MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1.500 tỷ USD và cuộc vật lộn của thiên đường thuế hấp dẫn nhất thế giới

05-07-2019 - 12:27 PM | Tài chính quốc tế

Vốn là thiên đường thuế được ưa chuộng nhất, quần đảo Virgin thuộc Anh đang phải chống chọi với nỗ lực chống trốn thuế của chính phủ các nước trên toàn thế giới.

Quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands - BVI) là nhà của hơn 400.000 công ty có tổng tài sản đạt 1.500 tỷ USD. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể biết được điều đó nếu đi dạo ở Road Town – thủ phủ của quần đảo Caribe này. Những con gà trống và gà mái "thách thức" những chiếc xe hơi trên những con đường nhỏ hẹp. Các công ty luật được lập ra để phục vụ hàng nghìn công ty vỏ bọc chỉ đặt văn phòng tại những tòa nhà đơn sơ nằm cạnh những căn nhà gỗ được sơn màu sắc tươi sáng.

Ngoài một vài tấm biển chỉ đường màu xanh ít ỏi nằm ở đầu một vài con phố ở khu trung tâm, ở đây có nhiều con đường thậm chí còn không có tên. Ở BVI không có dịch vụ bưu chính, các doanh nghiệp và 32.000 công dân của quần đảo này sử dụng địa chỉ gửi thư làm địa chỉ của mình, và đó cũng chính là lý do tại sao 1 hộp thư ở Road Town có thể là trụ sở trên danh nghĩa của hàng nghìn công ty từ khắp nơi trên thế giới. Hàng trăm luật sư, kế toán và các nhân viên văn phòng làm việc trong những tòa nhà mọc lên tại hòn đảo chính Tortola.

Ở một vài thiên đường thuế như Luxembourg, Monaco hay thậm chí là đảo Cayman, tiền "chảy róc rách" qua từng ngõ ngách. Còn ở BVI, tiền đi qua mà không để lại chút dấu vết nào.

1.500 tỷ USD và cuộc vật lộn của thiên đường thuế hấp dẫn nhất thế giới - Ảnh 1.

Đường phố ở BVI. Ảnh: Bloomberg.

BDO là 1 công ty kế toán đóng tại tòa nhà 4 tầng sơn màu xanh lá được bao bọc bởi những cây cọ. Ryan Geluk, phó giám đốc của BDO, lướt trên bàn phím và trên màn hình nhanh chóng hiện ra cơ sở dữ liệu mà anh rất đỗi tự hào: BOSS, hệ thống được BVI bắt đầu sử dụng từ năm 2017 để đáp ứng yêu cầu phải lưu trữ thông tin về ông chủ của các công ty mà BDO phục vụ. Nhấp chuột vào Almighty Dollar, công ty đăng ký địa chỉ tại hòm thư 9272 ở Road Town từ tháng 12/2007, trên màn hình hiện ra số hộ chiếu và ngày tháng năm sinh của ông chủ John Zykow-Wumu.

Almighty Dollar không phải là 1 công ty có thật mà chỉ là 1 công ty vỏ bọc được dựng lên để nhận ưu đãi thuế, giống như các công ty khác đã chọn BVI làm nơi đăng ký pháp nhân. Mặc dù giúp lập nên và điều hành BOSS, Gelek cũng không có quyền truy cập tất cả cơ sở dữ liệu. Chỉ có 2 nhân viên của Cơ quan giám sát tài chính của BVI có thể làm việc đó. Đây cũng là 2 nhân vật duy nhất nắm toàn bộ thông tin chi tiết về khoảng 600.000 chủ doanh nghiệp trực tiếp hay gián tiếp kiểm soát các công ty đăng ký địa chỉ ở BVI.

Geluk cho biết BOSS sử dụng công nghệ mã hóa không bao giờ bị hack. "Nếu có ai đó truy cập vào BOSS từ 1 nơi bất thường ví dụ như Triều Tiên, hệ thống sẽ ngay lập tức đóng lại". Máy chủ được đặt ở 1 nước G7 nhưng không phải Mỹ.

BVI đang trải qua một sự thay đổi. Năm ngoái, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu buộc BVI và 13 vùng lãnh thổ khác phải tăng tính minh bạch – một thời khắc hiếm hoi các nghị sĩ Anh đạt được đồng thuận lớn đến vậy kể từ năm 2016, trong bối cảnh nền chính trị Anh vẫn mắc kẹt vì Brexit. Một điều khoản quan trọng nhằm tăng tính minh bạch là mỗi vùng phải có 1 hệ thống tương tự BOSS và công khai thông tin.

