MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nắng hạn bao phủ Âu - Á

06-07-2022 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience cho thấy đợt hạn hán đang diễn ra tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các vùng lân cận ở khắp Tây Địa Trung Hải là khốc liệt nhất trong suốt 1.200 năm qua.

Thời tiết khắc nghiệt này do ảnh hưởng của vùng áp cao Azores (còn gọi là vùng áp cao/vùng xoáy nghịch Bắc Đại Tây Dương).

Được bao quanh bởi các cơn gió ngược dòng có tác dụng điều khiển các hệ thống thời tiết có mưa và điều chỉnh sự vận chuyển độ ẩm từ đại dương đến châu Âu, vùng áp cao Azores giống như mắt bão, nơi gió mang độ ẩm chỉ chạy quanh chứ không tiếp cận được.

Hiện nay, vùng áp cao Azores cực lớn phổ biến hơn đáng kể vào mùa đông ở Tây Địa Trung Hải do biến đổi khí hậu, dẫn đến điều kiện khô bất thường. Trong khi đó, các vùng xung quanh như Anh và bán đảo Scandinavia lại hứng hết gió ẩm, gây ra mưa như trút thường xuyên.

Nắng hạn bao phủ Âu - Á - Ảnh 1.

Hạn hán khiến sông Po lớn nhất nước Ý cũng phải khô cạn trong ảnh chụp ngày 23-6 Ảnh: REUTERS

Hạn hán và nhiệt độ "đổ lửa" cũng bủa vây quốc gia Địa Trung Hải khác là Ý, tạo ra một dạng thảm họa khác: Sông băng Alpine vừa sụp đổ làm hàng chục người thương vong, mất tích.

Các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ kỷ lục sẽ khiến nhiều sông băng khác trên dãy Alps, bao gồm Alpine, tiếp tục mất ổn định.

"Mùa hè năm 2022 có nguy cơ trở thành cơn bão hoàn hảo cho các sông băng" - Reuters dẫn lời nhà khoa học môi trường và băng học của Trường ĐH Milan-Bicocca (Ý), ông Giovanni Baccolo. Theo ông, Alpine ngự trên đỉnh Marmolada vốn được coi là một sông băng "điềm tĩnh", không ai ngờ nó bất thần sụp đổ.

Dự báo các đợt nắng nóng cũng quét qua miền Bắc Trung Quốc trong 2 tuần tới. Các khu vực Tân Cương, Nội Mông và Ninh Hạ cùng các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Cam Túc và Thiểm Tây, với tổng dân số khoảng 250 triệu người, sẽ hứng chịu nhiệt độ vượt quá 40 độ C trong vòng 4-6 ngày.

Thông tin trên do Reuters dẫn lời Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng quốc gia Fang Xiang. Trước đó, Trung Quốc đã phải đối mặt một chuỗi thời tiết khắc nghiệt bao gồm nắng nóng ở phía Bắc và mưa lũ ở phía Nam.

Theo Anh Thư

Người Lao động

Trở lên trên