"Chết" vì đón đầu xu hướng xăng sạch
Hầu hết các dự án nhiên liệu sinh học đều đã dừng sản xuất, hoãn đầu tư xây dựng vì bế tắc đầu ra, càng làm càng lỗ. Hào hứng đón đầu xu hướng nhiêu liệu sạch đã khiến nhiều DN khốn đốn.
Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện có 6 nhà máy sản xuất Ethannol phục vụ cho phát triển nhiên liệu sinh học đã đi vào hoạt động và 1 nhà máy đang trong quá trình xây dựng.
Trong số đó, Nhà máy sản xuất Ethanol Đồng Xanh- Quảng Nam công suất 130 triệu lít/năm đi vào hoạt động từ 2011, nhưng đến cuối năm 2012 đang tạm dừng sản xuất. Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước có công suất kế 100 triệu lít/năm, đi vào hoạt động từ tháng 4/2012, đến quý I/2013 cũng đã phải tạm ngừng sản xuất.
Nhà máy sản xuất Ethanol sinh học (Dung Quất -Quảng Ngãi)với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm; Nhà máy sản xuất Ethanol Đại Việt- Đắc Nông có công suất thiết kế 70 triệu lít/năm; Nhà máy sản xuất ethanol Tùng Lâm - Đồng Nai công suất thiết kế 70 triệu lít/năm hoạt động từ 2011; Nhà máy sản xuất Bioethanol (Đắc Tô - Kon Tum) với công suất thiết kế 65 triệu lít/năm đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng.
Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ, công suất 100 triệu tấn/năm đang trong quá trình xây dựng, đã tạm dừng do khó khăn về vốn đầu tư.
Cầm chắc lỗ
Tính đến cuối năm 2012, năng lực sản xuất Ethanol nhiên liệu của cả nước đạt 535 triệu lít/năm, đủ để phối trộn 8,35 triệu tấn xăng E5 ( 5% Ethanol) hoặc 4,17 triệu tấn xăng E10 (10% Ethanol), đảm bảo đủ cung cấp cho thị trường cả nước.
Tuy nhiên khó khăn lớn hiện nay là sản phẩm xăng E5 không tiêu thụ được. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện Tập đoàn có khoảng 150 điểm bán xăng E5, mỗi tháng bán được 2.500 m3 xăng E5, cả năm khoảng 30.000 m3, tương đương với 1.500 m3 Ethanol, bằng công suất sản xuất trong 5 ngày của một nhà máy Ethanol.
Không những thế sản xuất Ethanol còn bị thua lỗ nặng. Vào năm 2007, khi các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học được lập, giá sắn lát chỉ khoảng 1.200-1.500 đ/kg, đến năm 2011 giá sắn lát đã tăng lên 5.500- 5.800 đ/kg. Năm 2012 giá có giảm chút ít những vẫn khoảng 4.000- 4.700 đ/kg. Nếu mỗi lít Ethanol cần khoảng 2,4 kg sắn lát thì riêng giá vốn cho nguyên liệu chính đã là 11.280 đồng, cộng thêm các chi phí khác như: điện, phụ phẩm, lương lao động, khấu hao máy móc, lãi vay…giá thành làm ra một lít Ethanol khoảng 18.000-19.000 đồng/lít.
Bán trong nước không được, xuất khẩu giá cũng thấp. Giá Ethanol xuất khẩu hiện chỉ khoảng 15.000 đồng/lít, tính ra mỗi lít Ethanol sản xuất ra lỗ chừng 3.000- 6.000 đồng, một nhà máy công suất 100 triệu lít/ năm nếu chạy hết công suất thì lỗ chừng 300- 600 tỷ đồng, vì vậy không dự án nào thoát khỏi thua lỗ.
Bên cạnh đó, đầu tư cho cửa hàng bán xăng sinh học chi phí khá cao. Hiện một trạm pha chế xăng E5 có giá khoảng 3 tỷ đồng, chi phí cải tạo cây xăng khoảng 40 triệu đồng, cộng thêm chi phí 2-3 triệu đồng/xe vận chuyển. Trong khi bỏ ra gần 2 tỷ đồng để đầu tư 1 điểm bán xăng thông thường ngày bán 2.000 lít mà lợi nhuận mỗi tháng chỉ 6 triệu đồng thì ai mặn mà với bán xăng sinh học.
Đẻ ra khó nuôi
Hiện nay, các các dự án xăng sinh học lâm vào khốn đốn. Nhà máy cồn Ethanol của Công ty cổ phần Đồng Xanh đã ngừng hoạt động từ cuối năm 2012. DN này còn nợ Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) Quảng Nam 540 tỷ đồng, Ngân hàng kỹ thương (Techcombank) 400 tỷ đồng, nợ người dân trồng sắn hơn 20 tỷ đồng, nợ lương, bảo hiểm của công nhân 7 tỷ đồng.
Nhà máy Ethanol ở Bình Phước, quý I/2013 sản xuất được 2,607 triệu lít, bán nội địa được 1,890 triệu lít và xuất khẩu được 0,3 triệu lít, do thu không đủ bù chi nên đã phải tạm ngừng hoạt động, nhà đầu tư Nhật Bản đang rao bán cổ phần, muốn rút vốn vì thấy không hiệu quả. Nhà máy Ethanol Bình Sơn (Quảng Ngãi), quý I/2013 sản xuất được 5,505 triệu lít nhưng không xuất khẩu được và bán nội địa chỉ được 0,566 triệu lít, phải cắt giảm công suất.
Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Ethanol miền Bắc được đầu tư xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, là một trong những dự án lớn với công suất 100 triệu lít/năm. Tuy nhiên, đến nay dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ đã phải tạm ngừng triển khai. Trong khi đó, nhiều hộ dân đầu tư trồng sắn nguyên liệu (sắn năng suất cao KM94 - sắn Ethanol) nhưng không có chỗ tiêu thụ, bán rẻ cho tư thương với giá chỉ còn 1.200 - 1.400 đồng/kg, thua lỗ nặng nề.
Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, xăng sinh học E5 sẽ được phép pha trộn và tiêu thụ tại 7 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ngãi từ cuối năm 2014. Từ 1/12/2015 xăng E5 sẽ tiêu thụ đại trà trên cả nước. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất Ethanol có được đầu ra. Tuy nhiên từ giờ đến cuối năm 2014 sẽ là thời gian gần 2 năm đầy khó khăn cho các dự án sản xuất Ethanol trong nước.
Các DN cho rằng, do Chính phủ chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ tiêu dùng xăng sinh học nên sản lượng tiêu thụ còn xa vời so với công suất thiết kế ban đầu. Để các dự án năng lượng sinh học phát triển tốt, Chính phủ cần có chính sách dài hạn cho DN đầu tư như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông; hỗ trợ thuế VAT đối với sản phẩm đầu ra...
Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn trồng sắn nguyên liệu cho người dân để đáp ứng đủ nguyên liệu cho đầu vào sản xuất.
Theo Trần Thủy