Thiên đường thuế bị tấn công

Vị thế của BVI trong hàng ngũ các thiên đường thuế bị giảm sút sau vụ rò rỉ hồ sơ Panama Papers năm 2016, trong đó 11,5 triệu tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca bị tổ chức nhà báo quốc tế ICIJ công bố rộng rãi. Vụ bê bối này kéo theo một loạt các vụ điều tra rửa tiền, trốn thuế, né cấm vận trên khắp thế giới. Hơn một nửa các công ty bị kể tên có đăng ký địa chỉ ở BVI, thậm chí một số người còn đề xuất đổi tên vụ bê bối này thành BVI Papers.

Những người dân BVI nhận thức rõ sự giận dữ của công chúng đối với những tài sản bị che giấu và số thuế bị thất thoát. Tuy nhiên họ không tin rằng mình có lỗi trong việc này, thậm chí nhiều người sẽ phản đối việc gọi BVI là 1 thiên đường thuế. Nhưng những gì diễn ra ở BVI lại trở thành thước đo để đánh giá liệu công cuộc trấn áp các thiên đường thuế có hiệu quả hay không.

Khi đi dạo trên những con đường đầy bụi ở Road Rown, bạn sẽ cảm thấy đôi chút khó hiểu và tự hỏi tại sao những người dân BVI lại ủng hộ các công ty vỏ bọc. Các công ty này không nộp thuế. Đến nay toàn bộ các đảo trong số 60 đảo thuộc quần đảo này đã thuộc sở hữu của những người siêu giàu đến từ nước khác (Richard Branson sở hữu đảo Necker; Larry Page sở hữu Eustasia), và có rất ít dấu hiệu cho thấy những người này đóng góp cho kinh tế địa phương. Những dấu vết tàn phá mà siêu bão Irma gây ra cho BVI từ năm 2017 giờ vẫn hiện diện ở khắp nơi.

Tuy nhiên, những người dân BVI trả lời phỏng vấn của Bloomberg đều nhất trí rằng nơi này sẽ nghèo hơn rất nhiều nếu như không có ngành dịch vụ tài chính. Mất 450 USD để thành lập 1 công ty và 450 USD mỗi năm để duy trì đăng ký pháp nhân. Ngành dịch vụ tài chính đóng góp 62% trong tổng nguồn thu ngân sách 372 triệu USD của BVI, và con số có thể giảm xuống nếu như các công ty buộc phải công khai thông tin về người sở hữu, trong khi quần đảo này có dân số quá ít ỏi và cơ sở hạ tầng thì xuống cấp.

Vài năm trở lại đây, EU đã đe dọa sẽ cho BVI và một số vùng lãnh thổ vào danh sách đen nếu như họ không siết chặt luật lệ để ngăn cản các công ty trốn thuế. Theo ước tính của IMF, thế giới thất thoát khoảng 600 tỷ USD mỗi năm vì các công ty chuyển lợi nhuận đến những công ty vỏ bọc tại các nơi có mức thuế suất bằng 0.

Tuy nhiên, nỗ lực tăng tính minh bạch ở BVI từ phía chính phủ Anh đang gây ra nhiều sức ép hơn cả. Quốc hội Anh đã thông qua luật buộc các vùng lãnh thổ như BVI phải hoàn tất cơ chế đăng ký công khai vào năm 2020.

Không có gì đáng ngạc nhiên, nhiều người ở Road Town cho rằng có những lý do hoàn toàn chính đáng để sử dụng đăng ký pháp nhân ở BVI. Ví dụ, hồ sơ Panama cho thấy nữ diễn viên người Anh Emma Watson mua ngôi nhà ở London thông qua 1 công ty ở BVI để ngăn cản những kẻ tọc mạch tìm ra nơi ở của mình. BVI được coi là vùng đất trung lập thuận tiện để đăng ký pháp nhân cho các liên doanh quốc tế. Ví dụ, các nhà đầu tư thung lũng Silicon sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi đầu tư vào 1 liên doanh công nghệ Nga đăng ký ở BVI, nơi áp dụng hệ thống luật common-law của Anh thay vì luật lệ của Nga.

Tuy nhiên tính minh bạch không đe dọa những lý do này. Thứ bị đe dọa là vai trò quan trọng của BVI trong nỗ lực che giấu người chủ thực sự của tài sản, khiến các cơ quan quản lý khó tìm ra manh mối trong các vụ tranh chấp kinh doanh, điều tra trốn thuế và rửa tiền.

Hệ thống các công ty vỏ bọc trên thế giới giống như trò chơi rút gỗ Jenga, với mỗi thiên đường thuế là 1 block hỗ trợ toàn bộ cấu trúc. Và chiến dịch tăng tính minh bạch cũng giống như việc rút nhiều block ra cùng 1 lúc, trong đó BVI là block ở gần đáy do đó tấn công vào đây có thể khiến cả cái tháp bị sập.


Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên