệu “anh em” điêu đứng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bước ngoặt lớn của ông lớn Nhật Bản

Theo Nikkei Asia, chiến lược toàn cầu của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang chịu áp lực lớn khi sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc khiến những lợi thế của họ trở nên suy yếu. Lợi thế truyền thống của các nhà sản xuất Nhật Bản từ trước tới nay là tiết kiệm nhiên liệu ở những dòng xe xăng.

Một nạn nhân của quá trình chuyển đổi này là Mitsubishi Motors, công ty vào ngày 24/10 đã cho biết họ sẽ chấm dứt sản xuất ô tô tại Trung Quốc, rút khỏi liên doanh với Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC).

Công ty đã ngừng sản xuất xe tại nhà máy duy nhất ở Trung Quốc ở tỉnh Hồ Nam vào tháng 3 do doanh số bán hàng trì trệ. Liên doanh sẽ hoạt động như một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của GAC, sử dụng nhà máy làm cơ sở sản xuất xe điện.

Mitsubishi Motors dự kiến sẽ lỗ 24,3 tỷ yên ( tương đương 162 triệu USD) do cắt giảm hoạt động trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 tới.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang tụt lại phía sau ở Trung Quốc trong năm nay. Nhà nghiên cứu MarkLines báo cáo rằng Toyota Motor, Honda Motor và Nissan Motor kết hợp lại đã bán được 1,29 triệu xe mới trong 9 tháng đầu năm 2023, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng Toyota và Nissan giảm khoảng 30%.

Sự gia tăng sử dụng xe điện của Trung Quốc, cùng với sức mạnh ngày càng tăng của các thương hiệu nội địa đã khiến các công ty ô tô Nhật Bản rơi vào thế phòng thủ. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc báo cáo rằng doanh số bán xe điện tại nước này đã tăng 80% lên 5,36 triệu chiếc vào năm ngoái, chiếm khoảng 1/5 tổng số ô tô mới được bán ra.

Các công ty Trung Quốc như BYD và Great Wall Motor hiện nắm giữ thị phần hơn một nửa thị trường ô tô trong nước, giành lấy thị phần từ các đối thủ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vốn có thế mạnh ở ô tô chạy bằng xăng đã không theo kịp sự phát triển xe điện nhanh chóng của các đối thủ Trung Quốc.

Một giám đốc điều hành của Nissan cho biết: “Trung Quốc đã chứng kiến 60 mẫu xe sử dụng năng lượng mới, bao gồm cả xe điện, ra mắt chỉ trong vòng 3 tháng”. (Xe năng lượng mới (NEV) là một thuật ngữ của Trung Quốc bao gồm xe plug-in hybrid và xe chạy bằng pin thuần túy).

Nạn nhân đầu tiên của việc chậm phát triển xe điện: Một thương hiệu xe Nhật quen mặt với người Việt tuyên bố rút lui khỏi Trung Quốc, nhiều thương hiệu “anh em” điêu đứng - Ảnh 2.

Khi xe xăng không còn là "vua"

Dưới áp lực, các công ty ô tô Nhật Bản đang tái cơ cấu hoạt động tại Trung Quốc. Mazda Motor đặt mục tiêu cắt giảm khoảng 10% mạng lưới đại lý tại Trung Quốc so với mức tài chính năm 2022. Toyota vào tháng 7 đã chấm dứt hợp đồng của khoảng 1.000 nhân viên tại một liên doanh Trung Quốc.

Honda và Nissan đã thu hẹp quy mô sản xuất tại các nhà máy liên doanh địa phương. Sản lượng tại các cơ sở mà Nissan điều hành với đối tác Dongfeng Motor được cho là đã giảm xuống còn khoảng một nửa so với mức đỉnh điểm.

Theo ước tính của Viện nghiên cứu Tokai Tokyo và các tổ chức khác, Toyota, Nissan và Honda có thể sản xuất tổng cộng 5,3 triệu xe mỗi năm ở Trung Quốc nếu hoạt động hết công suất. Dựa trên dự báo doanh thu của họ cho năm tài chính này, mỗi công ty ước tính có khoảng 40% công suất dư thừa.

Thị trường Trung Quốc đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản kể từ những năm 2000, khi họ bắt đầu sản xuất xe chở khách ở đó thông qua liên doanh. Trung Quốc tạo ra 34% lợi nhuận ròng của Nissan, 27% cho Honda và 18% cho Toyota trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2023, theo ước tính của Goldman Sachs Nhật Bản.

Khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc sụt giảm, việc duy trì các thành trì của họ ở Bắc Mỹ và Đông Nam Á trở nên cấp bách hơn.

Các thương hiệu Trung Quốc đang giành được chỗ đứng ở nhiều khu vực trên thế giới trước sự bất lợi của các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản khi Chính phủ thúc đẩy xe điện. Tại Thái Lan, các mẫu xe điện chiếm hơn 10% số lượng xe mới được bán ra trong tháng trước, tăng từ mức 0,8% vào tháng 7 năm 2022. BYD đang tích cực đẩy mạnh vào khu vực này, góp 1 phần trong làn sóng ô tô Trung Quốc đang gia tăng tại quốc gia này.

Với việc các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trở nên kém cạnh tranh hơn ở Trung Quốc, các nhà sản xuất phụ tùng và vật liệu ô tô có thể phải đối mặt với tác động dây chuyền ở một quốc gia đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng ô tô.

Hiệp hội Công nghiệp Phụ tùng Ô tô Nhật Bản báo cáo rằng tính đến năm 2021, khoảng 30% công ty con sản xuất ở nước ngoài của các nhà sản xuất phụ tùng ô tô được đặt tại Trung Quốc, chỉ đứng sau Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng nhập khẩu phụ tùng ô tô vào Nhật Bản vào năm 2022, ở mức 800 tỷ Yên.

Theo Nikkei Asia

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên